Theo Thượng tá Trà, "một nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tai nạn do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn là tình trạng kinh doanh rượu bia khá phổ biến và phức tạp trên nhiều tuyến đường và trên toàn địa bàn thành phố", ông Trà nói và dẫn chứng, 3 tháng đầu năm đã có 16 vụ tự gây tai nạn mà nguyên nhân do điều khiển phương tiện sau khi uống bia rượu.
Trưởng phòng PC 67 cho rằng, để phòng ngừa tai nạn giao thông, bên cạnh kiểm tra hành chính sau 23h tại các khu vực trọng điểm, tập trung nhiều quán ăn uống nhằm phát hiện người có nồng độ cồn vượt quá quy định, thành phố cần giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh như hiện nay.
Trước đề xuất này, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, trong 3 tháng qua số người chết do tai nạn lại tăng 34 người so với cùng kỳ năm ngoái là điều đáng ngại.
"Đây là con số hết sức nghiêm trọng, là nỗi đau, nhức nhối của chính quyền, gia đình và toàn xã hội", ông Tín phát biểu.
Tuy nhiên, phía lãnh đạo thành phố cho rằng, cấm bán rượu bia không phải là hình thức hay và còn liên quan đến nhiều vấn đề khác.
“Hiện nay, luật đã quy định rõ ràng, máy đo nồng độ cồn đã có, cần phải xử lý ngay từ khi người uống rượu bia ra khỏi nhà hàng, chứ đừng để tai nạn xảy ra rồi mới đi xử lý. Việc này hoàn toàn có thể làm được tại sao không làm quyết liệt”, ông Tín nêu quan điểm và yêu cầu ngành công an thời gian tới cần phải làm nghiêm vấn đề uống rượu bia khi lái xe, trường hợp vi phạm cần phải tịch thu phương tiện, chứ không phải đề xuất các phương án mang tính hô hào rồi để đó.