Xúc động nhất 2013: Hai bố con trở về sau 40 năm sống nguyên thủy

Y. Dương |

(Soha.vn) - Năm 2013, hình ảnh "người rừng" trở về từ rừng sâu, trên người chỉ mặc mỗi mảnh khố nhỏ làm từ vỏ cây đã làm dư luận sững sờ.

LTS: Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đã cận kề. Năm 2013 qua đi với nhiều sự kiện chấn động xen lẫn xúc động của đời sống xã hội. Có sự phẫn nộ dành cho hai bảo mẫu đánh trẻ ở quận Thủ Đức (TP.HCM) hay bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân ở sông Hồng... Có những giọt nước mắt đắng ngắt của độc giả cả nước cho những đại tang do lũ lụt, hỏa hoạn, tai nạn gây ra…

Dành một khoảng lặng cho những cảm xúc ngày cuối năm, mời quý độc giả đón đọc loạt bài “NHỮNG CÂU CHUYỆN XÚC ĐỘNG NHẤT VIỆT NAM NĂM 2013” được chúng tôi ghi chép lại.

Một câu chuyện có sự ly kỳ, có những tình tiết tưởng như chỉ có trên phim đồng thời cũng khiến dư luận suy ngẫm, xúc động - đó là sự trở về của cha con "người rừng" sau 40 năm biệt lập trong rừng sâu.

Bài 1: Nghẹn ngào phút cuối của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Thủ đô

39 năm không biết đến hạt muối

Trong một cuộc oanh tạc của không quân Mỹ năm 1973, bom đã rơi vào gia đình ông Hồ Văn Thanh (SN 1931, người dân tộc Cor, ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi). Vợ và hai trong số 4 người con của ông đã chết. Trong lúc hoảng loạn, ông Thanh đã bế người con trai 2 tuổi tên Hồ Văn Lang chạy biến vào núi Apon (thôn Trà Kẽm), một khu rừng không bóng người qua lại.

Hai cha con ông Thanh dựng một căn chòi trên cây để sống. Người ta gọi cha con họ là “Tarzan” (Nhân vật trong phim bị dạt vào một hoang đảo ở châu Phi đầy thú dữ và sống cuộc sống hoang dã - PV).

Căn chòi của cha con "người rừng".

Họ lấy những mảnh bom sót lại làm thành búa, rìu, rựa, xoong nồi, lược… rồi săn bắt, hái lượm sống qua ngày. Họ còn trồng ngô, lúa.  

Năm 1999, trong một lần đi ăn trộm dưa về làm giống, ông Thanh bị công an huyện Bắc Trà My bắt. Khi được thả, ông càng lùi sâu thêm vào rừng vì sợ hãi.

39 năm trong rừng, hai cha con họ không hề biết đến hạt muối.

40 năm sau, vào sáng 7/8/2013, nhóm cán bộ khoảng 10 người, trong đó có nhân viên y tế của chính quyền huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi)  đã vào rừng và đưa cha con ông Hồ Văn Thanh và người con là Hồ Văn Lang (44 tuổi) trở về.

"Người rừng" Lang đóng khố làm từ vỏ cây.

Những ngày đầu, hai cha con "người rừng" vô cùng hoảng loạn, đòi quay lại rừng.  Lang không chịu mặc áo quần vì sợ cha đổ thừa quần áo bị ngứa. Trong khi đó, người cha Hồ Văn Thanh cự tuyệt việc ăn uống. Ông Thanh rất sợ bóng tối nên hễ điện tắt là trốn xuống gầm giường nằm, không chịu dùng ly nhựa hay thủy tinh, gia đình phải dùng cây lồ ô làm ly uống nước cho ông.

Người nhà phải thay phiên nhau canh giữ để ông không trốn viện vào rừng sâu. Về phần Lang, nhiều lần anh mang ống nứa đựng thuốc lá, vôi ăn trầu rồi cầm rựa tìm đường về lại rừng.

Ông Hồ Văn Thanh (Ảnh: Tiền phong).

Tranh cãi quanh sự trở về của cha con "người rừng"

Sau sự trở về của hai cha con anh Lang, dư luận đã tranh cãi rất nhiều xung quanh sự trở về của hai cha con họ. Có người cho rằng hãy trả họ về với rừng, lại có người phải bằng mọi cách giúp họ hòa nhập với cộng đồng.

Nhiều độc giả cho rằng, nếu muốn họ hoà nhập thì phải dần dần chứ không thể cưỡng bức họ như vậy. Việc đột ngột “bắt” họ trở về chẳng khác nào con chim bị nhốt vào lồng. Liệu những đủ đầy về vật chất ở thế giới hiện đại có thể khiến hai cha con ông Thanh hạnh phúc?

Thời điểm "người rừng" trở về.

Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Lê Quý Đức nói: “Theo nghĩa nhân văn, chúng ta nên “trả” họ về rừng nhưng là để họ dần thích nghi với cuộc sống của thế giới hiện đại bằng sự giao lưu tiếp biến thường xuyên với thế giới văn minh, với người thân chứ không phải trở về với cuộc sống nguyên sơ như bố con anh Lang đã từng sống.

Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta sẽ đưa một mình anh Lang trở lại rừng hay cả hai bố con trong điều kiện người bố đang sức khỏe như hiện tại? Nếu chỉ đưa anh Lang trở lại rừng thì có ai dám chắc anh không nhớ bố dù đó chỉ là nỗi nhớ rất hoang sơ? Đây là sự sửa chữa sai lầm này bằng sai lầm khác”.

Tiến sĩ Vũ Thế Long – nguyên Trưởng ban ngiên cứu Con người và Môi trường (Viện Khảo cổ Việt Nam) phản đối việc sử dụng cả hai khái niệm “người rừng” và “giải cứu” khi nói về chuyện sinh sống trong rừng của hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang. Theo ông, “người rừng” gợi lên một cái gì đó hoang dã, man rợ, trong khi hai cha con họ dù sống trong rừng nhưng thực tế thì vẫn giữ mối liên hệ với xã hội bên ngoài. Hai cha con họ sống trong rừng chủ động lựa chọn môi trường sống nên không thể gọi là “giải cứu”. Vị này cũng cho rằng, hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang là hai trường hợp rất đáng để các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn.

Câu chuyện có sự li kỳ, là sự lạ với nhiều người khi được chứng kiến khoảnh khắc hai cha con người rừng ngơ ngác ngày trở về. Con trai của “người rừng” chỉ đóng khố làm từ vỏ cây, người cha thì được khiêng trên võng vì già yếu.

Sau khi hai cha con họ trở về, Nhà nước và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ xây dựng nhà, cho gạo để ăn, cho trâu để nuôi.

Ngày 25/8/2013, lãnh đạo xã Trà Phong hỗ trợ xây nhà cho hai cha con anh Lang. Nguồn kinh phí xây nhà là 100 triệu đồng.

Chính quyền huyện Tây Trà cũng đã tiến hành nhập hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân cho hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang.

Mới đây nhất, bức hình chụp hai cha con ông Hồ Văn Thanh gói bánh tét để đón cái Tết sau 40 năm biệt lập trong rừng đã làm xúc động nhiều người.

Cha con ông Thanh gói bánh tét đón Tết. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Hiện nay, “người rừng” Lang đã biết đi xe máy, dùng điện thọai, biết đi dép, ăn mì tôm… Khi có người hỏi có thích lấy vợ không, Lang đã gật đầu. Lang còn tỏ ra rất thích thú với Tết. Đặc biệt, lúc nào Lang cũng bỏm bẻm nhai trầu.

Lang đã khẳng định: “Không thích ở rừng nữa”. Trong khi đó, người cha già Hồ Văn Thanh vẫn không nói chuyện với bất kỳ người nào khác, ông vẫn đau đáu nỗi nhớ rừng, nhớ núi và hay ngồi nhìn xa xăm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại