Đi cấp cứu như cơm bữa
Giữa cái nắng hè oi bức, chúng tôi tìm đến căn phòng trọ trên đường Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội, nơi vợ chồng anh Vương Đình Đồng (sinh năm 1979) và chị Trần Thị Nguyệt (sinh năm 1983) quê xóm 11, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đang thuê. Chia sẻ với chúng tôi, vợ chồng anh Đồng cho hay, phòng trọ này hai vợ chồng phải “bấm bụng” thuê mấy ngày để con trai - cháu Vương Đình Duy Phúc (14 tháng tuổi) có thêm một, hai ngày hồi sức trước khi vượt quãng đường dài về quê.
Nhìn con trai bé nhỏ chơi đùa, chị Nguyệt đôi mắt thâm quầng, tay phe phẩy chiếc quạt nan không giấu nổi niềm hạnh phúc khi đứa con đã qua cơn hiểm nghèo. Cháu Phúc là con thứ hai của anh chị (cháu đầu lòng là bé gái, năm nay 5 tuổi) bị hẹp lồng ngực bẩm sinh khiến phổi, tim, gan bị chèn ép. “Phúc không đi viện thì thôi, mà hễ vào viện là chỉ vào phòng cấp cứu vì suy hô hấp, thở không được”, chị Nguyệt nói.
Thời điểm chị Nguyệt gần sinh cháu Phúc, nhau thai bị can xi hóa không đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho con, dẫn đến cháu bị suy thai. Kiểm tra tim thai, bác sỹ còn phát hiện cháu bị loạn nhịp tim, suy hô hấp nên đã khẩn cấp cho mổ đẻ để cứu thai nhi.
Khi chào đời, cháu Phúc người tím tái phải đưa đi cấp cứu. Đến tháng thứ hai, cháu bị viêm phổi. Bác sỹ căn dặn khi thay đổi thời tiết, thấy cháu có hiện tượng ho, nóng sốt, khó thở, phải đưa đến bệnh viện cấp cứ ngay. Thể trạng của cháu Phúc cũng rất yếu. vậy nên dù đã hơn 1 tuổi nhưng cháu chỉ nặng 5kg.
Bé Vương Đình Duy Phúc vừa qua cơn nguy kịch, sức khỏe rất yếu ớt.
40 ngày giành giật sự sống tại tâm sởi
Bàn tay run run, anh Đồng đưa chúng tôi xem cả xấp giấy nhập viện. Anh cho biết, cháu Phúc đi cấp cứu ở Bệnh viện Nhi tỉnh Nghệ An lúc 12 tháng tuổi. Sau một tháng, cháu nguy kịch phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, rồi bị lây nhiễm chéo sởi. Từ đó cháu suy hô hấp, thể trạng kiệt quệ, cả tuần thở bình ôxy.
Hai hai cháu bé cùng được chuyển lên với Phúc từ Nghệ An đã tử vong khiến anh chị thất thần. “Sự sống của cháu phụ thuộc vào số phận của cháu, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức”, chị Nguyệt nấc lên khi kể lại lời bác sỹ. Nghe tin này, bà nội Phúc (74 tuổi) tức tốc bắt xe khách ra Hà Nội với cháu.
Sau một tuần cấp cứu, Phúc hồi tỉnh, cắt sốt và bắt đầu chơi ngoan. Hiện, trong phổi cháu vẫn còn dịch nên bác sỹ đã kê đơn thuốc để điều trị theo phác đồ của Bệnh viện Nhi Trung ương.
Nói về bệnh nhi này, bác sỹ Đỗ Thị Hậu – Điều dưỡng trưởng – Khoa truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trước đó, bệnh nhân Phúc bị hẹp lồng ngực bẩm sinh lại bị nhiễm thêm sởi phải cho thở bình oxy, cơ thể suy nhược. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị, sức khỏe của cháu đã ổn định và được chuyển về bệnh viện tỉnh. Bác sỹ đã hẹn bệnh nhân đi khám định kỳ và hẹn lại phẫu thuật lồng ngực.
Bất chấp nắng nóng, bà nội (74 tuổi) từ Nghệ An sốt ruột ra với cháu.
Húp cháo loãng dành dụm tiền vì tương lai của con
Những ngày điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương, vợ chồng anh chị phải chia nhau suất cháo 10 nghìn đồng hay mua ổ bánh mỳ ăn từ sáng rồi để dành trưa ăn tiếp. Anh chị cho biết, họ có thể húp cháo loãng qua ngày để dành dụm tiền cho con.
Anh Đồng cho biết, mỗi lần đưa cháu đi viện đều phải vay mượn tiền. Chi phí đi lại ăn uống ở trong tỉnh đã tốn kém. Hồi ở bệnh viện tỉnh, chỉ trong 18 ngày đã hết 15 triệu.
Vợ chồng anh Đồng, chị Nguyệt đều làm nông nghiệp. Ruộng cấy ít nên anh chị chăm chỉ trồng ngô, khoai bán lấy tiền đong gạo. Bố anh Đồng là thương binh, lại nhiễm chất độc da cam nhưng do giấy tờ thất lạc nên ông chỉ hưởng hơn 1 triệu đồng trợ cấp, không đủ để ông thuốc thang, đi viện hàng tháng.
“Lúc đầu ở quê cứ nghĩ đơn giản, giờ ra đây mới biết mức độ nguy hiểm căn bệnh của con. Vất vả mấy chúng tôi cũng chịu được, cầu mong thời tiết bớt khắc nghiệt để cháu không phải thường xuyên đi cấp cứu không thì…”, chị Nguyệt ngập ngừng.
“Chỉ khi nào ra lại Hà Nội phẫu thuật được lồng ngực cho cháu, chúng tôi mới yên tâm. Dù có bán nhà cũng phải chạy chữa cho con”, anh Đồng tiếp lời vợ.