Trước thông tin hạt trân châu có xuất xứ từ Đài Loan vừa được cơ quan chức năng Singapore phát hiện chứa acid maleic (loại phụ gia có thể gây suy thận, dấy lên lo ngại cho người tiêu dùng), ngày 29/5, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết, sẽ kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm.
Hàng không nguồn gốc bán đầy chợ
Mặc dù hạt trân châu không có nguồn gốc rõ ràng nhưng đây vẫn là món giải khát khoái khẩu của giới trẻ. Tại chợ Bình Tây ở quận 6 có đến 30 gian hàng bán thực phẩm khô, trong đó có bán sữa bột, trà, hạt trân châu, hương liệu và thạch pha chế trà sữa trân châu.
“Ở đây có hai loại hạt trân châu là của Việt Nam và Đài Loan với nhiều mẫu” - chủ cửa hàng có tên Huệ Linh ở chợ này cho biết. Lấy một bịch hạt trân châu hình viên bi màu đen, chủ cửa hàng cho biết, sản phẩm này có nguồn gốc Đài Loan được nhập về Việt Nam qua nhà phân phối.
“Loại này giá 25 nghìn đồng/bịch/kg với hạt trân châu năm màu: đỏ, hồng, tím, trắng và nâu”. Nấu trân châu để hạt nở ra, pha thêm chất phụ gia làm mềm sau đó hòa với hương liệu và sữa bột là xong” - Huệ Linh nói.
Ở cửa hàng Oanh trong chợ Bình Tây, hạt trân châu các loại của Việt Nam và Trung Quốc được bán tràn lan. Người bán hàng ở đây cho biết, mua 10kg trở lên để chế biến bán thì nên lấy loại của Trung Quốc vì giá rẻ hơn.
Lướt qua các loại hạt trân châu ở cửa hàng này cho thấy nó được đựng trong các bao loại 5-10kg, tất cả đều không có nhãn mác, thành phần và nguồn gốc xuất xứ. Ở cửa hàng Hương Mai tại chợ Bà Chiểu, hạt và hương liệu làm trân châu cũng được bán tràn lan.
Chị Mai ở cửa hàng này cho biết, hạt trân châu nhập về có hai loại, một loại được đóng gói ở các bao 0,5-1kg, còn một loại bao lớn với trọng lượng hàng chục kg. Theo quan sát của chúng tôi, ở ngoài bao bì có ghi chữ Trung Quốc, tuyệt nhiên không có nhãn phụ tiếng Việt.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai- chi Cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, trong nhiều mẫu kiểm tra, Chi cục phát hiện trà sữa trân châu không đạt tiêu chuẩn vi sinh.
Tại 7 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trân châu và trà sữa trân châu mới đây cho thấy, nhiều mẫu hạt trân châu có chứa chất tẩy trắng công nghiệp Natri Sulfat. Đây là chất không có trong danh mục chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
Hàng độc hại không ai kiểm tra
Có giá từ 18.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, hạt trân châu đủ màu sắc, không rõ nguồn gốc trong các cốc "trà sữa trân châu Đài Loan" được bày bán tràn lan tại Hà Nội.
Dạo quanh các tuyến phố tại Hà Nội, không khó để thấy các cửa hàng trà sữa mọc lên nhan nhản, có thể kể tên một số quán trà sữa quy mô lớn, khá nổi tiếng như Felling Tea (89 Giảng Võ, 10 Trần Thái Tông…), Sago (100 Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Trà sữa Đài Loan (117 Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội)…
Hầu hết trà sữa trân châu tại các quán đều được làm từ những nguyên liệu, hương liệu đã được chế biến sẵn, khi khách gọi, chỉ cần pha trộn các nguyên liệu với nhau để có những cốc trà sữa đầy đủ hương vị theo yêu cầu.
Tại quán trà sữa Đài Loan trên phố Nghĩa Tân, Cầu Giấy, trên tấm bảng giới thiệu, trà sữa có đến 30 hương vị khác nhau như sữa dừa, xoài, đào, táo, cam, thập cẩm… nhưng khi khách gọi, nhân viên chỉ tốn chưa đến 2 phút để pha chế một cốc trà sữa theo hương vị khách yêu cầu.
Theo quan sát, hạt trân châu tại đây được đựng trong các hộp nhựa màu trắng, không nhãn mác, còn trà sữa được chứa trong những chiếc thùng nhựa chất đầy tủ lạnh cùng với các loại nước ép hoa quả cũng…“vô chủ”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi tỏ ý lo lắng về thông tin trà sữa trân châu Đài Loan có chất gây suy thận, chủ quán khẳng định, tên quán là trà sữa trân châu Đài Loan nhưng 100% những hạt trà sữa trân châu tại đây được sản xuất ở… Việt Nam.
Để trấn an khách hàng, nhân viên một cửa hàng trà sữa trên phố Giảng Võ, cũng không ngần ngại trưng ra gói hạt trân châu đen có ghi nơi sản xuất ở Hoàng Mai - Hà Nội khi chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc nguyên liệu.
“Tuy những gói trân châu ghi là sản xuất ở Việt Nam nhưng nguyên liệu và cách chế biến thì không khác gì so với trân châu ở Đài Loan, mặc dù khác nhau về nhãn hiệu nhưng nhìn chung nguyên liệu cũng như cách thức làm trân châu ở nước ta với Đài Loan gần giống nhau”, nhân viên này giải thích thêm.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm mua nguyên liệu làm trà sữa để thử làm tại nhà, nhân viên này mách nước, cứ ra các chợ đầu mối lớn, nhỏ ở Hà Nội đều có bán đầy đủ.
Đúng như lời mách nước, tại một số chợ lớn như Đồng Xuân, Đồng Xa, Cầu Diễn,… hầu hết các sạp hàng khô đều bán hạt trân châu, sữa bột, thạch giá rẻ.
Tại chợ Đồng Xuân, các loại hạt trân châu nhiều màu sắc, mẫu mã được đựng trong những chiếc bao tải lớn không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ cũng như hạn sử dụng được bày la liệt ở các sạp hàng. Hạt trân châu loại này được bán với giá phổ biến từ 18.000 đồng đến 30.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, còn có loại trân châu được đóng gói sẵn trong hộp hoặc bao nilon theo khối lượng từ 1kg, 2kg đến 5kg…Điều khó hiểu là những loại trân châu này được chủ hàng giới thiệu sản xuất tại Việt Nam, trên bao bì có in các địa chỉ tại TP HCM hay Hoài Đức - Hà Nội, Hoàng Mai - Hà Nội… nhưng lại lẫn cả những dòng chữ…Trung Quốc.
Trong vai một người đi tìm mua nguyên liệu làm trà sữa để bán, chúng tôi tỏ ý băn khoăn về việc hạt trân châu loại này để được trong bao lâu, một chủ hàng tại chợ khẳng định: “Hàng khô em cứ để thoải mái, giữ cả năm cũng không sao. Loại trân châu này chỉ cần luộc 10-15 phút là xong”.