Quy định vòng hoa trong đám tang công chức: “Kỳ quặc, khó hiểu”

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Liên quan đến quy định trong đám tang mỗi công chức không được quá 7 vòng hoa viếng, Tiến sĩ Vũ Thế Long - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội UNESCO Hà Nội cho rằng đây là một quy định “kỳ quặc, khó hiểu” và không nên áp dụng.

Trước đó, theo đề nghị của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ngày 17/12/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2012/NĐ-CP quy định về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức viên chức. Quy định nêu rõ: đám tang mỗi công chức không có quá 7 vòng hoa. 

Cụ thể: Ban Tổ chức lễ tang sẽ chuẩn bị 2 vòng hoa đặt cố định 2 bên bàn thờ; chuẩn bị 5 vòng hoa luân chuyển. Đồng thời, trong thông báo tin buồn phải ghi: “Các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen, kích thước 1,2m x 0,2m”.

Giải thích quy định về số lượng vòng hoa trong đám tang, trong cuộc họp báo sáng 5/1, ông Hồ Chí Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Văn hóa) cho rằng đây là việc làm cần thiết và thể hiện tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí.

Từ ngày 1/2/2013, các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định theo Nghị định này sẽ bị phê bình hoặc xử phạt hành chính.

TS Vũ Thế Long cho rằng: “Muốn thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều cách, không nhất thiết phải quy định hạn chế số lượng vòng hoa viếng trong đám tang người đã mất. Đây là một quy định kỳ quặc, khó hiểu".

TS Vũ Thế Long: "Quy định về số lượng vòng hoa trong đám tang công chức là kỳ

quặc, khó hiểu".

Hành động phúng viếng người đã mất từ lâu là nét văn hóa của người Việt nói riêng và nhiều dân tộc khác trên thế giới nói chung. Đây không chỉ là hành động để thể hiện sự chia sẻ nỗi đau buồn đối với gia đình có người đã mất mà qua đó còn thể hiện sự cố kết các thành biên trong cộng đồng lại với nhau”.

Theo TS Vũ Thế Long, việc viếng vòng hoa đối với người chết đã xuất hiện từ rất lâu đời xuất hiện từ thời đại đồ đá cũ. Điều này đã được chứng minh qua rất nhiều cuộc khai quật và nghiên cứu, các nhà khảo cổ học phương Tây đã phát hiện ra dấu vết và những hiện vật (là các loại hoa) còn sót lại trong mộ táng của người chết.

Ở Việt Nam, viếng vòng hoa đối với người chết du nhập từ văn hóa Pháp. Tuy nhiêu, trải qua thời gian, nét văn hóa phương Tây nói trên đã được người Việt tiếp nhận để làm phong phú thêm văn hóa của mình. Bởi vậy, viếng vòng hoa trong các đám tang giờ đây không còn xa lạ mà đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong văn hóa ma chay của người Việt.

Theo TS Vũ Thế Long, quy định hạn chế số lượng vòng hoa trong đám tang mỗi công chức là
Theo TS Vũ Thế Long, quy định hạn chế số lượng vòng hoa trong đám tang mỗi công chức là "cú đánh" gián tiếp vào những người kinh doanh hoa và những nông dân nghèo làm nghề trồng hoa vì đầu ra cho sản phẩm bị thu hẹp.

Việc viếng vòng hoa mang nhiều ý nghĩa, nó vừa trang trọng và mang nghĩa thành kính phân ưu đối với người đã khuất, đồng thời qua đó còn hể hiện các mối quan hệ xã hội của người quá cố khi sống như: bạn bè, công việc, vai vế trong xã hội,…

“Nếu nói hạn chế số lượng vòng hoa viếng trong đám tang công chức mà giúp tiết kiệm và chống lãng phí thì chưa thực sự hợp lý, thiếu tính thuyết phục. Thường thì viếng vòng hoa mang tính hình thức, thể hiện sự trang trọng và thành kính, nay nếu không viếng bằng vòng hoa nữa thì người ta chuyển sang viếng bằng… phong bì thì sao? Lúc đó có khi còn tốn kém và lãng phí hơn gấp nhiều lần”, TS Vũ Thế Long cho biết.

Ngoài ra, cũng theo TS Vũ Thế Long, quy định về hạn chế số lượng vòng hoa trong đám tang công chức nói trên còn như một “cú đánh” gián tiếp vào “miếng cơm, manh áo” của những người kinh doanh vòng hoa và người nông dân làm nghề trồng hoa.

“Ngoài những ngày lễ tết ra thì hoa tươi chủ yếu được sử dụng vào việc ma chay, cưới hỏi, hội nghị,… Nay bằng việc ra quy định hạn chế số lượng vòng hoa trong đám tang, rõ ràng thị trường hoa sẽ chịu sự tác động, mà thiệt hại lớn nhất cuối cùng lại đổ lên đầu những người nông dân nghèo làm nghề trồng hoa vì thị trường đầu ra cho hoa tươi bị thu hẹp”, TS Vũ Thế Long phân tích.

Về quy định trên nắp quan tài không được để ô kính để xem mặt người quá cố, TS Vũ Thế Long cho rằng đây là quy định “ngớ ngẩn”.

“Trên thực tế, nhiều người thân bạn bè của người quá cố vẫn muốn được nhìn mặt người đã khuất lần cuối để “lưu lại hình ảnh” trong đầu vì có thể trước đó đã rất lâu không có cơ hội được gặp gỡ, thấy mặt. Còn ai không muốn nhìn thì thôi, không ai bắt buộc”, TS Vũ Thế Long giải thích.

Cũng theo TS Vũ Thế Long, việc để ô kính trên áo quan cũng không hề ảnh hưởng gì đến thuần phong mĩ tục của dân tộc cả nên không nhất thiết phải đặt ra quy định để… cấm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại