Chính quyền Đà Nẵng cần lên tiếng
Những ngày qua thông tin về việc người Trung Quốc giấu mặt mua hơn 138 lô ven biển, cạnh sân bay Nước Mặn của Đà Nẵng hay một showroom cấm khách Việt mà chỉ cho khách Trung Quốc, Hàn Quốc mua hàng đang khiến dư luận rất quan tâm, bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi vào sáng nay, Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa cho biết:
"Các vấn đề này nên hỏi Bí thư Nguyễn Xuân Anh và ông Xuân Anh cần phải lên tiếng để có câu trả lời rõ ràng và chuẩn xác nhất cho dư luận.
Mọi người và bản thân tôi cũng thấy bức xúc. Tuy nhiên, hãy hỏi lãnh đạo TP Đà Nẵng tại sao lại có những câu chuyện như thế này.
Chính quyền, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và đặc biệt các đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân thành phố là những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân Đà Nẵng cần phải lên tiếng để trả lời thắc mắc của dư luận", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Về việc người Trung Quốc giấu mặt mua đất ven biển Đà Nẵng, ông Nghĩa cho rằng, việc đó là không bình thường chút nào và cần phải nhanh chóng kiểm tra làm rõ.
"Chính quyền Đà Nẵng mà ở đây là UBND TP, trực tiếp là Sở Tài nguyên - Môi trường của thành phố phải trả lời xem cụ thể như thế nào và phải có hướng xử lý triệt để vấn đề này.
Ở cấp cao hơn thì chính Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng cần có ý kiến rõ ràng để kiểm tra, xử lý", ông Nghĩa nêu.
Đối với showroom không bán hàng cho người Việt, ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, phải tìm hiểu xem cơ quan nào cấp phép cho họ hoạt động, để từ đó có được biện pháp xử lý đúng.
"Việc này rõ ràng là có vấn đề. Ở đây, cần tìm hiểu rõ, ai, đơn vị nào cấp giấy phép cho showroom đó hoạt động, từ đó mới thấy rõ được có cấp giấy phép hay không và nếu có cấp giấy phép thì có cấp đúng luật hay không?
Dù là người Trung Quốc, người Việt Nam hay bất cứ người nước nào kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam cũng cần tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam, không thể một mình một hướng được.
Nhất là, nếu việc kinh doanh đó đi ngược lại với phong tục tập quán của người Việt Nam và luật pháp Việt Nam thì lại càng phải nghiêm túc xem xét và xử lý thật mạnh tay.
Với một thành phố được xem là đáng sống nhất Việt Nam thì việc để tồn tại những chuyện vô lý và gây bức xúc cho dư luận là điều không thế tồn tại được" ông Nghĩa nêu rõ quan điểm.
Người dân rất bức xúc
Cũng trao đổi với chúng tôi, ông Phan Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Thái Phiên (Đà Nẵng) cũng cho hay, những ngày qua, dư luận nhân dân ở Đà Nẵng cũng rất bức xúc trước việc người Trung Quốc mua đất ven biển và showroom cấm người Việt.
"Đà Nẵng là một khu vực có vị trí rất quan trọng trong an ninh, quốc phòng và nhất là các vị trí ven biển, cạnh sân bay Nước Mặn thì điều này càng khiến cho dư luận lo lắng và nhận định rằng việc người Trung Quốc mua đất ở đây là rất nguy hiểm".
Người dân cũng như các cán bộ, lão thành chúng tôi cũng rất bức xúc về việc này và cũng đã có những kiến nghị gửi đến thành phố là phải làm rõ sự việc này, không thể để như thế được.
Đây là lãnh thổ của Việt Nam lại là khu vực trọng yếu nên chúng tôi cũng đề nghị, nhất thiết phải thu hồi lại, không được bán đất như thế", ông Mẫn nói.
Cũng theo ông Mẫn, với sự việc showroom cấm bán hàng cho người Việt mà chỉ bán hàng cho người Trung Quốc thì Câu lạc bộ cũng đã trực tiếp có ý kiến lên Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị thành phố phải kiểm tra, nếu sai cần xử lý nghiêm.
"Không thể chấp nhận được việc đó. Người dân rất bức xúc và chúng tôi cũng kiến nghị là phải xử lý nghiêm nếu có sai phạm", ông Mẫn nêu.
Sau khi kiểm tra, Chi Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng đã lập biên bản xử phạt đối với 2 cửa hàng Jj Sao Đại Hàn và Showroom H.A vì có nhiều sai phạm.
Về hồ sơ pháp lý, cả 2 cơ sở trên đều đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Tuy nhiên, các sản phẩm tại showroom H.A, hàng hóa nhập về thiếu nhãn mác phụ, niêm yết giá không rõ ràng.
Trước các vi phạm trên, lực lượng QLTT đã ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với các tang vật vi phạm trị giá khoảng 400 triệu đồng tại showroom H.A.
Đối với showroom Jj Shop Sao Đại Hàn, Đội QLTT số 4 cũng phát hiện hàng hóa bày bán tại đây chỉ toàn bằng tiếng Hàn Quốc, không có nhãn mác phụ.
Song quy mô cơ sở này có số lượng hàng hóa ít, trị giá tang vật vi phạm là 26 triệu đồng, nên mức phạt là 4,8 triệu đồng.
Đơn vị QLTT cũng yêu cầu các cửa hàng trên phải mở cửa phục vụ toàn bộ người tiêu dùng có nhu cầu, khi có tour không phục vụ kịp thì phải sắp xếp thời gian để phục vụ.
Đồng thời kèm nhãn phụ, niêm yết bằng tiếng Việt trong các bảng giá, sản phẩm.