Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, “học viên” tham dự là những người đứng đầu bệnh viện (BV), lãnh đạo các Sở Y tế, các bác sĩ, điều dưỡng.
Các BV sẽ phải triển khai quy tắc ứng xử toàn diện đến tận bảo vệ trông xe. Đặc biệt với vấn đề y đức, phải thay đổi được suy nghĩ của các nhân viên trong BV công: y bác sĩ, điều dưỡng, trông xe luôn coi người bệnh là “khách hàng”, là người đem đến thu nhập cho mình, cần phải chăm sóc chu đáo.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, lâu nay bức xúc về y đức chỉ xảy ra trong BV công vì đời sống của y bác sĩ trong BV công còn khó khăn, thu nhập chưa tương xứng.
Giữa BV Việt Pháp và BV Bạch Mai chỉ cách nhau một cái cổng, trong khi BV Bạch Mai liên tục hô hào vận động, treo băng rôn khẩu hiệu nâng cao y đức thì BV Việt Pháp lại chẳng bao giờ xảy ra tiêu cực về lĩnh vực này. Ở BV Việt Pháp, lương y bác sĩ được trả cao, nếu y đức không tốt họ sẽ cho nghỉ việc luôn.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, các cơ sở y tế công phải ký cam kết “nói không với phong bì” từ giám đốc BV đến trưởng phó khoa và nhân viên. Người nhà bệnh nhân cũng phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ trước và trong khi điều trị còn sau khi điều trị lại là vấn đề khác.
Bà Kim Tiến dẫn chứng: “Trong miền Nam, bệnh nhân đưa phong bì cho bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi và nói nếu bác sĩ không nhận quà thì bệnh của tôi không khỏi được".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: "Quà của bệnh nhân biếu bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi phần nhiều thể hiện tình cảm, sự biết ơn của người bệnh với người thầy thuốc nên không thể cấm họ biếu hay cấm bác sĩ nhận quà sau khi đã điều trị mà chỉ cấm nhận trước và trong điều trị”.
Người đứng đầu ngành y tế bày tỏ, với tất cả các biện pháp đang triển khai, ngành y tế, toàn bộ cán bộ nhân viên ngành y quyết tâm thay đổi chân dung người thầy thuốc Việt Nam trong mắt người dân.