Quy đổi vòng hoa bằng phong bì... có lợi hơn?

Theo Kiến Thức |

"Mỗi vòng hoa bình quân 200 ngàn, nếu nhân với hàng trăm vòng, lãng phí đến mấy chục triệu. Thay vì mang nhiều vòng hoa, quy đổi số tiền đó sang phúng viếng có lợi hơn”, GS Ngô Đức Thịnh cho biết.

Nhận định về Nghị định số 105/2012/NĐ-CP quy định về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức, Nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư (GS) Ngô Đức Thịnh đánh giá, việc quy định 7 vòng hoa trong đám tang công chức là có thể chấp nhận.

Tuy nhiên, ông không đồng ý với quy định cấm để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài và cấm rắc vàng mã và tiền tại đám tang vì cái gì liên quan đến nghi lễ phong tục thì không nên cấm. Hơn nữa, có cấm.. càng khó khả thi.

Số lượng vòng hoa vừa phải trong mỗi đám tang nên làm

Từ ngày 1/2/2013, Nghị định số 105/2012/NĐ-CP quy định về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực.

Trong đó có quy định: Đám tang mỗi công chức không có quá 7 vòng hoa. Ban Tổ chức lễ tang sẽ chuẩn bị 2 vòng hoa đặt cố định 2 bên bàn thờ; chuẩn bị 5 vòng hoa luân chuyển.

Đồng thời, trong thông báo tin buồn phải ghi: “Các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen, kích thước 1,2m x 0,2m”.

Bắt đầu từ thời điểm này, các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định theo Nghị định này sẽ bị phê bình hoặc xử phạt hành chính. Mục đích của quy định này đã được ông Hồ Chí Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) cho biết, đây là việc làm cần thiết và thể hiện tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngay sau khi Nghị định này được ban hành, xung quanh quy định đám tang công chức không quá 7 vòng hoa đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều cách, không nhất thiết phải quy định hạn chế số lượng vòng hoa viếng trong đám tang người quá cố.

Thậm chí, gay gắt hơn nhiều ý kiến cho rằng đây là quy định “kỳ quặc, khó hiểu”. Hơn nữa, có ý kiến còn cho rằng, quy định hạn chế số lượng vòng hoa trong đám tang sẽ khiến những người nông dân nghèo làm nghề trồng hoa điêu đứng.

Qui định 7 vòng hoa tại đám tang công chức là chấp nhận được.

Đánh giá về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa, GS Ngô Đức Thịnh đã trao đổi với PV ở góc độ văn hóa. Theo GS Ngô Đức Thịnh, việc hạn chế số lượng vòng hoa, giữ số lượng vòng hoa ở mức vừa phải trong mỗi đám tang nên làm.

“Cơ quan nào đến viếng người quá cố do có mối quan hệ, tang lễ như vậy phúng viếng bằng tiền cho lợi hơn cho gia quyến. Mang vòng hoa đến viếng từ trước đến giờ là một phong tục trong đám tang nhưng nên giữ chừng mực.

Thời gian qua, nhiều đám tang công chức số lượng vòng hoa lên đến vài trăm chiếc, như thế đúng là lãng phí. Ví dụ như có đám tang mỗi vòng hoa bình quân là 200 ngàn, nếu nhân với hàng trăm vòng, lãng phí đến mấy chục triệu là không cần thiết. Thay vì mang nhiều vòng hoa, quy đổi số tiền đó sang phúng viếng có lợi hơn”, GS Ngô Đức Thịnh cho biết.

“Trong đám tang, không có vòng hoa là không nên, vì truyền thống văn hóa không cho phép nhưng quy định sao cho đúng. Khi tổ chức tang lễ, Nhà tang lễ và gia quyến người đã khuất lên làm một số lượng vòng hoa nhất định xong luân chuyển.

Nhưng lưu ý, làm sao cho có tổ chức, thay đổi cho hợp lý, tránh sự phiền phức, không hay xảy ra trong lễ tang”, GS Ngô Đức Thịnh nhận định.

Cấm để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài, rắc vàng mã...: Khó khả thi?

Giải thích về quy định “Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài” theo Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ VV-TT&DL) Hồ Chí Hùng cho biết, việc lắp kính trên nắp quan tài mới có mấy chục năm nay, không phải là truyền thống của người Việt Nam.

Thêm nữa, ngày nay do hoàn cảnh nhiều gia đình có con cái ở xa, với điều kiện kỹ thuật cao, người mất thường được để trong phòng lạnh 5-7 ngày để đợi con cháu ở xa về viếng. Lúc đó, cơ thể của người mất đã teo ngót, khi ra ngoài không khí cũng khiến cho mặt mũi và người bị biến dạng, gây phản cảm.

Nhà nghiên cứu văn hóa Giáo sư Ngô Đức Thịnh.

Ngoài những lý do đó ra, việc lắp ô kính trên quan tài còn có thể gây ra sự cố như vì vận chuyển hay lý do va đập, ô kính có thể bị vỡ và những mảnh vỡ ấy rơi vào mặt người quá cố. Điều này càng gây sự đau buồn và tâm lý không tốt cho gia đình người quá cố.

“Theo quan điểm của đa số người Việt Nam, khi trong gia đình có người mất đi, những người thân, bạn bè dù ở xa đến mấy cũng phải về để nhìn mặt người quá cố.

Vì thế, người ta mới lắp kính nên nắp quan tài để người thân ở xa về còn nhìn mặt lần cuối người quá cố. Ai muốn nhìn thì nhìn, ai không muốn nhìn cũng không sao. Sao lại cấm? Nhưng cấm có thực thi được không?”, GS Ngô Đức Thịnh băn khoăn.

GS Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng, quy định cấm rắc vàng mã và tiền do NHNN và ngoại tệ khi đưa tang trong Nghị định 105 là khó khả thi.

“Rắc vàng mã và tiền mệnh giá nhỏ trong khi đưa tang từ lâu đã thành một thói quen ăn sâu vào đời sống, phong tục may chay của người Việt Nam.

Tại sao lại cấm? Lý do làm mất vệ sinh công cộng tôi cho là chưa thỏa đáng. Bởi rắc vàng mã làm mất vệ sinh, nguyên nhân chính có phải do đó không?”, GS Ngô Đức Thịnh băn khoăn.

GS Ngô Đức Thịnh cũng bày tỏ hồ nghi: “Cấm liệu có thực thi được không? Bởi chuyện rắc tiền xuất phát từ truyền thống nên rất nhạy cảm.

Hơn nữa, trong quy định của nhà nước vẫn quy định đám tang có quyền đi qua đèn đỏ, khi đi qua đám tang , người Việt vẫn phải dừng xe, đi chậm đằng sau.

Bởi đó là nghĩa cử của người sống với người đã khuất, thành kính chân thành với họ, dù có là người xa lạ. Ai dám phạt việc đó? Và phạt như thế nào?”.

“Cái gì liên quan đến nghi lễ phong tục thì không nên cấm. Bởi với truyền thống văn hóa, điều đó không ảnh hưởng và đa số người dân chấp chận và gìn giữ.

Càng không nên “tuyên chiến” với nó vì không bao giờ thực hiện được. Có chăng là nên vận động tuyên truyền để người dân ý thức, còn ra lệnh cấm là không khả thi”, GS Ngô Đức Thịnh nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại