Tôi là kẻ “lội ngược dòng”
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường THPT, Nguyễn Minh Hiển đã học thiên về các môn ban A (Toán Lý, Hóa) nhưng lại có tâm ước được làm những công việc nhằm đảm bảo sự công bằng cho xã hội.
Ngày ấy, đắn đo giữa 2 trường là Học viện Biên phòng và ĐH An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh); để đáp ứng điều kiện về khối thi, Nguyễn Minh Hiển quyết định chuyển sang ôn thi khối G (Văn, Sử, Toán). Ôn thi gấp gáp chỉ trong khoảng nửa năm, vậy mà anh đã đỗ vào Học viện An ninh.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hiển (Sinh năm 1979) TS Tội phạm học - Giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân.
Học hết chương trình đại cương tại Học viện An ninh, với sự năng nổ của tuổi trẻ anh đã chọn chuyên ngành Cảnh sát Hình sự - Học viện Cảnh sát nhân dân để theo học.
Nhớ lại những ngày tháng khó quên đó, TS Nguyễn Minh Hiển xúc động: “Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc và may mắn, chính tôi cũng không ngờ mình làm được việc “lội ngược dòng” đó, nó dường như là một kì tích. Thậm chí sau khi đỗ rồi, tôi đã ngã bệnh vì quá kiệt sức”.
Cứ thế, anh chàng “nhà quê” năm nào từng đạp xe gần 30 cây số mỗi ngày để đi ôn thi, giờ đã là một Tiến sĩ, Giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân để từng ngày được mang những kiến thức truyền lại cho các em học viên của Học viện. Niềm nhiệt huyết của người “chiến sĩ” ấy vẫn từng ngày được khẳng định.
Anh tâm sự: “Nhiều bạn học viên bây giờ năng nổ và nhiệt huyết lắm! Nhiệt huyết không thua các lớp anh chị đi trước; thậm chí cái hay của họ là họ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và thực hiện những hoài bão. Thấy họ ham học hỏi như vậy, mình cũng thêm động lực để truyền dạy lửa nghề”.
Cần chính sách mới để chặn “chảy máu chất xám”
Khi được hỏi về hiện trạng các tiến sĩ trẻ được đào tạo ở nước ngoài nhưng không về nước làm việc, TS Nguyễn Minh Hiển chia sẻ suy nghĩ: “Tiến sĩ trẻ Việt ở nước ngoài vẫn cống hiến được cho đất nước dù ít hay nhiều.
Nhưng nếu có nhiều chính sách mới, hợp lý để thu hút họ mang những thành quả sáng tạo, nghiên cứu ấy về Việt Nam trực tiếp phục vụ nhân dân, tổ quốc thì chúng ta có thể hạn chế được tình trạng “chảy máu chất xám”.
Những năm trở lại đây, càng nhiều những Tiến sĩ trẻ thành công trong và ngoài nước, họ dù trực tiếp hay gián tiếp vẫn là một bộ phận hết sức quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Sự phát triển của đất nước ta những năm gần đây được thể hiện rõ rệt qua nhiều chủ trương, chính sách mở, ưu đãi và thu hút nhân tài cho đất nước. Giới trí thức trẻ Việt Nam cũng có nhiều cơ hội, môi trường, điều kiện tốt hơn để nghiên cứu và thậm chí là ứng dụng vào thực tiễn để phục vụ nhân dân.
Nói về sự so sánh giữa chất lượng đào tạo TS trong và ngoài nước, TS Nguyễn Minh Hiển chia sẻ: “Mặc dù không thể phủ nhận các TS được đào tạo ở nước ngoài có những tư duy và phương pháp nhạy bén hơn nhưng khi được đào tạo trực tiếp trong nước lại có cái hơn là được trực tiếp ứng dụng các công trình thực tế tại Việt Nam. Chúng tôi có thể nhận lấy kết quả và rút kinh nghiệm nhanh hơn là việc học một trình độ cao hơn điều kiện thực tiễn rồi khi về nước áp dụng thì vẫn phải sửa đổi sao cho phù hợp”.
Trước kia, điều kiện kinh tế và chế độ đãi ngộ trong nước với các Trí thức tài năng có phần chưa thực sự thỏa đáng nhưng bây giờ đã đổi mới nhiều. Điều này cũng dễ lý giải cho việc tại sao ngày càng nhiều TS trở về tổ quốc cống hiến, xây dựng quê hương.
Vui mừng và hết lòng ủng hộ sửa đổi Hiến pháp
Hiện nay, Quốc hội đang trưng cầu ý kiến toàn dân về việc sửa đổi Hiến pháp, TS Nguyễn Minh Hiển cũng bày tỏ sự vui mừng và hết lòng ủng hộ.
TS Hiển chia sẻ: Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu của lịch sử, toàn Đảng, toàn dân đang tập trung trí tuệ để nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho bản dự thảo Hiến pháp ngày càng hoàn thiện. Đội ngũ trí thức cần đóng góp nhiều hơn nữa các ý kiến mang tính khách quan, khoa học, phù hợp với thực tiễn.
Về quan điểm cá nhân, TS Nguyễn Minh Hiển đồng tình với các quan điểm góp ý tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng “duy nhất” lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Theo TS Hiển, Việt Nam tiếp tục thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Năm 2002, tốt nghiệp học viện Cảnh sát nhân dân được giữ lại làm giảng viên, anh tiếp tục theo học cao học và nhận bằng thạc sĩ năm 2007. Tiếp tục làm nghiên cứu sinh từ năm 2009 đến tháng 5 năm 2012 đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ luật học chuyên ngành Tội phạm học và điều tra tội phạm.
Cho đến nay, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hiển đã nghiên cứu một đề tài khoa học, tham gia viết 10 đầu sách chuyên ngành đang được ứng dụng nghiên cứu, giảng dạy; 20 bài báo khoa học, kỷ yếu được công bố trên các tạp chí khoa học đầu ngành và các kỷ yếu hội thảo, tích cực hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học và một số công trình nghiên cứu đang “thai nghén”.