Ngày 5.12 vừa qua, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vừa xảy ra tại tòa tháp 29 tầng thuộc tòa nhà Hòa Bình Green City (550 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Việc này đã một lần nữa khiến các cư dân chung cư cao tầng dấy lên nỗi lo lắng về sự an nguy của mình khi “bà hỏa” ghé thăm.
Tòa nhà Hòa Bình Green City vừa xảy ra hỏa hoạn.
Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Tô Mạnh Thắng - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy của TP.Hà Nội cho biết: “Hiện tại, công tác cứu nạn khi xảy ra hỏa hoạn tại chung cư cao tầng vẫn là 1 thách thức với lực lượng cảnh sát PCCC.
Trong dàn xe cứu hỏa của Hà Nội chỉ có 2 xe thang nặng 26 tấn là có thể vươn cao từ tầng 15 đến tầng 17 của các chung cư.
Ngoài ra, lực lượng cứu nạn chỉ có thể áp dụng các biện pháp cứu nạn thông dụng như sử dụng thang dây, ống tụt, đệm hơi... để đưa người bị nạn ở tầng cao thoát ra ngoài.
Tuy nhiên, tất cả các công cụ này đều có những bất cập trong công tác cứu nạn”.
Thượng tá Tô Mạnh Thắng phân tích: “Với thang dây, trong lúc hoảng loạn, không phải nạn nhân nào cũng đủ bình tĩnh để bám chắc và leo chính xác từng bậc dây đu đưa trong gió.
Ống tụt bằng vải thì nạn nhân phải khuỳnh tay ra để tạo ma sát giảm tốc độ trượt, nếu không cũng có thể bị chấn thương.
Còn đệm hơi thì ở tầng cao nhìn xuống chỉ giống như một tờ giấy khổ A4, khả năng nhảy chính xác vào giữa vòng tròn an toàn là rất khó.
Xe thang thì bị hạn chế về chiều cao và không thể cứu nạn ở nhiều điểm cùng lúc. Với những khó khăn đó thì người dân ở các chung cư cao tầng trước hết phải tự tìm cách cứu mạng sống của mình”.
Theo thượng tá Tô Mạnh Thắng, trên thế giới, người dân sống trong các chung cư cao tầng đã biết đến dây thoát hiểm như một giải pháp hiệu quả để tự cứu mạng khi hỏa hoạn xảy ra.
Ở Việt Nam, thiết bị này cũng được Công ty Pioneer Green nghiên cứu và sản xuất vào đầu năm 2014.
Dây thoát hiểm Sky Rescue Line có chiều dài tối đa 100m, tương đương với chiều cao của tòa nhà 30 tầng.
Thiết bị được cấu tạo bởi ba bộ phận chính: Móc neo dùng để móc vào tường, cột làm điểm giữ cho thiết bị hãm ma sát và bộ dây đai neo vào người.
Dây không bị cháy trong lửa, tải trọng tối đa là 120 kg và có tốc độ tiếp đất tối đa 2m/s.
Khi hỏa hoạn xảy ra, người bị nạn chỉ mất 1 phút để mặc áo, mắc bộ dây đai an toàn vào người và vào thiết bị hãm ma sát, sau đó từ từ trượt xuống theo tường của tòa nhà để tiếp đất an toàn.
Hiện nay, tại Hà Nội, một số tòa nhà cao tầng như chung cư cao cấp Tòa tháp Ngôi Sao (Star Tower) đã trang bị cho mỗi căn hộ một bộ thiết bị dây thoát hiểm Sky Rescue Line.
Tuy nhiên, với thiết bị này, thượng tá Tô Mạnh Thắng cho rằng, nhà sản xuất cần nghiên cứu để có thể giúp cho mỗi người lớn có thể mang theo một trẻ em trong mỗi lần sử dụng.
Ông Thắng kể: “Trong lần cứu nạn tại tòa tháp 29 tầng thuộc tòa nhà Hòa Bình Green City xảy ra ngày 5.12, khi chúng tôi đưa được 1 cháu bé bị lạc trong đám cháy xuống đất an toàn thì mẹ của cháu mới từ đâu chạy lại kêu khóc.
Như vậy, khi mẹ cháu bé thoát ra khỏi tòa nhà đã không mang theo được con mình đi cùng.
Các nhà sản xuất dây thoát hiểm cần nghiên cứu để khi sử dụng thiết bị này, bố mẹ có thể mang theo được các con của mình cùng thoát hiểm, tránh những trường hợp thương tâm có thể xảy ra”.