"Tôi xin cúi đầu hổ thẹn trước bố của em Tiến"

Độc giả Việt Dũng |

(Soha.vn) - “Tuy không giàu sang, không nổi tiếng, không danh vọng, nhưng bố của em Tiến đã sống trọn vẹn với cuộc đời của mình. Ông đã âm thầm gieo nhân lành nở hoa thơm ngát cho đời. Tôi xin cúi đầu hổ thẹn trước con người của ông!”

Sau khi đăng tải bài viết “Bố thủ khoa ĐH Y đang sống trong... cống hoang kiếm tiền nuôi con ăn học”, rất nhiều độc giả đã bày tỏ cảm xúc, sự kính phục về lòng thương vô điều kiện của người cha nghèo dành cho con cái.

Chúng tôi xin trích đăng bài viết của độc giả Việt Dũng về câu chuyện này:

Tôi đã từng đọc rất nhiều bài báo về những tấm gương vượt khó học giỏi, về những người cha người mẹ lam lũ, chắt chiu từng đồng nuôi con ăn học khôn lớn thành tài, và cũng không ít lần tôi đã rơi nước mắt thương xót cho những cảnh đời éo le, cơ cực của họ mà thầm nghĩ: “Sao cuộc đời lại bất công như thế?”.

Nhưng, khi nhìn vào hình ảnh người bố của em thủ khoa Đại học Y Hà Nội - Nguyễn Hữu Tiến, trong tim tôi tuyệt nhiên không có chỗ cho xúc cảm ái ngại thông thường mà thay vào đó, là một nỗi hổ thẹn, một sự xấu hổ chua chát với chính bản thân tôi.

Người cha của thủ khoa ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến vật lộn với cuộc sống mưu sinh trên thành phố nuôi con học đại học.

Người cha của thủ khoa ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến vật lộn với cuộc sống mưu sinh trên thành phố nuôi con học đại học.

Tôi cũng may mắn như Tiến, có một người cha yêu thương tôi hết mực, ông lam lũ lao động để có tiền cho tôi được đến trường theo đuổi con chữ với mong muốn về một tương lai tươi sáng hơn. Và không chỉ tôi, Tiến, mà bất cứ ai trong các bạn, chúng ta đều kính trọng và biết ơn người cha tuyệt vời của riêng mình.

Tuy nhiên, mấy ai trong chúng ta biết được ý nghĩa của cuộc sống mà người cha đã mang lại cho chúng ta. Đó là sự cho đi mà không mong chờ sự nhận lại, đó là tinh thần kiên cường, chịu khó, là đức hi sinh lớn lao với tình thương vô điều kiện, … Trên hết, có một điều, một điều quý giá nhất mà tôi đã ngộ ra từ câu chuyện của người cha em Tiến, đó là “sống thế nào là trọn vẹn”.

Hơn 10 năm gửi nhờ giấc ngủ trên vỉa hè, tại lều lán xập xệ hay trong ống cống, thử hỏi nếu không phải bằng niềm tin, bằng hi vọng, làm sao người cha ấy có thể bền bỉ bán sức mình như vậy cho 4 người con lần lượt vào giảng đường đại học?

Người đàn ông ấy lao động với một khát khao cháy bỏng là cuộc đời của con sẽ được bước sang một trang mới, đẹp đẽ và tươi sáng hơn. Mong mỏi ấy, nó mạnh mẽ đến mức, chưa một lần người cha ấy cảm thấy chán chường hay mệt mỏi để tìm ra lời giải khắc nghiệt của bài toán mưu sinh. Ai kêu gì, ông làm nấy; chỗ này không có khách, ông tìm đến chỗ khác. Bàn chân ấy, đôi tay ấy có ngọn lửa hi vọng hừng hực mà ông đặt trọn nơi các con. Nó đủ mạnh để truyền đến nhiệt huyết vươn cao tới những đỉnh cao cho các con.

Kiếm được đồng nào, người cha ấy cũng đều gửi về quê lo cho việc học của con, còn mình, ngày lại ngày ăn mì tôm trừ bữa. Nhưng, ông vẫn vui vẻ và hăng say lao động, ông nguyện “làm đến chết để cho con đi học”. Đó là tình thương, sự hy sinh của người làm cha dành trọn cho những người con mà khó ai có được.

Sẽ có không ít những câu ước được thốt ra cho hoàn cảnh của ông, tuy nhiên, nếu có được một điều ước, tôi tin rằng ông vẫn sẽ ước con mình học giỏi, ngoan ngoãn chứ không quan tâm đến việc mà ông đang làm. 

Vì sao ư? Vì ông lao động vì danh dự và trách nhiệm của người cha, vì niềm tự hào của riêng ông. Thành công của con cái cũng chính là quả ngọt cho cuộc đời lao động không biết mệt mỏi của ông. Ông không trực tiếp đóng góp chất xám cho xã hội, nhưng ông ươm mầm và nuôi dưỡng nguồn chất xám ấy một cách ân cần như một nhiệm vụ cao cả. Sứ mệnh ấy không thiêng liêng sao?

Mưu sinh giữa thủ đô hiện đại, chưa một lần người đàn ông ấy chợt “tủi thân” cho thân phận nghèo khổ của mình, ngược lại, ông âm thầm viết tiếp cuộc đời của mình bằng những tháng ngày lao động trong tình thương vô hạn luôn hướng về các con.

Vợ chồng bác Định nguyện

Vợ chồng bác Định nguyện "làm đến lúc chết" để cho con được học đại học.

Căn nhà ấy, tuy không đủ đầy về vật chất, không gắn bó về khoảng cách địa lí, nhưng nó luôn nồng ấm tình thương. Được làm việc vì tình thương thì còn gì hạnh phúc hơn. Ông không đố kị, ghen ghét hay bất mãn với cuộc đời, thay vào đó ông đáp trả cuộc đời bằng tấm lòng thơm thảo, bằng lao động lương thiện và bằng sự thỏa mãn với hạnh phúc riêng của mình.

Tôi đang cố gắng nỗ lực từng ngày để định nghĩa cho bản thân mình hai chữ “thành công”, dẫu vậy, tôi lại quên mất rằng, “thành công” có phải là tất cả khi tôi chưa sống một cuộc sống trọn vẹn. Tôi không có đủ bản lĩnh để giữ cho mình một niềm tin, một khát vọng mạnh mẽ. Tôi dễ dàng bỏ cuộc và nhụt chí rồi than thở vào số phận.

Tôi học tập và rèn luyện vì lời khen chê của mọi người, chứ không phải bằng danh dự, bằng niềm tự hào của chính bản thân mình. Tôi hay kêu ca phàn nàn về cuộc sống mà không nhận ra rằng, hạnh phúc luôn ở bên cạnh mình. Tôi sống như để thực hiện nghĩa vụ với cuộc đời chứ không phải là tận hưởng niềm may mắn và hạnh phúc với giá trị mà cuộc sống đã ban cho.

Mỗi người trong cuộc sống đều có những sứ mệnh riêng, nhưng để sống trọn vẹn với sứ mệnh đó, cần có một tấm lòng, một trái tim và một ý chí giao hòa với cuộc đời. Tuy không giàu sang, không nổi tiếng, không danh vọng, nhưng bố của em Tiến đã sống trọn vẹn với cuộc đời của mình. Ông đã âm thầm gieo nhân lành nở hoa thơm ngát cho đời. Tôi xin cúi đầu hổ thẹn trước con người của ông!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại