Trao đổi với PV, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng khoa cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TW) cho biết trong cua, ốc có các loại ấu trùng thường gặp là sản lá phổi (thường có trong cua); sán lá gan nhỏ (có trong ốc nước ngọt); giun tròn ở phổi chuột kí sinh ở ốc trên cạn; Sán lá gan lớn và ấu trùng sán máng di chuyển trong nước.
Tất cả các loại ấu trùng này đều có thể xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh nguy hiểm nếu ăn phải ốc, cua, hàu tươi sống, chưa được nấu chín.
Ăn món khoái khẩu, sán chui vào mật, phổi, não
Sán lá phổi thường gặp trong cua. Trước đây BV Nhiệt đới TƯ đã từng tiếp nhận những bệnh nhân là trẻ em miền núi, trong lúc đi chăn trâu đã bắt cua đá trong hang nướng chưa kĩ đã ăn rồi nhiễm sán lá phổi.
Sau khi vào cơ thể, sán lá phổi đi qua bạch huyết rồi lên phổi, khiến người bệnh có thể ho ra máu, để kéo dài có thể gây suy kiệt, không được điều trị có khả năng gây tử vong.
Trong khi đó sán lá gan nhỏ kí sinh trong ốc nước ngọt. Nếu ăn phải con ốc có sán lá gan nhỏ kí sinh thì người ăn sẽ nhiễm sán và sán sẽ chui vào đường mật.
Biểu hiện khi bị nhiễm sán này là người bệnh ậm ạch khó chịu vùng gan, ăn uống khó tiêu, để lâu có thể gây viêm gan, xơ gan.
Tại BV Nhiệt đới TƯ từ trước đến nay vẫn gặp khá nhiều trường hợp nhiễm sán lá gan nhỏ do người dân thường có thói quen ăn ốc nước ngọt chưa được chế biến kĩ (mỗi năm vài chục ca).
Ấu trùng gặp tiếp theo là giun tròn ở phổi chuột (có tên khoa học Angiostrongylus cantonensis). Ấu trùng này kí sinh ở chuột, khi thải ra, ốc sên ăn phải sẽ nhiễm kí sinh trùng.
Con người ăn phải loại ốc này mà chưa được nấu chín thì sán sẽ chui vào não gây viêm não, viêm màng não với các biểu hiện: Nhìn mờ, đau đầu kéo dài, nghiêm trọng sẽ phù não, nặng sẽ gây hôn mê và có thể gây tử vong.
Một số trường hợp sán di chuyển xuống phổi sẽ gây tràn dịch màng phổi, viêm phổi do dị ứng.
Loại phổ biến hay gặp nữa là sán lá gan lớn và sán máng. Sau khi nở thành ấu trùng và kí sinh được vào ốc, nó biến thành 1 ấu trùng khác (trùng đuôi) rồi bám vào rau sống, ăn vào sẽ nhiễm bệnh.
“Sán lá gan lớn có trong rau sống, mỗi năm có vài chục ca bệnh. Còn trùng đuôi của sán máng có thể bơi trong nước, nếu lội vào nước đó thì trùng đuôi sẽ xuyên qua da chui vào các mạch máu. Loại sán máng này ít gặp hơn”, bác sĩ Cấp cho hay.
Ăn chín uống sôi
Bác sỹ Cấp cho biết đặc điểm chung của những loại bệnh do nhiễm sán này là ăn ốc, cua, hàu, … chưa được nấu chín. Ấu trùng sán kí sinh trong ốc, cua, hàu có thể chết khi thức ăn đã được nấu chín hoàn toàn, do đó không còn khả năng gây bệnh.
Theo bác sỹ Cấp, có 2 món ăn có nguy cơ cao gây nhiễm sán là món nướng và món sống (gỏi).
Nếu ăn ốc, cua nướng thì chỉ ngoài vỏ mới chín, bên trong chưa chín hẳn – các loại sán vẫn còn sống. Ngoài ra, với món gỏi (sống) như hàu, ốc sên, .. thì nguy cơ nhiễm sán còn cao hơn.
Vì vậy, bác sỹ Cấp khuyến cáo: Cần ăn chín uống sôi, tuyệt đối không ăn đồ sống và ngành nông nghiệp cần có biện pháp kiểm soát chất lượng thủy hải sản ở các khu vực nuôi trồng để đảm bảo không bị ô nhiễm.
Ngoài ra, với người có nguy cơ nhiễm sán (sống trong vùng đã có người mắc, ăn đồ sống, lại có biểu hiện như sốt, đau đầu, lơ mơ, …) thì nên đi khám càng sớm càng tốt.
Mới đây, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ đã tiếp nhận một bệnh nhân làm việc tại nhà hàng hải sản ở Hà Nội. Ông thường xuyên sử dụng hàu sống, tôm tái chấm mù tạt và có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn. Các bác sỹ xác định ông bị nhiễm ấu trùng giun lươn!