Nhưng ít người biết đằng sau công việc tưởng chừng rất thiện nguyện ấy không chỉ là những mảnh đời, những số phận mà còn là những cám dỗ, những ám ảnh mà nếu không đủ bản lĩnh giữ mình thì con đường sa ngã như trở bàn tay.
Nghề nào cũng vậy, có vui, có buồn, có nụ cười và có cả những giọt nước mắt đắng cay, sự đánh đổi. Với nghề tẩm quất người mù, sự chấp nhận và đánh đổi dường như là không thể tránh khỏi. Nếu mắt sáng thì có thể lường trước được mọi hành động của khách mà tránh, chứ mắt đã không thấy gì thì có muốn tránh cũng không được.
Cười ra nước mắt
Với hội Người mù Việt Nam, nghề tẩm quất là một trong những nghề mũi nhọn được các trung tâm người khuyết tật chú trọng phát triển đào tạo dạy nghề. Mỗi cơ sở tẩm quất người mù chân chính sẽ được miễn thu thuế, không bị các cơ quan chức năng soi xét. Mọi thủ tục về cấp phép kinh doanh đều được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi.
Tuy nhiên, trong hàng trăm cơ sở tẩm quất người mù mọc lên với số lượng tăng đột biến trong vài năm gần đây nhiều người đã lợi dụng người khiếm thị để kinh doanh trục lợi, làm ăn phi pháp.
Họ mượn danh những người khiếm thị có chứng chỉ học nghề để đi đăng ký kinh doanh rồi tha hồ làm mưa làm gió, ảnh hưởng đến uy tín và sự lành mạnh của công việc.
Người ngoại đạo chen chân vào lợi dụng đã đành, những người khách lẽ ra đi tẩm quất để mang lại lợi ích về sức khỏe thì họ cũng lợi dụng người khiếm thị để thỏa mãn những nhu cầu dục tính khiến không ít người khiếm thị hành nghề trở nên bị ám ảnh ngay từ khi chân ướt chân ráo vào nghề.
Tẩm quất người mù luôn ẩn chứa những cám dỗ.
Cao Duy Đ., (SN 1989) nhân viên khiếm thị đang thực tập tại cơ sở tẩm quất trên phố Cảm Hội (Hai Bà Trưng - HN) cho biết: "Trong số những người tìm đến tẩm quất người mù với xuất phát điểm thiếu lành mạnh có cả những nghệ sĩ tên tuổi. Họ dò hỏi nhân viên thích gì rồi tìm cách đáp ứng, dụ dỗ. Nhiều khi họ dùng tiền, thậm chí cả sự dọa nạt để thỏa mãn dục tính của mình."
Có lần, khi còn thực tập ở cơ sở bên Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội), Cao Duy Đ. phục vụ một danh hài có tên tuổi trong giới nghệ sĩ. "Ban đầu, em thấy đó là một điều vô cùng may mắn được tự tay chăm sóc sức khỏe cho thần tượng của mình. Tuy nhiên, sau mấy động tác tẩm quất, người nghệ sĩ nọ bắt đầu hỏi đến những sở thích và ước mơ của em.
Tưởng được quan tâm nên em cũng vui vẻ trả lời. Không ngờ, người nghệ sĩ này gạ gẫm: Cho chú hôn một cái nhé, hôm nào chú mua đàn cho cháu. S
au khi em khéo léo từ chối, người này tiếp tục ngã giá trắng trợn: "Cho chú ôm đi, tý nữa chú cho 500 nghìn mà tiêu thêm". Hoảng sợ, em vùng chạy ra khỏi phòng, đập cả đầu vào cánh cửa bây giờ vẫn còn vết sẹo."
Những người trong nghề như Đ., sau khi vấp phải sự thật mình bị lợi dụng không ai dám nói ra vì sợ người khác khinh rẻ, coi thường. Đ. tâm sự: "Sợ nhất vẫn là những vị khách pê đê (đồng tính - PV)."
Đ. kể: "Một lần em tẩm quất cho một vị khách thuộc diện ái này. Thông thường, một bài tẩm quất kéo dài khoảng từ 45 - 60 phút. Bắt đầu là phần đầu, sau đó đến tay, chân. Nếu khách yêu cầu thì sẽ làm cả phần bụng, ngực. Tiếp theo đến lưng, mặt sau chân và xoa bóp vai gáy để kết thúc bài tẩm quất theo đúng nghĩa.
Hôm đó, khi em làm đến phần mặt sau chân thì vị khách nọ cứ yêu cầu làm cao lên tý nữa, cao tý nữa. Em biết ý, xoa lên tận lưng thì bị khách cầm tay mình đặt thẳng vào chỗ nhạy cảm của họ.
Em sợ quá, xin phép ra ngoài thì ngay lập tức vị khách mắng em té tát và phàn nàn với chị chủ. Cũng may chị chủ là người khéo chèo chống và hiểu nghề vì chị cũng đã từng gặp những tai nạn nghề nghiệp như thế nên em đã thoát tội và vẫn được ở lại thực tập."
Một lần khác, Đ. được đích danh một vị khách chừng 40 tuổi đã có lần ghé qua cơ sở tẩm quất nơi Đ. thực tập mời đến tận nhà để tẩm quất cho đỡ đau đầu. Đ. e ngại cho biết: "Khi đến nơi em mới biết chồng cô đi công tác nước ngoài. Cô mời em lên phòng riêng để làm cho tiện.
Cánh cửa phòng vừa đóng lại, cô đã đề nghị em không cần phải bóp đầu mà đưa tay em bắt xoa bóp những chỗ mà cô cảm thấy thoải mái. Nghĩ cô ấy bằng tuổi mẹ mình, em không thể làm những điều trái với lương tâm nên đã từ chối thẳng thắn.
Thấy vậy, người phụ nữ đã đề nghị tặng em một chiếc máy tính xách tay nếu giúp cô ấy được thỏa mãn. Cũng may cho em hôm đó nhà cô có khách bấm chuông nên nhân cơ hội đó, em chuồn thẳng. Sau lần đó không thấy cô ấy đến đây tẩm quất nữa."
Ám ảnh để đời
Chị Triệu Thu T., chủ một cơ sở tẩm quất người mù trên đường Cảm Hội, Hai Bà Trưng, Hà Nội kể lại: "Mười năm gắn bó với nghề, nhiều kỷ niệm vui buồn, nhưng ám ảnh nhất là những lần bị khách trêu đùa, thậm chí là sàm sỡ.
Có lần, sau khi tẩm quất cho khách xong, chị ra bồn nước rửa tay thì bất ngờ bị ông khách lạ vùng dậy ôm từ đằng sau và dùng tay sờ soạng trên khắp cơ thể khiến chị không kịp phản ứng.
Sau lần ấy chị luôn bị cảm giác sợ sệt, lo ngại đeo bám, đến tận bây giờ, có những khi đang tẩm quất cho khách chị cũng vẫn thấy rùng mình", chị T. cho biết.
Anh Nguyễn Văn H. (SN 1989, cũng là bạn thân của Đ. nhưng đi học trước nên ra nghề trước Đ. một năm. Có lần, khách cho tài xế đến tận cơ sở đón về nhà để tẩm quất.
Nhưng trên đường đi, anh tài xế hờ đã đưa H. đến một khu nhà vắng. Anh ta cùng mấy người đồng tính nam thi nhau sờ soạng và giở trò đồi bại với H.Sau khi thỏa mãn thú tính, chúng còn dọa không được kể với ai và vứt lại cho H. 200 nghìn đồng để bắt taxi về.
Sau chuyện đó, H. bị chấn động tâm lý và lãnh cảm cả nửa năm trời với người xung quanh. Nhiều tháng liền, Đ. phải sang tận nơi, tâm sự, chia sẻ. Sau H. bỏ nghề tẩm quất để đi làm cho một xưởng chuyên đan dụng cụ thủ công.
Đ. chia sẻ: "Khi tẩm quất cho khách, có những động tác phải nâng cả thân người của khách lên thật cao hoặc xoay người lại. Với những vị khách quá khổ, nặng 70 - 80kg thì quả là một ác mộng đối với nhân viên như em.
Người làm nghề không những khéo tay, am hiểu huyệt đạo mà còn phải có sức khỏe nữa. Có lần vì cố tẩm quất đúng bài bản cho khách mà em đã bị trẹo tay mất mấy tuần."
Nghề nào cũng có mặt trái, có những khó khăn phức tạp, nhưng nghề tẩm quất người mù lại luôn luôn phải đối diện với những rủi ro mà đôi khi biết cũng khó tránh được. Chị T. sau mười năm hành nghề và bây giờ là mở nghề tạo công ăn việc làm cho người khác đã mỉm cười khi đúc kết ra kinh nghiệm ấy.
Chị cũng chia sẻ thêm: "Nhiều khi, bản thân tôi cũng thấy rủi ro ngay khi mình chưa làm. Nếu sáng mắt, khách có những hành động bất thường mình có thể phản ứng ngay lại. Nhưng vì không nhìn được nên không thể phòng tránh và phản ứng bao giờ cũng chậm. Nếu làm nghề này mà không giữ được bản lĩnh thì sẽ rất dễ bị cám dỗ."
Chọn nghề vì nghề không phụ người
Chị T., chủ cơ sở tẩm quất người mù phố Cảm Hội, Hai Bà Trưng cho biết: "Tôi chọn nghề vì nghề không phụ tôi và không đòi hỏi tôi cái mà tôi không thể có, đấy là đôi mắt.
Tôi nghĩ rằng chỉ có nghề tẩm quất là phù hợp nhất với điều kiện sức khỏe của mình và mang lại thu nhập tương đối ổn định.
Không có nghề xấu, chỉ có nhân cách khuyết tật và những suy nghĩ lệch chuẩn. Tôi không quan trọng mọi người nói gì về cái nghề này, chỉ cần mình làm ăn chân chính và kiếm đồng tiền bằng chính sức lao động của mình".