Tổng thống Obama trông chờ chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thanh Tuấn |

Đó là thông điệp mà Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony J. Blinken đưa ra trong cuộc họp báo chiều 19-5 tại TP.HCM.

“Chúng tôi rất chào đón chuyến thăm của Tổng bí thư Trọng. Tổng thống Obama đang trông chờ chuyến thăm - ông Blinken nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ - Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN tới Washington” .

Ông nói chuyến thăm chứng minh “các cựu thù trong chiến tranh với nhau vẫn có thể trở thành bạn bè. Chúng ta không những chỉ có hòa bình mà còn xây dựng được quan hệ đối tác”.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony J. Blinken trong cuộc họp báo chiều 19-5 tại TP.HCM. Ảnh:Thuận Thắng

Ông Blinken đang có chuyến thăm ở VN từ ngày 16 đến 19-5 để chuẩn bị cho một loạt chuyến thăm cấp cao giữa hai nước vào cuối năm nay, trong đó sẽ có chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp tới.

Chuyến thăm của ông Blinken diễn ra trong bối cảnh tình hình ở biển Đông đang có một loạt diễn biến mới khi Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động chiếm đất ngoài biển.

Mới tuần trước, Wall Street Journal trích nguồn tin Bộ Quốc phòng nói Lầu Năm Góc đang cân nhắc phương án đưa tàu chiến và máy bay quân sự vào trong phạm vi 12 hải lý các điểm Trung Quốc chiếm đất ở biển Đông - động thái dấy lên lo ngại rằng đụng độ có thể xảy ra ở ngoài biển.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Blinken dầu vậy không khẳng định hay phủ nhận việc quân đội Mỹ có đưa tàu hay máy bay tới khu vực lấn đất hay không dù nói là “quan ngại” về tình hình ở ngoài biển".

12 hải lý là phạm vi lãnh hải và thường chỉ được công nhận nếu như các điểm này được coi là đảo.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, hầu hết đây chỉ là bãi san hô ngầm hoặc là đá mà không duy trì được sự sống thì sẽ chỉ có 500m lãnh hải chứ không phải 12 hải lý như thông thường và cũng không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Theo giới quan sát, động thái đi hẳn vào 12 hải lý như vậy có thể buộc Trung Quốc phải đưa ra căn cứ cụ thể cho các tuyên bố chủ quyền của mình (Thực tế ở biển Đông là tất cả các nước mới chỉ tuyên bố chủ quyền nhưng vì tính phức tạp của tình hình, hiện chưa nước nào đưa ra rõ ràng căn cứ theo UNCLOS cho các tuyên bố chủ quyền của mình).

“Quan điểm ở đây là gây nhiều sức ép với Trung Quốc với mọi cơ hội, mà không quá gây hấn, khiến họ ngày càng không thoải mái với những gì mình đang làm” - Gregory Poling của CSIS nói với Bloomberg.

IHS Jane, tạp chí hàng đầu về quốc phòng, đánh giá khả năng Mỹ đưa tàu hay máy bay vào trong phạm vi 12 hải lý sẽ khó xảy ra trong lúc này vì sẽ dẫn tới cuộc đối đầu ngoại giao trực diện giữa hai nước.

Và trong bối cảnh Mỹ còn cần Trung Quốc trong một loạt vấn đề an ninh và kinh tế (như Triều Tiên, Iran...), Washington sẽ không muốn gây hấn với Trung Quốc vào lúc này. Nhưng họ thừa nhận khả năng Washington sẽ đưa tàu tới sát vạch 12 hải lý.

>>>Sự thật gây sốc về cô gái tự nhận đang nuôi "đứa con của người cha sắp bị tử hình"

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại