Cùng trò chuyện với phóng viên dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Chủ tịch Câu lạc bộ Yoga cười Việt Nam, giảng viên cao cấp Lê Anh Sơn nói rằng, theo quan niệm dân gian, ngày mùng 1 Tết là ngày đầu tiên chào đón một năm mới.
Khi bắt đầu làm một việc gì đó, tâm lý chung con người đều mong muốn mọi việc suôn sẻ. Giống như câu “đầu xuôi, đuôi lọt”, bắt đầu có suôn sẻ thì sau này mới mong thuận lợi.
Chính vì vậy, đầu năm vui vẻ, tươi cười và nói những điều tích cực sẽ mang lại may nắm, hạnh phúc cho cả năm và cũng là để tránh xui xẻo.
Ngoài ra, các cụ còn quan niệm “cười vang là giàu sang”, những người luôn có tinh thần vui vẻ, tiếng cười thoải mái vang to không gò bó sẽ gặp nhiều may mắn hơn trong cuộc sống...
Theo ông Sơn, không riêng gì ngày mùng 1 Tết mà ngày nào cũng hãy thân thiện vui vẻ với nhau. Bởi nó là cầu nối gắn kết mọi người, là biểu hiện của người luôn may mắn và hạnh phúc.
Ngoài ra, nụ cười còn mang lại cho con người ta những gì, thưa ông? Và có người còn nói rằng, chỉ có con người là biết cười để bộc lộ tình cảm?
Chúng ta biết rằng cười là một phản ứng của loài người, là hành động để con người thể hiện trạng thái cảm xúc thoải mái, vui mừng, đồng thuận hay cố tình tạo cho người đối diện hiểu là mình có cảm xúc ấy.
Cười là cách dễ nhất để tạo lập và gắn kết các mối quan hệ, thể xua tan mọi đau buồn, hàn gắn mọi vết thương, làm dịu đi nỗi cô đơn và quan trọng hơn hết là mang mọi người đến gần nhau hơn…
Nụ cười còn được xem là nền tảng của sự giao tiếp xã hội. Khi con người ở trạng thái căng thẳng, mệt mỏi do quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, công việc đời thường… thì tiếng cười sẽ khiến cho tinh thần trở nên sảng khoái, thư giãn.
Bí quyết nào mà lúc nào ông cũng có thể tươi vui được như vậy?
Tôi nghĩ có 2 điều giúp tôi luôn tươi vui. Thứ nhất, là thái độ sống, khi tôi có thái độ sống tích cực với chính mình và với người xung quanh, bản thân tôi sẽ luôn vui vẻ.
Thứ hai, cái gì cũng phải học, cười cũng vậy. Học cười để có thể hiểu được các tác dụng của nụ cười, cách diễn đạt cảm xúc tinh tế của con người, để biết cách khơi dậy, kiểm soát nụ cười từ tâm, học cách cười không lý do...
Nhưng nếu gặp những chuyện không được như ý muốn thì làm sao có thể cười nổi, thưa ông?
Mọi chuyện buồn vui diễn ra nghĩa là nó đã xảy ra rồi, còn đón nhận cảm xúc tích cực hay tiêu cực đến với mình là do thói quen và cách ứng xử của mỗi người trước sự việc.
Nhiều người hay có phản ứng tiêu cực khi gặp chuyện không vừa ý, phản ứng dựa trên cảm xúc thay vì nhìn tổng thể vấn đề để rồi sau khi sự việc kết thúc lại thấy hối tiếc vì mình đã hành xử hơi quá.
Sau đó lại phải thốt lên "Biết thế, giá mà,..". Học cách chuyển hóa các nguồn năng lượng tiêu cực và cách nhìn tiêu cực thành tích cực sẽ giúp cho bản thân luôn vui vẻ.
Có rất nhiều cách để xả stress giúp bạn cân bằng cảm xúc trở lại. Tuy nhiên, một liệu pháp để bạn cân bằng nhanh chóng cả thể chất lẫn cảm xúc là áp dụng các bài tập cười.
Người tập được hướng dẫn cách trút bỏ hết ưu phiền, những suy nghĩ toan tính để tâm hồn thanh thản, vì đây là một hình thức tập thể dục cho tinh thần, cho nội tạng và khí huyết, cân bằng huyết áp...
Điều đó, giúp bạn xây dựng được thói quen tư duy tích cực, nhìn nhận vấn đề một cách bản chất hơn, giúp thay đổi tâm trạng.
Và nếu tâm trạng tốt, mọi việc sẽ tốt đẹp và ở đâu bạn cũng thấy hạnh phúc. Có nhiều nụ cười, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn, có một cái nhìn tích cực, hy vọng và lạc quan…
Thưa ông, nhiều khách quốc tế nói rằng người Việt Nam tiết kiệm nụ cười. Tháng 7/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng kêu gọi mỗi người dân ra đường hãy mỉm cười. Theo ông làm sao mọi người có thể dễ dàng mìm cười khi ra đường?
Người Việt Nam không tiết kiệm nụ cười. Rất nhiều khách quốc tế cũng nhận xét rằng họ cảm nhận được sự gần gũi và thân thiện khi đến Việt Nam. Có điều chúng ta chưa có thói quen thể hiện nụ cười ngay lần đầu gặp mặt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi mỗi người ra đường hãy mỉm cười trong thời điểm này là rất thích hợp.
Nụ cười và sự thân thiện là biểu hiện của một xã hội văn minh, xây dựng con người thân thiện, dịch vụ thân thiện góp phần phát triển đất nước và chúng ta sống hạnh phúc hơn.
Việt Nam đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI) 2014, trong tổng số 151 quốc gia được đánh giá.
Suy nghĩ bên trong thôi chưa đủ mà còn phải biểu hiện ra bên ngoài mới giúp đối tác cảm nhận được sự thân thiện - và nụ cười là một biểu hiện giúp người khác cảm nhận rõ hơn về sự thân thiện của mình.
Ông có thể chia sẻ mong muốn của mình trong năm tới 2015?
Tôi chỉ mong muốn mọi người luôn vui vẻ, thân thiện, cởi mở với nhau cùng với những hành động chân thành, nói lời tích cực, nụ cười tươi trên môi.
Tôi nhớ tới câu nói của Mẹ Teresa: “Quý vị hãy về và hãy ban tặng cho nhau những nụ cười. Một nụ cười cho vợ của ông. Một nụ cười cho chồng của bà. Một nụ cười cho con cái của ông bà.
Hãy cười tươi với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai. Với những nụ cười tươi như thế quý vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương”.
Nhân dịp Tết Nguyên đán, ông chúc điều gì tới độc giả?
Chúc quý độc giả một năm mới có được nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, luôn nghĩ và cố gắng thực hành những việc thiện lành để sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.
Chúc các bạn có một cuộc sống tràn ngập niềm vui và tiếng cười.
Xin trân trọng cảm ơn ông!