Tòa tuyên án vụ chai nước có thủy tinh: Coca thắng kiện

Phương Nhi |

Dựa vào dấu vết dập ép ở nắp chai có chứa ống thủy tinh mang đặc điểm khác với dấu vết dập ép ở nắp của 63 chai mẫu, tòa tuyên án, chai nước đó không phải do Coca Cola VN sản xuất.

Không có căn cứ chứng minh đó là sản phẩm của Coca

Vụ kiện tranh chấp quyền lợi người tiêu dùng liên quan tới chai nước cam ép mang nhãn hiệu Splash chứa thủy tinh sau 4 năm chờ đợi đến hôm nay đã có kết quả.

Tuy nhiên, kết quả này không như nhiều người tiêu dùng (NTD) mong mỏi, nó một lần nữa chứng minh cho câu chuyện “con kiến” khó lòng “thắng kiện củ khoai”.

Theo đó, chiều 23/9/2015, tại TAND quận Bắc Từ Liêm, bà Nguyễn Thị Loan, chủ tọa phiên tòa đã tuyên án bác bỏ các cáo buộc cũng như các yêu cầu của phía nguyên đơn (khách hàng Nguyễn Thị Bình Minh) đối với Công ty Coca Cola Việt Nam.

Bà Loan cho biết, tòa án đã trưng cầu sự vào cuộc của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công An, thực hiện giám định chỉ tiêu độ kín bao bì, nắp chai, chỉ tiêu vị, mùi ngoại quan, chỉ tiêu hóa lý của sản phẩm…

Kết quả giám định cho kết quả, dấu vết dập ép của vật chứng khác với đặc điểm dấu vết dập ép của 63 chai nước làm mẫu để so sánh.

Các màu in trên mẫu giám định đều cùng loại với các màu tương ứng in trên nhãn chai mẫu của Coca đưa ra để so sánh.

Thành phần và các chỉ tiêu hóa lý trong chai đều tương tự các sản phẩm mẫu của Coca cung cấp. Viện Khoa học Hình sự không kiểm tra được độ kín trên nắp chai.


(Ảnh: Luật YouMe)

(Ảnh: Luật YouMe)

Xét về nhãn hiệu trên vỏ chai, chữ, hình và khẩu hiệu trên chai cam ép giống với hình ảnh Coca Cola đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, nên về hình thức bên ngoài thì thấy đây là sản phẩm của Coca Cola VN.

Nhưng về dung dịch bên trong sản phẩm, chai nước vật chứng và các mẫu so sánh được sản xuất trong thời gian khác nhau, quá trình bảo quản khác nhau và đều hết hạn sử dụng nên các tính chất hóa lý của sản phẩm sẽ làm thay đổi thành phần các chỉ tiêu hóa lý trong chai.

“Do đó, không có căn cứ để xác định đây có phải là sản phẩm do Coca Cola sản xuất hay không.

Kết quả giám định dấu vân, dập ép của chai vật chứng khác với đầu dập nắp của 63 chai Coca Cola cung cấp để so sánh và không phải do dây chuyền của Coca Cola thực hiện dập nắp.

Đây là sản phẩm tái sử dụng. Đồng thời, đây cũng không phải sản phẩm do Coca Cola VN hoàn thiện. Do đó không có căn cứ cho việc Coca Cola có lỗi trong việc lưu hành sản phẩm có khuyết tật trên thị trường” – bà Loan nhấn mạnh.

Với tuyên án này, Coca Cola Việt Nam tạm thắng kiện và khách hàng Bình Minh tạm là người thua kiện.

Trao đổi với báo chí sau khi phiên xét xử kết thúc, ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Đối ngoại của Coca Cola VN chia sẻ: “Chúng tôi không coi phán quyết của tòa là chiến thắng hay thất bại.

Mà đây là lời khẳng định một lần nữa quyền của người tiêu dùng được nói lên tiếng nói của họ và được lắng nghe.

Chúng tôi đã có mặt tại tòa một cách chính trực và đầy trách nhiệm để giải quyết những bức xúc đó”.

Liên quan tới chai nước cam ép, vị đại diện này khẳng định, yếu tố an toàn là ưu tiên hàng đầu của Coca.

Để khẳng định điều đó, ông Mỹ lưu ý, sản phẩm an toàn phải sản xuất trên dây chuyền nghiêm ngặt theo đúng quy chuẩn, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.

Một lần nữa, chúng tôi hoan nghênh quyết định của tòa nhưng cũng xin khẳng định, chúng tôi luôn tôn trọng quyền lợi của NTD. Chúng tôi không coi đây là một phán quyết có lợi cho doanh nghiệp.

Chúng tôi chỉ muốn chứng minh một thông điệp với cộng đồng rằng: Doanh nghiệp phải đi đôi với trách nhiệm” – ông Mỹ nói.

Bản án không thỏa đáng

Về phía công ty Luật YouMe – đơn vị bảo vệ cho nguyên đơn, LS Phạm Ngọc Minh cho rằng, bản án chưa thật sự thỏa đáng.

Đặc biệt, chi tiết “chỉ tiêu lý hóa của chai vật chứng tương tự mẫu sản phẩm Coca cung cấp để so sánh” chưa được xem xét một cách thấu tình, đạt lý.


Chủ tọa cho biết, không có căn cứ khẳng định Coca Cola có lỗi trong việc lưu hành sản phẩm có dị vật trên thị trường. (Ảnh: Phương Nhi)

Chủ tọa cho biết, không có căn cứ khẳng định Coca Cola có lỗi trong việc lưu hành sản phẩm có dị vật trên thị trường. (Ảnh: Phương Nhi)

“Một tình tiết nữa trong bản án này khiến nhiều người thất vọng đó là việc chị Minh đã phải chịu mức án phí 200.000 đồng.

Đây là một vụ án, tôi thấy có một vật chứng cụ thể nhất, đầy đủ nhất, chưa từng bị mở nắp, vụ án kéo dài tới 4 năm và kết quả NTD tạm thời thua kiện.

Nói về mặt xã hội, như thế có công bằng hay không? NTD đâu có đòi quyền lợi kinh tế, họ chỉ muốn Coca chú ý hơn tới sản phẩm làm giả, làm nhái có mặt trên thị trường.

Bởi một chai nước giống hệt của Coca từ màu sơn trên nắp chai, vỏ chai cho tới thành phần lý hóa của dung dịch trong chai, không có dấu hiệu mở ra, đóng lại, vậy mà cũng được khẳng định không phải hàng thật của Coca? Vậy đâu mới là hàng thật?

NTD làm sao có thể biết được cách phân biệt hàng thật, hàng nhái của Coca khi chỉ nhìn bằng mắt thường và khi mà cơ quan chức năng dù có đo bằng máy móc hiện đại thì cũng phải chờ 4 năm mới có kết quả kiểm định?!

Chẳng nhẽ, người tiêu dùng phải chờ tới 4 năm để kiểm định rồi mới dám mua Coca Cola về uống?

Những băn khoăn về việc cảnh báo này, Coca Cola hầu như đều im ỉm đi" – LS Phạm Ngọc Minh bày tỏ.

Sẽ tiếp tục kháng cáo

Trao đổi với chúng tôi sau phiên xét xử, ông Vũ Thái Hà, Giám đốc Công ty Luật YouMe nêu quan điểm:

Hội đồng xét xử đã dựa vào "dấu vết dập ép ở nắp chai có chứa ống thủy tinh và tạp chất có đặc điểm khác với dấu vết dập ép ở nắp của 63 chai mẫu", để cho rằng, chai vật chứng không phải do Coca sản xuất là không thuyết phục và bỏ qua những kết luận giám định khác.

Kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự đã nêu rõ:

1. Màu in trên nhãn chai giữa chai có ống thủy tinh và tạp chất đều cùng loại với các chai do Coca Cola Việt Nam tại Hà Nội cung cấp.

2. Sơn màu đỏ trên nắp chai của chai có ống thủy tinh và tạp chất đều cùng loại sơn (khác màu) với các chai do Coca Cola Việt Nam tại Hà Nội cung cấp.

3. Thành phần và các chỉ tiêu lý hóa của chai có ống thủy tinh và tạp chất tương tự với thành phần và chỉ tiêu lý hóa của các chai do Coca Cola Việt Nam tại Hà Nội cung cấp.

4. Không phát hiện thấy dấu vết mở ra và đóng lại ở nắp chai có ống thủy tinh và tạp chất.

Việc dấu vết dập ép ở nắp chai có chứa ống thủy tinh và tạp chất có khác với vết dập ép của 63 chai thủy tinh do Coca Cola Việt Nam gửi tới cũng là điều dễ hiểu.

Theo đó, không thể vin vào lý do này, phớt lờ các kết luận giám định khác rồi nhận định chai có ống thủy tinh và tạp chất không phải do Coca Cola sản xuất, bởi lẽ:

1. Chai có chứa ống thủy tinh và tạp chất được sản xuất vào 29.06.2011, trong khi, không hiểu vô tình hay cố ý, Coca Cola Việt Nam lại cung cấp các chai không có cùng thời gian sản xuất.

63 chai thủy tinh Coca đưa đến để làm mẫu so sánh đều là các chai được sản suất sau đó hàng năm, thậm chí là gần 2 năm (các chai do Coca Cola Việt Nam cung cấp có năm sản xuất 2012 và 2013).

2. Có điều gì đảm bảo các chai Splash do Coca Cola cung cấp là các chai do Coca Cola Việt Nam sản xuất hàng loạt và đang lưu thông trên thị trường?

Có điều gì đảm bảo là Coca Cola trung thực trong việc cung cấp mẫu chai trong khi lẽ ra phải cung cấp các chai Splash có cùng thời gian sản xuất thì lại cung cấp các chai sản suất sau đó cả một thời gian dài?

3. Có điều gì đảm bảo là dây chuyền dập nắp của Coca Cola vẫn giữ nguyên, không thay đổi?

Ngay cả trong trường hợp không thay đổi dây chuyền dập nắp thì khuôn dập cũng không thể dập ra các nắp chai giống hệt nhau trong suốt thời gian dài từ 2011 đến 2013.

Việc giám định và so sánh mẫu có thời gian khác nhau là so sánh tương đối và xem xét đến tính tương đồng, không thể máy móc để so sánh theo kiểu tuyệt đối, giống hệt.

Việc xem xét như thế là phiến diện bởi vì ngay trong kết luận giám định, các thành phần hóa lý của các chai Splash do chính Coca Cola Việt Nam gửi tới Viện Khoa học Hình sự cũng cho thấy, các chai này đều có các thành phần hóa lý không giống hệt nhau.

Vậy phải chăng, các chai này đều không phải là do Coca Cola Việt Nam sản xuất?

Ông Hà cũng cho biết, hiện tại, ông đã thu thập được một số chai cam ép Splash cùng lô sản xuất với chai vật chứng và các vân dập nắp chai đều ăn khớp với nhau.

Chúng tôi cũng đã thu thập được các chứng cứ quan trọng là các chai Splash có cùng ngày sản xuất và sẽ đề nghị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét lại” – ông Hà khẳng định.

Chuyên gia marketing, CEO Pizzahome
Ông Hoàng Tùng
Việc thắng kiện tại tòa và chiến thắng trong tâm trí người tiêu dùng là hai hoạt động khác nhau. Về mặt lý, Coca Cola đã chiến thắng nhưng rõ ràng chiến thắng đó không nâng tầm vị thế của Coca Cola về mặt tình cảm đối với người tiêu dùng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại