Tiết lộ những vụ việc nhân viên Vietnam Airlines bị 'sờ gáy'

Vụ việc tiếp viên hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) vừa bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ bởi nghi vấn liên quan đến hàng ăn cắp không là hiện tượng cá biệt.

Tổng hợp các vụ án từ 10 năm trở lại đây đã có hàng chục nhân viên VNA bị bắt, khởi tố, đi tù vì… buôn lậu.

Chiều 26/3, Vietnam Airlines xác nhận nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc (số hiệu Ngọc 35, sinh năm 1988) của hãng đang bị tạm giữ tại Nhật Bản để phục vụ công tác điều tra. Sáng 26/3, đại diện VNA đã có buổi làm việc với cơ quan cảnh sát Tokyo tại trụ sở văn phòng VNA để cung cấp thông tin và tài liệu cần thiết hỗ trợ việc điều tra.

Đây không phải là vụ việc cá biệt, xâu chuỗi các vụ liên quan đến nhân viên VNA từ trong 10 năm trở lại đây cho thấy đã có hàng chục nhân viên hãng này dính dáng tới hàng lậu bị cơ quan chức năng nước bạn và trong nước “sờ gáy”. Theo đó, từ năm 2002 tới nay đã có gần 50 nhân viên là tiếp viên, cán bộ phi hành đoàn của VNA dính tới buôn lậu, không ít trong số đó phải “bóc lịch” theo phán quyết của tòa án.

Điển hình về số lượng cán bộ VNA dính chàm phải kể đến vụ việc năm 2011. Trong vụ này cơ quan điều tra đã chỉ ra đến 30 tiếp viên hãng VNA tham gia vận chuyển hàng điện tử và ngoại tệ số lượng lớn từ Australia vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) qua đường hàng không. Tổng số 980 thiết bị, tương đương hơn 6,3 tỷ đồng và hơn 34.600 USD.

Ngày 3/6/2002, Cục Hải quan Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới tại sân bay quốc tế Nội Bài. Số hàng gồm 400 điện thoại di động cùng các linh kiện trị giá hơn 2 tỷ đồng liên quan đến 9 tiếp viên hàng không VNA trên chuyến bay mang số hiệu VN534.

Ngoài số điện thoại nêu trên, số cán bộ VNA còn nhập lậu gần 7 kg vàng (dưới dạng nhẫn, vòng, dây chuyền) và. Số hàng trên được để trong túi đựng thức ăn thừa trên chuyến bay từ Dubai (UAE) đến Hà Nội. TAND Hà Nội đã ra bản án với 6 bị cáo tham gia vận chuyển trái phép gần 400 điện thoại di động trên chuyến bay Dubai - Hà Nội. HĐXX đã tuyên hình phạt tổng cộng là 88 tháng tù giam cho các bị cáo.

Tháng 10/2003, hai tiếp viên của VNA đã bị trạm thuế sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện vận chuyển một lượng lớn hàng hóa không hóa đơn chứng từ, gồm 51 điện thoại di động các loại, hơn 700 đồng hồ đeo tay, một số phụ kiện của điện thoại di động gồm 16 cục pin, gần 70 dây sạc, hơn 35 đế sạc pin và 50 dây đeo tai nghe. Tổng trị giá hàng hóa hơn 300 triệu đồng.

Vào tháng 6/2010, cơ quan chức năng Australia đã bắt giữ 7 tiếp viên (cả nam và nữ) của VNA để điều tra nghi vấn liên quan việc vận chuyển một số điện thoại Iphone và Ipad từ nước này về Việt Nam. Tháng 9/2013, một tiếp viên phó của VNA vừa bị lực lượng an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang trái phép 50 chiếc iPhone 5S còn nguyên đai nguyên kiện khi bay từ Paris (Pháp) về Sân bay quốc tế Nội Bài trên chuyến bay VN106.

 1

VNA đã buộc tiếp viên phải mang vali nhỏ để ngừa tiếp tay cho buôn lậu.

Liên quan đến những "sự vụ" lùm xùm của tiếp viên VNA, PV GĐ&XH đã nhiều lần liên hệ với VNA nhưng đều không nhận được phản hổi. Số điện thoại di động của ông Lê Trường Giang, người phát ngôn của VNA luôn trong tình trạng im lặng đến khó hiểu hoặc không thể liên lạc được.

Trước đây, nhiều lần PV liên lạc với ông Giang qua điện thoại đều không nhận được câu trả lời xác đáng, ông Giang luôn báo bận. Tương tự, trước đây, hòm thư của PV luôn nhận được các thông cáo có nội dung tích cực như khuyến mại, mở đường bay mới... nhưng đến khi có sự cố như máy bay rớt bánh hoặc các thông tin "xấu" thì tuyệt nhiên không hề nhận được bản thông cáo nào của hãng này.

Có lẽ VNA cần có cuộc cách mạng trong việc làm hình ảnh bởi chiêu "xấu che, tốt khoe" của hãng này e rằng không hiệu quả bởi thực tế dù có "che" chắn, "im lặng" và báo bận đến đâu thì những hành vi và thông tin về buôn lậu, tiếp tay cho hàng ăn cắp, bị bắt, bị khởi tố, đi tù... vẫn cứ chềnh ềnh trên các mặt báo trong nước và quốc tế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại