Tướng Hiệu nói về "thế trận" quân sự Việt Nam và 6 tàu ngầm Kilo

Hồng Chính Quang |

“Việt Nam không dùng tàu ngầm để đe dọa bất kỳ nước nào mà dùng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói.

Năm 2014, 2 chiếc tàu ngầm Kilo đã về đến Việt Nam và ngay trước Tết Ất Mùi, chiếc tàu ngầm Kilo thứ 3 cũng đã kịp cập cảng Cam Ranh.

Đó là những sự kiện lớn đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhân dịp đầu xuân Ất Mùi – 2015, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về vấn đề này.

PV: Nhìn lại năm 2014, xin Thượng tướng chia sẻ đôi điều về công tác bảo vệ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Năm 2014, trên Biển Đông, nổi bật đó là sự kiện Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tuy nhiên, trước sức ép từ nhiều chiều, Trung Quốc đã buộc phải rút giàn khoan Hải Dương – 981 về.

Đó là quá trình đấu tranh kiên quyết của toàn thể nhân dân Việt Nam cùng sự ủng hộ của dư luận quốc tế.

Cụ thể, trước sự kiện này, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những phát biểu mạnh mẽ bày tỏ sự phản đối một cách quyết liệt, không khoan nhượng hành động ngang ngược này của Trung Quốc.

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu
Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu

Trên phương diện thông tin tuyên truyền, các cơ quan báo chí đã vào cuộc để tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ hành vi ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc rất kịp thời.

Từ đó, chúng ta cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ lớn từ bạn bè quốc tế.

Những điều này một lần nữa cho thấy việc kết hợp sức mạnh đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại sẽ giúp Việt Nam vượt qua mọi khó khăn.

PV: Chúng ta vừa đón nhận thêm chiếc tàu ngầm lớp Kilo thứ 3. Thưa Thượng tướng, ông đánh giá như thế nào về sức mạnh Hải quân của Việt Nam hiện nay?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Việc nhận thêm một chiếc tàu ngầm lớp Kilo hiện đại đã tăng cường đáng kể sức mạnh của Hải quân Việt Nam. Việc trang bị tàu ngầm là một bước tiến dài trong lịch sử phát triển Hải quân Việt Nam.

Đó là một trong những việc làm rất cần thiết để chúng ta có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Và việc lần lượt các chiếc tàu ngầm lớp Kilo về Việt Nam cho thấy quyết tâm của nhân dân ta, đất nước ta trong việc bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán trên thềm lục địa, cũng như vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc.

Chuẩn Đô Đốc Lê Kế Lâm
 
"Từ những sân bay như sân bay Vinh, Hải Phòng, Cam Ranh, Đà Nẵng…, khi có vụ việc gấp, cất cánh chỉ 5 phút sau là đã ra biển cách bờ khoảng 50 km nên với Việt Nam, tôi nghĩ rằng không cần tàu sân bay nhưng tàu ngầm thì rất cần".

PV: Việc chúng ta mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga được nhiều cơ quan thông tấn, báo chí thế giới quan tâm. Thượng tướng muốn nói gì về điều này?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Việc Việt Nam trang bị tàu ngầm lớp Kilo là hoạt động rất bình thường, một nhiệm vụ thường xuyên trong công tác xây dựng quân đội để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Việt Nam không dùng tàu ngầm đó để đe dọa bất kỳ nước mà dùng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

PV: So với các nước có biển trên thế giới, số lượng tàu ngầm của VN vẫn được đánh giá là ít. Có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần phải mua thêm tàu ngầm. Ông có đồng tình với ý kiến này không?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Có thêm thì tốt nhưng với điều kiện hiện nay của Việt Nam thì con số 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo đã là một sự cố gắng rất lớn.

Và dù thiết bị vũ khí có hiện đại tới đâu thì yếu tố con người vẫn là một yếu tố mang tính chất quyết định.

Xét về lực lượng và vũ khí, xưa nay trong các cuộc chiến tranh, những kẻ xâm lược Việt Nam luôn có ưu thế về lực lượng, vũ khí nhưng chưa bao giờ thắng được dân tộc Việt Nam.

Nghệ thuật quân sự Việt Nam là chiến tranh nhân dân.

Trong chặng đường đấu tranh, giải phóng dân tộc, Đảng, quân đội, nhân dân Việt Nam luôn tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng trận địa trong lòng dân, chọn thời điểm, thời cơ để đánh vào điểm yếu của địch.

Quân đội Việt Nam giỏi nhất là mưu kế, thế trận và thắng địch bằng thế thời. Khi thời cơ đến, chúng ta tập trung lực lượng đánh những trận quyết định và giành thắng lợi.

Và quan trọng nhất, nghệ thuật nhất là “thế trận lòng dân” độc đáo...

Sức mạnh Việt Nam là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố gồm chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, vàn hóa và truyền thống lịch sử.

Dù trang bị vũ khí của Việt Nam không bằng nhiều nước trên thế giới nhưng Việt Nam đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền (cả trên đất liền, trên không và trên biển) trong cả những tình huống xấu nhất.

Đại tướng, Nguyên Chủ tịch nước
Lê Đức Anh
“Có vũ khí hiện đại là tốt nhưng điều quan trọng cốt lõi nằm ở con người. Phương tiện hiện đại cũng rất cần nhưng sự hiện đại của ta còn phải phấn đấu nhiều mới theo kịp các nước. Tuy nhiên có một điều là ý chí của người Việt Nam thì không bao giờ chịu khuất phục quân xâm lược. Có ý chí thì ta sẽ bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ. Con người có ý chí thì sẽ biết sử dụng và phát huy cao nhất khả năng của tất cả các loại vũ khí phương tiện để bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Tổ Quốc như các thế hệ trước đã làm”.

PV: Một năm mới đã tới được đánh giá sẽ đem đến nhiều cơ hội cho đất nước nhưng cũng không ít thử thách. Thượng tướng muốn chia sẻ điều gì với toàn thể quân và dân Việt Nam?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Nhân dịp xuân Ất Mùi, tôi xin gửi lời chúc AN KHANG THỊNH VƯỢNG tới toàn thể quân và dân.

Một năm mới sẽ đem đến cho chúng ta những cơ hội mới và hẳn sẽ không ít thử thách đi kèm.

Tôi tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chúng ta sẽ tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua các thử thách để phát triển đất nước mạnh mẽ và bền vững hơn.

Trân trọng cảm ơn Thượng tướng, Viện sỹ đã trả lời phỏng vấn! Xin chúc ông cùng gia đình một năm mới: Sức khỏe – May mắn – Hạnh phúc!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại