Trong khi Quốc hội đang nóng lên trước kiến nghị của cử tri Tiền Giang: Tham nhũng từ 1 tỉ đồng trở lên, cần xử tử hình, thì ở Ba Lan, ông Bộ trưởng Giao thông vận tải đã nộp đơn từ chức bởi một việc “lãng xẹt” nếu xét theo góc nhìn của Việt Nam.
Ông Slawomir Nowak, một đồng minh thân cận của Thủ tướng Ba Lan, cũng không còn cách lựa chọn nào khác ngoài con đường rời ghế Bộ trưởng, chỉ vì một chiếc đồng hồ trị giá 6.600 USD.
Chiếc đồng hồ vô tội, nhưng chủ của nó thì không: Ông Slawomir rất nhớ đeo nó trên tay hàng ngày, nhưng lại “quên” ghi nó trong bản kê khai tài sản.
Tham nhũng từ 1 tỉ đồng trở lên cần xử tử hình tại Việt Nam?
Trở lại chuyện án tử ở Việt Nam. Nếu tham nhũng từ 1 tỉ trở lên đã xử án tử thì gay go to. Dân nghèo đương nhiên mừng rỡ, nhưng nhà quản lý thì lại lo ngại.
Vì sao lại lo? Rõ ràng tham nhũng đã được vạch mặt chỉ tên là quốc nạn, là nội xâm. Mà đã là quốc nạn và nội xâm thì số lượng quan tham không thể là con số rất ít được.
Các quan tham cũng là một lực lượng đáng kể trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất” như chúng ta vẫn réo gọi bấy lâu nay.
Mà mấy năm gần đây, mỗi vụ tham nhũng được phát hiện, thì đều gây thất thoát, thiệt hại số tiền bằng cả trăm, cả ngàn mức đề xuất án tử - 1 tỉ đồng.
Chỉ vì thiếu thuốc độc, mà việc thi hành án tử hiện nay đang bị ách tắc. Nếu đề xuất 1 tỉ đồng tham nhũng bị xử tử được chấp thuận, thì chả hóa ra việc này sẽ đại ách tắc vì số tử tù tăng thêm sẽ… rất khó đếm.
Cách đây hơn 15 năm, có đại gia gỗ mang ô tô chở bộ bàn - tủ bằng gỗ cực kỳ sang trọng đến nhà một bộ trưởng. Bộ trưởng đó đã từ chối thẳng thừng đống đồ đạc cồng kềnh khiến cả phố biết đó và đại gia lại lếch thếch chở quà biếu về.
Lúc đó báo chí và dư luận đã nhận xét: Bị bộ trưởng đuổi về là phải, thời nay ai còn biếu xén những thứ to lớn rùm beng như thế nữa. Bây giờ, chỉ cần gói gọn tất cả “tình cảm” trong một thứ be bé, xinh xắn mà dân gian thường gọi là phong bì. Như thế vừa nhẹ nhõm, vừa âm thầm, ai biết đấy là đâu.
Câu chuyện này đưa đến một nhận định nửa thật nửa đùa: Nếu đọc được chuyện trên của Việt Nam, có lẽ Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Ba Lan đã không phải từ chức. Những “cao thủ” thực sự không khoe đồ quý giá được biếu xén trên người mà âm thầm trang trí nó trong…két sắt.
Nhưng việc các quan chức, từ nay ít đeo đồng hồ do rút ra kinh nghiệm của Ba Lan, không có nghĩa là nạn tham nhũng, chạy chọt, “buôn vua” sẽ giảm.
Việc đề xuất xử tử những kẻ tham nhũng từ 1 tỉ đồng trở lên, nếu có được quốc hội chấp thuận, cũng không có nghĩa là nạn tham nhũng sẽ giảm.
Kịch bản đáng sợ nhất đối với bất kể quốc gia nào là vô số kẻ tham nhũng 1 tỉ lại sẵn sàng chi ra 2 tỉ, 10 tỉ, 100 tỉ để chạy thoát tội và chạy trót lọt. Khi ấy, những người có trách nhiệm lôi bọn sâu mọt ra pháp trường, lại trở thành kẻ đục khoét trắng trợn và án toàn nhất.
Ông Trùm giang hồ Năm Cam, dù không thoát án tử, vẫn kịp để lại “kim chỉ nam” thần sầu cho các “chiến hữu”: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng… rất nhiều tiền”.
Trong một xã hội mà “kim chỉ nam” của Năm Cam vẫn còn tồn tại, thì mọi điều luật ban hành cũng chẳng khác nào chiếc mặt nạ của chú hề trên sân khấu.
LTS: Mời Quý độc giả bình luận, phản hồi về vấn đề này. Xin gõ ý kiến vào ô Viết bình luận cuối bài báo. Trân trọng!