“Tắc” giám định làm chậm vụ “bầu” Kiên, vỡ ống nước Sông Đà

Thế Dũng |

Khó khăn về giám định giá trị tài sản là một trong những nguyên nhân làm chậm việc điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế trong các vụ án như “bầu” Kiên, vỡ ống nước sông Đà, Ngân hàng TMCP Xây dựng…

 Chiều ngày 30-10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp về công tác giám định tư pháp phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp

Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn, báo cáo bước đầu của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng và kinh tế của Bộ Công an cho thấy 17 vụ án tham nhũng, kinh tế đang thụ lý điều tra, truy tố cần trưng cầu giám định tư pháp thì có đến 10/17 (chiếm 58,8%) vụ là có vướng mắc về giám định.

Có vụ do nội dung trưng cầu giám định khó nên phải tạm đình chỉ điều tra vụ án hoặc xử lý vụ án bị ké dài.

Điển hình như vụ giám định thiệt hại nổ mìn, phá đá dưới đường dây 500 KV trong phụ thiếu trách nhiệm xảy ra tai Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh; việc định giá đất và tài sản tại Công ty in Agribank; việc giám định khối lượng vật tư (dây đồng) thực tế trong khi công trình đã đưa vào sử dụng trên 20 năm trong vụ Đào Ngọc Tình phạm tội tham ô tài sản.

Đặc biệt có vụ Hội đồng định giá tài sản hoặc cơ quan trưng cầu giám định ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy nên dẫn đến chậm tiến độ xử lý vụ án (như việc định giá trị cổ phần hoá, cổ phiếu, bất động sản trong vụ Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Á Châu (ACB); việc định giá các tài sản liên quan trong vụ Phạm Công Danh và đồng phạm tại Ngân hàng TMCP Xây dựng; việc xác định sai phạm và thiệt hại của hành vi chi hoa hồng bảo hiểm trong vụ cố ý làm trái xảy ra tại Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt; giám định sai phạm trọng hoạt động kế toán trong vụ lạm quyền trong thi hành công vụ xả ra tại Công ty TNHH MTV XNK Đầu tư phát triển xây dựng Hà Nội).


Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) trước vành móng ngựa tại phiên tòa

Nguyễn Đức Kiên ("bầu" Kiên) trước vành móng ngựa tại phiên tòa

Có vụ do kinh phí giám định lớn nên dẫn đến kết luận giám định chậm (như việc định giá đất, xe ô tô, giám định vàng, đá quý trong vụ “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Chi nhánh Vietinbank TP HCM; việc giám định sai phạm, trách nhiệm trong đầu tư dự án, nguyên nhân vỡ, chất lượng và độ bền ống nước dự án nước Sông Đà trong vụ Hoàng Thế Trung và đồng phạm xảy ra tại Tổng công ty Vinaconex.

Nguyên nhân của việc giám định chậm trong hàng loạt vụ án nổi cộm theo ông Phạm Anh Tuấn là do quy định pháp luật chưa đầy đủ; một số hoạt động giám định thiếu hướng dẫn cụ thể; công tác tổ chức thực hiện, việc tuyển chọn, bổ nhiệm giám định viên chưa được quan tâm đúng mức, yếu kiến thức chuyên môn.

Ngoài ra, chủ trường xã hôi hoá giám định tư pháp theo vụ việc hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đến nay mới có 1 văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập tại TP HCM…


Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn báo cáo tại cuộc họp

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn báo cáo tại cuộc họp

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận đã đạt được một số kết quả về công tác giám định tư pháp phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến kết quả chưa được như mong muốn.

“Có nguyên nhân gì phải làm rõ, có phải do né tránh, sợ mất lòng nhau, sợ trả đũa hay không, cơ quan chức năng như Bộ Công an cần làm rõ” - Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Cục trưởng Cục của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng và kinh tế, thống nhất báo cáo của Ban Nội chính.

Thực tế việc giám định có sự khác nhau giữa các cơ quan tố tụng, vì vậy cần có quy định cụ thể hơn.

Hay nhiều vụ phụ thuộc 1 kết luận giám định có tính quyết định, như vụ án đường ống nước sông Đà, vỡ nhiều, sai phạm rõ nhưng cần phải có đánh giá sai phạm ở khâu nào, nơi nào thì phải có kết luận của Bộ Xây dựng.

Và từ đó cơ quan điều tra dựa vào đó để đi đến kết luận điều tra.

Việc thiếu hụt nhân lực, cơ quan giám định dẫn đến chậm trễ, có nhiều vụ kéo dài hàng tháng đối với trưng cầu giám định. Nhiều vụ còn trưng cầu 2 cơ quan nhưng chỉ 1 bên có kết luận nên cũng tắc.

Hay vụ Tổng công ty Bia Sài Gòn trước đây, giám định rất chậm nên không thể đi đến cùng sớm. “Nhiều Bộ, ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác này, Chính phủ cần có sự chỉ đạo quyết liệt để thúc các nơi”- ông Hiển kiến nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại