Sau vụ 600 triệu/lốt, làm sao để bến xe Mỹ Đình không "vỡ trận"?

Hà Khê |

"Nếu làm công tâm, minh bạch và khoa học, tôi tin Hà Nội sẽ điều chuyển được những xe đang chạy sai hướng tuyến về đúng tuyến, dù sẽ phức tạp, đụng chạm đến lợi ích nhiều người".

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam với phóng viên về việc giảm tải cho bến xe Mỹ Đình, lập lại trật tự vận tải, trật tự giao thông.

Quá tải sẽ tạo cơ hội cho việc đội lốt?

Việc giảm tải cho bến xe Mỹ Đình đã được các cơ quan chức năng tính đến và có chủ trương từ lâu.

Cục Đường bộ (nay là Tổng cục Đường bộ), UBND TP Hà Nội cũng đã có nhiều văn bản cụ thể hóa việc này, tuy nhiên suốt nhiều năm qua, bài toán này vẫn chưa được giải quyết.

Việc chậm trễ giải quyết bài toán này đã khiến Mỹ Đình liên tục quá tải và "vỡ trận" trong những năm vừa qua. Dù cho thời điểm hiện tại, bến xe Mỹ Đình đã được mở rộng thêm 1,2 ha, nhưng vẫn đặt trong tình trạng quá tải.

Bến Mỹ Đình quá tải, doanh nghiệp vận tải không được mở lốt mới vào đây, trong khi đó nhu cầu của người dân lẫn các doanh nghiệp vận tải là rất lớn. Điều này đã gián tiếp khiến bến cóc, xe dù bao vây bến xe Mỹ Đình.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã rất vất vả trong việc dẹp bỏ bến cóc, xe dù cố gắng lập lại trật tự vận tải ở khu vực này. Người dân khu vực Mỹ Đình không còn lạ gì với những bến cóc ở 16 - 18 Phạm Hùng rầm rộ suốt một thời gian dài.

Thế nhưng, dẹp chỗ này lại mọc ra chỗ khác. Câu chuyện "tập đoàn xe dù lớn nhất miền Bắc" Hưng Long ngang nhiên lập bến cóc ngay gần bến xe Mỹ Đình mà báo chí vừa phanh phui mới đây là ví dụ điển hình cho điều này.

Hưng Long bị dẹp thì lại có những nhà xe khác mọc lên. Hiện nay, trên đường Nguyễn Hoàng, phía sau bến xe Mỹ Đình, nhà xe Hoàng Linh ngang nhiên đón khách chạy tuyến Hà Nội - Quảng Bình vào 19h tối hàng ngày.

Lãnh đạo bến xe Mỹ Đình khẳng định, nhà xe Hoàng Linh không đăng ký vào bến Mỹ Đình. Rõ ràng, lại một xe dù ngang nhiên lập bến cóc ngay sau bến xe Mỹ Đình.

Qua vài sự việc nổi cộm trên thấy rằng, việc các doanh nghiệp lập xe dù, bến cóc xung quanh bến Mỹ Đình không chỉ khiến trật tự vận tải bị hỗn loạn, trật tự giao thông bị đảo lộn mà còn khiến doanh nghiệp vận tải chân chính và Nhà nước mất đi nguồn thu.

Nhưng qua đây cũng cho thấy, nhu cầu của doanh nghiệp vận tải, của người dân các tỉnh phía Bắc đi về Hà Nội là rất lớn. Thế nhưng, theo quy định hiện hành thì trong 5 năm tới, bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên sẽ nói không với tăng lốt.


Bến xe Mỹ Đình luôn trong tình trạng đông đúc, kể cả ngày thường. Nếu không điều chuyển những xe đang chạy sai hướng tuyến, trong 5 năm tới hành khách từ các tỉnh phía Bắc sẽ khó khăn để vào đây

Bến xe Mỹ Đình luôn trong tình trạng đông đúc, kể cả ngày thường. Nếu không điều chuyển những xe đang chạy sai hướng tuyến, trong 5 năm tới hành khách từ các tỉnh phía Bắc sẽ khó khăn để vào đây

Theo Quyết định số 2288/QĐ - BGTVT ban hành tháng 6 vừa qua, phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, thì 3 bến xe trên phải giữ ổn định tần suất từ nay đến năm 2020.

Nhận thấy những bất cập này, mới đây, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ GTVT đề xuất giải quyết kiến nghị từ cơ sở trong việc thực hiện quy hoạch tuyến.

Trong văn bản này, Hiệp hội đã đề xuất chuyển những tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đang hoạt động ở bến Mỹ Đình mà không hợp với hướng tuyến theo quy định ở Quyết định 2288 về bến xe Yên Nghĩa và bến Nước Ngầm.

Khi đó, bến Mỹ Đình mới có chỗ để tiếp nhận xe của các tỉnh phía Bắc theo hướng Quốc lộ 32 và cầu Thăng Long.

Văn bản này của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cũng đề nghị Bộ GTVT thống nhất với UBND TP Hà Nội để sớm thực hiện việc điều chỉnh này.

 Đây là thời điểm thích hợp để giảm tải cho bến Mỹ Đình

Trở lại câu chuyện giảm tải cho bến xe Mỹ Đình, thời gian qua, nhất là sau vụ Mỹ Đình "vỡ trận", UBND TP Hà Nội đã có nhiều ý kiến, văn bản chỉ đạo việc điều chuyển các nhà xe hoạt động sai hướng tuyến về bến Nước Ngầm hoặc Yên Nghĩa.

Cụ thể, tại Thông báo số 211/TB-UBND ngày 11/7/2013, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - khi đó là ông Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo: BX Mỹ Đình đã quá tải, gây ra tình trạng mất trật tự bên trong và khu vực xung quanh bến.

Giải pháp khắc phục là: Tổ chức sắp xếp khoa học, hợp lý theo hướng: Các tuyến đi QL1, QL1B vào BX Gia Lâm; Các tuyến đi đường Hồ Chí Minh, QL6 vào BX Yên Nghĩa; Các tuyến đi QL32 vào BX Mỹ Đình;

Các tuyến phía Nam đi hướng QL1, đường Pháp Vân-Cầu Giẽ (từ Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...) vào BX Giáp Bát, Nước Ngầm.

Ngày 16/12/2014, Sở GTVT Hà Nội có văn bản đề xuất với UBND TP ra văn bản điều chuyển phương tiện từ các bến xe đang quá tải về bến Nước Ngầm.

Ngày 27/12/2014, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng có công văn số 10187/UBND - XDCT đồng ý đề xuất trên, đồng thời yêu cầu Sở GTVT, Công an TP, quận Hoàng Mai khẩn trương thực hiện.

Thế nhưng, không hiểu vì sao suốt thời gian qua, Sở GTVT lại phớt lờ những văn bản này, chưa một nhà xe nào được điều chuyển?

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Cục trưởng Cục Đường bộ (Bộ GTVT), người từng mạnh dạn đứng ra "giảm tải" cho bến Giáp Bát năm 2007 cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để Hà Nội thực hiện việc giảm tải cho bến Mỹ Đình.

Bằng kinh nghiệm quản lý của mình, ông Thanh nhận định thực hiện việc này sẽ không dễ, bởi doanh nghiệp vận tải và người dân đều đang quen với việc di chuyển hiện có.

"Nhưng nếu làm bằng sự khách quan, công tâm, minh bạch và khoa học, tôi tin Hà Nội sẽ điều chuyển được những nhà xe đang chạy sai hướng tuyến về đúng tuyến, dù cho việc này sẽ phức tạp, đụng chạm đến lợi ích của nhiều người.

Vì trật tự vận tải, trật tự giao thông và sự văn minh của đô thị, tôi nghĩ đã đến lúc Hà Nội quyết liệt chỉ đạo Sở GTVT thực hiện nghiêm túc việc này, đúng ra là thực hiện những quyết định, chỉ thị của UBND TP những năm qua về việc điều chuyển này", vị này nói.

Trong công văn trả lời đề xuất của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam về việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu Sở GTVT Hà Nội tiếp tục nghiên cứu đề xuất của Hiệp hội, báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, điều chỉnh trong thời gian thích hợp.

Sau những lùm xùm về vận tải, như Bộ trưởng Thăng đã nêu ra việc chạy lốt 600 triệu ở BX Mỹ Đình, rồi "tập đoàn xe dù, bến cóc" hoạt động rầm rộ ở khu vực BX Mỹ Đình, có lẽ đây là lúc Sở GTVT HN cần nghiêm túc thực hiện những chủ trương của TP về việc này.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại