Tại sao phải tạm dừng ghép tế bào gốc trị ung thư vú?

B. Bình |

Ngày 17/6 vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tạm dừng kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng.

Ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú gây hiểu lầm cho người dân

Theo thông tin trên tờ Vietnamnet, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, việc bệnh viện công bố chữa khỏi ung thư vú nhờ ghép tế bào gốc gây hiểu nhầm cho người bệnh và người dân.

Nếu có, bệnh viện chỉ có thể công bố khả năng hỗ trợ của ghép tế bào gốc, chứ không thể khẳng định ghép tế bào gốc điều trị khỏi 2 loại ung thư trên.

Trên thực tế, bệnh viện chưa có đánh giá hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư sau ghép tế bào gốc mà mới chỉ theo dõi quá trình sinh tủy.

“Sự nhập nhằng này khiến người dân hiểu sai. Rất nhiều chuyên gia về ung bướu hàng đầu đã có văn bản gửi lên Bộ Y tế yêu cầu làm rõ.

Công bố từ Bệnh viện ung bướu Nghệ An khiến nhiều người bệnh ung thư muốn chuyển về đây để chữa trị bằng cách ghép tế bào gốc”, ông Quang chia sẻ.

Vì vậy, sau cuộc họp giữa Bộ Y tế với Sở Y tế Nghệ An, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, Bộ Y tế đã yêu cầu bệnh viện tạm dừng phương pháp này. Bệnh viện muốn áp dụng phải xây dựng lại đề án trình Bộ Y tế xem xét.

Tờ Tuổi trẻ ghi nhận ý kiến của ông Quang cho rằng, liệu pháp tế bào gốc mới được Bộ Y tế cho phép triển khai với một số nhóm bệnh, chưa cho phép điều trị ung thư vú, ung thư buồng trứng.

Các tài liệu thế giới chưa có tài liệu công bố hiệu quả tế bào gốc trong điều trị ung thư, ngoại trừ ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu.

Về bản chất, ghép tế bào gốc tạo máu ngoại vi mục đích là để điều trị suy tủy xương. Đây là phác đồ đã được Bộ Y tế cho phép.

Ngoài ra, theo ông Quang, ghép tế bào gốc chỉ là biện pháp bổ trợ cho người bệnh ung thư đã hóa trị, xạ trị, bị suy tủy và khi đó ghép tế bào gốc giúp tăng thể lực, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Cuối năm 2014, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An công bố lần đầu tiên ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú thành công cho bệnh nhân Đinh Thị Liễu. Ảnh: Vietnamnet

Trước đó, vào cuối năm 2014 Bệnh viện Ung bướu Nghệ An công bố thành công ca ghép tế bào gốc trị ung thư vú đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một bệnh nhân nữ 53 tuổi, ở thị trấn Yên Thành, Nghệ An.

Ghép tế bào gốc phải được chỉ định chặt chẽ

Trao đổi với Dân việt, GS.TS. Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cũng cho biết, các thầy thuốc công bố chữa trị thành công ung thư bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là hơi vội vã.

Ông lý giải, nếu nói chữa khỏi ung thư giai đoạn muộn bằng tế bào gốc là bệnh viện cũng chưa có đủ thời gian để theo dõi đánh giá về khả năng tái phát di căn của trường hợp này.

Theo GS. Nguyễn Bá Đức, từ trước đến nay, thế giới điều trị ung thư vẫn phải dựa trên 3 phương pháp gồm: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Tùy vào từng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định nên áp dụng phương pháp điều trị nào ở từng giai đoạn.

Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân bị ung thư giai đoạn muộn, phương pháp hóa trị thông thường không hiệu quả, bác sĩ có thể sử dụng hóa chất mạnh với hy vọng tiêu diệt tế bào ung thư.

Tuy nhiên, điều trị bằng phương pháp này, cơ thể sẽ phải đối diện với nguy cơ tổn thương tế bào máu, gây suy tủy và dẫn đến tử vong.

Do đó, phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ. Tế bào gốc tạo máu được ghép có thể lấy từ bản thân người bệnh hoặc lấy từ người khác, chống lại tình trạng suy tủy của bệnh nhân ung thư.

GS. Nguyễn Bá Đức cho biết, sử dụng phương pháp ghép tế bào gốc điều trị ung thư phải được chỉ định rất chặt chẽ. Bởi đây là phương pháp không chỉ tốn kém và rất nguy hiểm.

Tổng hợp

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại