TP.HCM: Chặn dịch Ebola từ cảng hàng không, cửa khẩu

Việt Văn |

(Soha.vn) - Để ngăn ngừa dịch Ebola có nguy cơ xâm nhập, đoàn công tác Sở y tế TP.HCM đã thị sát kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trang bị 4 máy đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh

Theo đó, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế (Sở Y tế TP.HCM) là “lá chắn” đầu tiên để ngăn chặn bệnh Ebola tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sở Y tế đã trang bị 4 máy đo thân nhiệt tại đây để tiến hành đo thân nhiệt hành khách từ xa. Trong đó, hai máy hoạt động thường xuyên, hai máy còn lại sẽ bổ sung nếu lượng hành khách đông. Trong trường hợp nghi ngờ hành khách nhiễm Ebola, Trung tâm Y tế Quốc tế sẽ áp dụng biện pháp cách ly, điều tra dịch tễ và chuyển đến bệnh viện điều trị bằng xe chuyên dụng.

Đó là một trong các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Ebola được Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế thực hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong buổi thị sát phòng chống dịch bệnh tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất của Đoàn công tác Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế cho biết, sau khi Thủ Tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM chỉ đạo về việc triển khai công tác phòng ngừa dịch bệnh Ebola, Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế đã triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Kiểm dịch viên đang tiến hành kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất

Kiểm dịch viên đang tiến hành kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất

Ngoài công tác triển khai giám sát thân nhiệt hành khách nhập cảnh và thực hiện tờ khai y tế đối với những hành khách đã đến, lưu trú tại 4 quốc gia (Guine, Liberia, Sierra Leone, Nigeria) đang có dịch Ebola bùng phát. Các ban ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phân phát tờ rơi, các địa chỉ cơ sở y tế để du khách có thể liên hệ khi cần.

Chưa phát hiện hành khách mắc bệnh Ebola nhập cảnh vào Việt Nam

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm thông tin thêm, mỗi ngày, cảng hàng không Tân Sơn Nhất có 3 chuyến bay từ khu vực Trung Đông (nơi có thể có những chuyến bay có hành khách từ 4 nước trên nhập cảnh vào Việt Nam), với khoảng 750 hành khách. Tính đến trưa 12.8, tại TP.HCM mới chỉ có 1 du khách người Nigeria tới Việt Nam trong tình trạng sức khỏe tốt.

Còn bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến nay, TP.HCM chưa ghi nhận người mắc bệnh Ebola nhưng Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo, bệnh Ebola là căn bệnh nguy hiểm, có sự lây truyền mạnh, độc lực cao. Do đó, chúng ta cần chủ động phòng ngừa, kiểm soát loại bệnh nguy hiểm này. Sở Y tế TP.HCM triển khai thực hiện theo hướng kiểm tra sàng lọc tại sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng quốc tế để cách ly kịp thời nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ.

3 bệnh viện lớn tại TP.HCM chuẩn bị sẵn sàng

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, TP.HCM đã yêu cầu 3 bệnh viện lớn gồm: Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 luôn chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh Ebola. Trong đó, Bệnh viện Nhiệt Đới sẽ tiếp nhận người lớn bị nhiễm bệnh, còn 2 Bệnh viện Nhi Đồng sẽ tiếp nhận trẻ em. Cả ba bệnh viện nói trên đã bố trí đầy đủ phòng cách ly, trang thiết bị, hóa chất dự phòng để điều trị những bệnh truyền nhiễm. Do dịch Ebola lây từ người sang người nên ngành y tế TP.HCM yêu cầu ba bệnh viện nói trên trang bị đầy đủ dụng cụ phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế; bao gồm khẩu trang N95, kính đeo bảo hộ mắt, mũ, găng tay, bao giày, quần áo…

Hiện tại chưa phát hiện người nào khả nghi nhiễm bệnh Abola nhưng các máy đo thân nhiệt đã sẵn sàng làm việc

Hiện tại chưa phát hiện người nào khả nghi nhiễm bệnh Ebola nhưng các máy đo thân nhiệt đã sẵn sàng làm việc

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm khuyến cáo, người dân không nên đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết. Trong trường hợp đi thì người dân nên tìm hiểu thông tin về dịch bệnh Ebola tại nơi đến để có biện pháp phòng tránh. Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, tránh tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh Ebola. Nếu tiếp xúc thì đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ chuyên dụng đúng cách và giữ khoảng cách. Người dân tránh tiếp xúc với dịch tiết, máu, các vật dụng của người nhiễm bệnh.

Riêng những người trở về từ các quốc gia vùng Tây Phi trong vòng 21 ngày, nếu có những dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau họng, tiêu chảy phát ban,…hoặc từng tiếp xúc với người có dấu hiệu trên thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, theo dõi và điều trị.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh Ebola do virus Ebola (Ebola haemorrhagic fever), là loại bệnh nguy hiểm có tỉ lệ tử vong lên đến 90%. Virus Ebola xuất hiện lần đầu tại Sudan và Cộng hòa Công Gô vào năm 1976. Tại Công Gô, virus này được phát hiện ở một ngôi làng ven sông Ebola, vì vậy người ta đặt tên là virus Ebola. Virus Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quẩn áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng). Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sau: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại