LTS: Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đã cận kề. Năm 2013 qua đi với nhiều sự kiện chấn động xen lẫn xúc động của đời sống xã hội. Có sự phẫn nộ dành cho hai bảo mẫu đánh trẻ ở quận Thủ Đức (TP.HCM) hay bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân ở sông Hồng... Có những giọt nước mắt đắng ngắt của độc giả cả nước cho những đại tang do lũ lụt, hỏa hoạn, tai nạn gây ra…
Dành một khoảng lặng cho những cảm xúc ngày cuối năm, mời quý độc giả đón đọc loạt bài “NHỮNG CÂU CHUYỆN XÚC ĐỘNG NHẤT VIỆT NAM NĂM 2013” được chúng tôi ghi chép lại. Trong đó, đầu tiên phải kể đến sự ra đi của vị tướng huyền thoại dân tộc – Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Ngày 24/6/2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu nằm viện và điều trị ở khoa A11 – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
18h09 phút ngày 4/10/2013, Đại tướng từ trần ở tuổi 103.
Lúc 0h ngày 5/10/2013, nhiều bạn trẻ tại Hà Nội đã có mặt trước cửa số nhà 30, phố Hoàng Diệu thắp nến và để hoa để tưởng nhớ Đại tướng.
Hàng nghìn người dân từ các tỉnh đã về viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đường Hoàng Diệu, Hà Nội.
Dòng người nối nhau kéo đến viếng, suốt ngày rồi lại suốt đêm, trong đó có nhiều cụ già không đứng vững, phải nhờ các tình nguyện viên dìu đi.
Tình nguyện viên dìu cụ già vào viếng Đại tướng.
Những cháu bé 4- 5 tuổi theo cha mẹ tới đây tham gia đốt nến, cầu nguyện và cùng người lớn hát vang Quốc ca và hô vang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều người vừa hát Quốc ca vừa rơi nước mắt xúc cảm. Có người đứng chờ hàng chục tiếng đồng hồ song không gì có thể ngăn cản lòng kiên trì của họ, vì sự yêu kính đối với vị anh hùng.
Dòng người xếp hàng xuyên đêm viếng Đại tướng. (Ảnh: VNN)
Biển người vẫn đổ về viếng Đại tướng lúc 22h45 ngày 12/10.
Ngay khi tin Đại tướng từ trần được loan đi, nhiều hãng thông tấn lớn ở quốc tế đã đồng loạt đưa tin trang trọng ở vị trí nổi bật. Hãng thông tấn Mỹ AP viết: “Tướng Giáp là một lãnh đạo của đội quân áo vải, gồm những du kích quân đi dép xăng đan làm từ lốp xe, kéo từng cỗ pháo qua những ngọn núi để bao vây và tiêu diệt quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954". Hãng Bloomberg dẫn lời một nhà báo kiêm nhà sử học như sau: "Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Ông là một vị tướng tự học và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối”.
Khi Đại tướng qua đời, chia sẻ với chúng tôi, Nhà báo Trần Hồng – người chuyên chụp ảnh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ngậm ngùi: “Tối nay, phòng của Đại tướng nằm đã không sáng như mọi ngày mà chỉ có ánh đèn màu đỏ hồng”.
Cả dân tộc tiếc thương, trên mạng xã hội, nhiều người đã thay hình đại diện bằng ảnh Đại tướng. Một bạn trẻ đã thốt lên: "Đại tướng đi thật rồi sao, người phải trường tồn cùng dân tộc chứ". Nick name Muôn màu chia sẻ: "Vẫn biết sẽ có ngày này nhưng trong lòng vẫn không muốn ngày đó sẽ đến, tuy vị đại tướng đáng kính của dân tộc Việt Nam đã ra đi nhưng người luôn sống mãi trong lòng mọi người dân Việt Nam. Xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của người".
Đến nay, đã qua 100 ngày Đại tướng từ trần nhưng dòng người trên cả nước và cả bạn bè quốc tế đến viếng mộ ở Vũng Chùa – Đảo Yến vẫn rất đông. Từ ngày linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa về an nghỉ tại Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình), đã có hơn 200 ngàn lượt người đến viếng mộ Đại tướng.
Truyền thông trong nước đã có nhiều bài viết, phóng sự thực sự xúc động về vị tướng huyền thoại của dân tộc. Trong đó, lời một điều dưỡng của khoa A11 – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói về những giây phút cuối đời của Đại tướng đã lấy đi nước mắt của không ít độc giả: “Sáng mùng 4, mọi người vẫn lấy điện thoại để mở cho ông (cách gọi thân mật của các điều dưỡng với Đại tướng – PV) nghe bài hàt “Quảng Bình quê ta ơi” lần cuối. Khi ông nằm trên giường bệnh, nghe bài Quảng Bình quê ta ơi, ông lại ngân ngấn nước mắt. Áo, mũ ông còn đây... nhưng ông không còn…”.
Đại tá Nguyễn Văn Nhựa, bác sĩ riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1992 - người trực tiếp điều trị, chăm sóc suốt 1.559 ngày Đại tướng nằm viện nhớ lại: “Đại tướng luôn lạc quan và lạc quan đến phút cuối cùng của cuộc đời. Những lúc Đại tướng bị đau, ông thường nắm tay tôi rất chặt và là người bác sỹ của Đại tướng, tôi biết điều đó. Đó là một người kiên trì".
Tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang trong hai (ngày 12 và ngày 13/10/2013).
7h30 phút sáng 13/10/2013, dòng xe đưa linh cữu Đại tướng bắt đầu rời Hà Nội về an nghỉ tại quê hương Vũng Chùa, Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Từ sáng sớm, hàng nghìn người đứng chật cứng đứng 2 bên đường có xe chở linh cữu Đại tướng đi qua, tất cả yên lặng, nghiêng mình.
Những giọt nước mắt tiễn biệt Đại tướng. (Ảnh: Tiin)
Những phút cuối của Đại tướng ở Hà Nội là giây phút nghẹn ngào nhất. Người già, trẻ nhỏ, thanh niên… người đứng, người quỳ gối với những tiếng nấc nghẹn: "Đại tướng ơi", "Bác ơi", "Cha ơi"…trên suốt đoạn đường linh cữu Đại tướng đi qua.
Những hình ảnh không thể diễn tả bằng ngôn từ. (Ảnh: ĐV)
Cô gái nức nở khi đoàn xe đi qua. (Ảnh: Zing)
Khi đoàn xe linh xa chở linh cữu đại tướng đi qua đoạn Xuân Thủy giao cắt với đường Phạm Văn Đồng, không ai bảo ai mọi người đều hô vang "Đại tướng muôn năm - Đại tướng muôn năm", "Vĩnh biệt Đại tướng", “Đại tướng vĩ đại”… rồi dòng người òa khóc nức nở.
Khoảnh khắc hàng nghìn người dân giơ tay tiễn biệt Đại tướng lần cuối được truyền thông trong nước chụp lại đã trở thành hình ảnh đi vào lịch sử dân tộc, làm xúc động triệu người dân Việt.
Đoàn xe từ đường Xuân Thuỷ, rẽ về hướng Phạm Văn Đồng, thẳng tiến ra sân bay Nội Bài đưa Người về nơi an nghỉ cuối cùng. (Ảnh: Internet)
Dòng người chật cứng, lặng thing cho tới khi tiếng động cơ máy bay càng lúc càng nhỏ dần. (Ảnh: Zing)
17h chiều 13/10/2013, linh cữu Đại tướng được án táng tại quê mẹ Quảng Bình theo di nguyện của ông.
Để thể hiện lòng kính trọng, biết ơn công lao Đại tướng, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã có con đường mang tên ông như: Lào Cai, Quảng Bình, Cần Thơ, Hậu Giang, Vũng Tàu, Đà Nẵng…
Đại tướng đã ra đi nhưng gia tài chiến lược quân sự và hình ảnh một vị Tướng của nhân dân vẫn còn mãi.