Trao đổi với chúng tôi vào chiều 28/5, ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam khẳng định, hành động tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng vào ngày 26/5 vừa qua là rất nguy hiểm, vô nhân đạo.
"Vài năm qua đã xảy ra hàng trăm vụ tàu Trung Quốc có những hành động gây hại cho ngư dân Việt Nam khi đang tiến hành đánh bắt thủy sản trong vùng biển chủ quyền của chúng ta. Và kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép cùng với việc huy động rất nhiều loại tàu tham gia bảo vệ, hộ tống ở vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì họ đã liên tục thực hiện các hành động ngang ngược, vi phạm như đâm, va, xịt vòi rồng... khiến các tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư, tàu cá Việt Nam bị hỏng và nhiều chiến sỹ, ngư dân bị thương.
Cũng từ ngày 7 đến ngày 27/5 vừa qua, Trung Quốc đã gây ra 4 vụ liên tục, đâm, va rồi cướp phá, chiếm đoạt tài sản, sản phẩm của ngư dân Việt Nam, thiệt hại về kinh tế lên tới nhiều tỷ đồng... Đặc biệt hơn, họ còn có những hành động làm bị thương, đánh gãy tay của ngư dân Việt.
Nhất là vụ việc xảy ra vào ngày 26/5 vừa qua, tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 11209 đã đâm chìm tàu cá DNA 90152 của Việt Nam ở Nam Tây Nam giàn khoan Hải Dương 981 ở khoảng cách 17 hải lý. Rất may 10 ngư dân trên tàu đã được các tàu của ngư dân Việt Nam quanh đó vớt lên an toàn.
Đây là hành động hết sức nguy hiểm, sai trái, ngang ngược và thể hiện sự vô nhân đạo, gây nguy hiểm cho ngư dân Việt Nam của phía Trung Quốc.
Hội nghề cá Việt Nam cực lực phản đối những hành động như vậy của phía Trung Quốc. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc bồi thường những thiệt hại cho ngư dân, không tái phạm những hành động trên và không gây cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam", ông Mưu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Mưu, trong thời gian tới, ngoài việc khuyến khích bà con ngư dân tiếp tục bám biển thì Nhà nước cũng cần phải có những chính sách phù hợp để đảm bảo an toàn cho bà con.
"Ở đây, ngoài việc ra biển để đánh bắt thủy sản, làm ăn kinh tế cho gia đình thì mỗi ngư dân, mỗi một tàu cá là một cột mốc sống để khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để bà con ngư dân yên tâm, tiếp tục thực hiện đánh bắt thủy sản, làm ăn trên vùng biển của mình. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp, chính sách cụ thể về mặt an sinh, xã hội cũng như việc tổ chức các đội hình tàu cá của ngư dân bám biển.
Hội cũng kính đề nghị các cơ quan chức năng cần lên tiếng phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt hơn nữa, ngăn chặn ngay những hành động vi phạm của Trung Quốc, nhằm bảo vệ ngư dân khi sản xuất trên vùng biển Việt Nam, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo Tổ quốc", ông Mưu bày tỏ.
Trước đó, trong ngày 27/3, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương phản đối việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam.