“Quốc lủi” trước nguy cơ khai tử: Người nấu, người tiêu thụ đều hoang mang

Thu Lê – Vũ Minh |

(Soha.vn) - Chủ của hầu hết các cơ sở nấu rượu được hỏi đều tỏ ra băn khoăn, hoang mang, lo lắng và cho biết chưa có động thái gì chuẩn bị cho việc đăng kí giấy phép sản xuất và nhãn mác rượu.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2013, Nghị định (NĐ) số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu (gọi tắt là Nghị định 94) sẽ chính thức có hiệu lực.

Nghị định 94 quy định rõ các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất; Khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.

Nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan và công bằng, Nghị định 94 là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm ngăn ngừa những tai biến nguy hiểm từ rượu và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Chỉ còn vài ngày nữa, Nghị định 94 sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV tại các làng nghề nấu rượu truyền thống, những cơ sở nấu rượu tư nhân, tại những đại lí bán và cung ứng rượu vừa và nhỏ,  tại những quán ăn vỉa hè,… và khảo sát ngay từ chính những người có thói quen và sở thích uống rượu gạo, tất cả đều chưa hề hay biết hoặc mới chỉ nghe loáng thoáng về Nghị định 94 của Chính phủ.

Nghị định 94 của Chính phủ đang khiến hàng triệu cơ sở nấu rượu nhỏ lẻ trên cả nước hoang mang, lo lắng với việc đăng kí giấy phép sản xuất và gắn nhãn mác

Chỉ có cách bỏ nghề…

Chủ của hầu hết các cơ sở nấu rượu được hỏi đều tỏ ra băn khoăn, hoang mang, lo lắng với Nghị định 94 và cho biết chưa có bất cứ động thái gì chuẩn bị cho việc đăng kí giấy phép sản xuất và gắn nhãn mác rượu.

Anh Đinh Văn Nhân, chủ một cơ sở nấu rượu tư nhân ở làng Yên Đinh – Phù Lương - Quế Võ – Bắc Ninh cho biết: “Gia đình tôi làm nghề nấu rượu cả chục năm nay. Rượu nấu đến đâu giao cho các cửa hàng tạp hóa trong xã, bán lẻ hết đến đó. Nghị định 94 là nghị định gì, tôi nào có hay biết. Nếu Nhà nước có lệnh cấm và bắt đăng kí giấy phép sản xuất, rồi bắt gắn nhãn mác lên sản phẩm thì những người nấu rượu làm ăn cò con như chúng tôi chỉ có cách là bỏ nghề…”

Khi được PV thông báo về Nghị định 94, nhiều hộ dân làm nghề nấu rượu ở thôn Thận Y – Yên Nam – Hà Nam mới vỡ lẽ có quy định này và tỏ ra vô cùng hoang mang lo lắng vì không biết phải đăng kí giấy phép sản xuất, nhãn mác như thế nào, với ai, ở đâu…

Bà Nguyễn Thị Định, chủ một cơ sở nấu rượu ở thôn Thận Y nói: “Chúng tôi chưa được thông báo gì về quy định này. Với những hộ dân nấu rượu nhỏ lẻ như chúng tôi, rượu nấu ra chỉ để nhà dùng, bán lẻ cho người làng và lấy bã rượu để chăn nuôi chứ có kinh doanh, buôn bán lớn đâu mà phải đăng kí giấy phép sản xuất và gắn nhãn mác lên rượu. Như thế này thì làm khó chúng tôi và cũng chặn đường sinh sống của chúng tôi…”

“Đăng kí giấy phép sản xuất, nhãn mác sản phẩm ở đâu, với ai, lệ phí như thế nào, sao không thấy ai phổ biến? Thi thoảng mới nấu một mẻ rượu cho các đám cưới, đám hỏi, ma chay trong làng như tôi mà đăng kí giấy phép sản xuất và nhãn mác sản phẩm chắc xong về để mốc meo ra đó…”, ông Trần Quang Nghĩa ở thôn Thận Y bức xúc.

Chưa có động thái đăng kí giấy phép sản xuất

Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, anh Nguyễn Đình Thắng, chủ một cơ sở nấu rượu tại làng Vân – Vân Hà – Việt Yên – Bắc Giang (nơi nức tiếng gần xa với rượu làng Vân) cho hay: “Đến giờ phút này tôi vẫn chưa được phổ biến về quy định mới này. Do đó, hầu hết các cơ sở nấu rượu trong làng đều chưa có động thái đăng kí giấy phép sản xuất. Nếu có quy định thì thực hiện thôi. 

Nhưng điều khiến chúng tôi băn khoăn là cách đăng kí có rườm rà, mất thời gian không và ai sẽ là người đứng ra kiểm chứng để cấp nhãn mác cho rượu của chúng tôi? Ở các làng nghề truyền thống như Làng Vân còn có khả năng kiểm soát nhưng trên cả nước có đến hàng triệu cơ sở nấu rượu, từ lớn, vừa, nhỏ… Ai đảm bảo sẽ kiểm soát được và Nghị định 94 sẽ được thực thi có hiệu quả…”

Các đại lí bán, người tiêu thụ hoang mang

Tại Hà Nội không khó để mua được một chai rượu trắng không nhãn mác, thậm chí có thể mua với giá 2000 đồng rượu trắng ở tất cả các cửa hàng tạp hóa. Những chai rượu trắng được các cửa hàng tạp hóa đóng vào chai nước khoáng nhựa 500ml, vỏ chai trà xanh, C2 và không có bất cứ nhãn mác ghi nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Rất dễ dàng để mua được một chai rượu trắng đóng chai với giá rất bèo tại bất cứ của hàng tạp hóa nào (Ảnh Vũ Minh)

Theo khảo sát của PV, giá bán loại rượu này ở các cửa hàng tạp hóa không chênh lệch nhau là mấy. Một chai rượu loại thường có giá 15.000 đồng với dung lượng là 500ml, còn nếu loại ngon hơn có giá 25.000 đồng/chai.

Dừng xe trước một cửa hàng tạp hóa ở đầu phố Hoàng Cầu – Đống Đa – Hà Nội, chúng tôi dễ dàng mua được loại rượu trắng như yêu cầu với số lượng bao nhiêu cũng có.

Chị Huyền, chủ cửa hàng tạp hóa ở đây cho biết: “Rượu này không phải nhà chị nấu mà chị đặt nấu. Nơi nấu rượu, họ giao theo can. Chị bán hết thì gọi điện họ lại đem đến. Rượu quê đấy, đảm bảo chất lượng, không độc hại đâu. Các em cần bao nhiêu cũng có. Chỉ cần 1 cuộc điện thoại thôi…”

Còn một bà chủ quán tuổi khá cao, bán tạp hóa ở ngõ 178 Nguyễn Lương Bằng – Đống Đa – Hà Nội, vừa cầm một can rượu không nhãn mác, vừa rót vừa nói: “Đây là rượu bà tự nấu, cháu thích loại rượu nào cũng có. Rượu bình thường thì rẻ nhưng uống không được ngon lắm. Nếu mà mua uống thì nên uống rượu ngon hơn, nhưng giá nó cao hơn. Rượu gạo vẫn được nhiều người mua lắm. Tiêu thụ nhanh…”

Các cửa hàng tạp hóa không chỉ bán tạp hóa mà còn bán rượu trắng không nhãn mác. Theo các chủ cửa hàng, rượu trắng có sức tiêu thụ mạnh... (Ảnh Vũ Minh)

Tất cả các chủ cửa hàng tạp hóa được hỏi đều cho biết, chưa hề biết về thông tin cấm bán rượu trắng không có nhãn mác. Một bà chủ cửa hàng tạp hóa ở đường Trần Quang Diệu lo lắng: “Sức tiêu thụ của rượu trắng rất lớn! Người dân mua nhiều nhất là các quán ăn vỉa hè. Nếu rượu trắng không có nhãn mác bị cấm bán thì sẽ mất đi một cơ hội kinh doanh vì loại rượu này nhập không đắt, bán nhanh…”

Một chủ cửa hàng tạp hóa khác được hỏi lại cho biết: “Nhà mình bán tạp hóa, không chỉ riêng bán rượu. Rượu nhà mình bán thì bán theo chai, đặt người ta mang đến. Nếu mà cấm bán thì mình không bán nữa, không nhập hàng nữa vì mặt hàng rượu trắng cũng không phải là mặt hàng trọng tâm của nhà mình”.

“Rượu trắng là loại rượu mà người dân ở quê họ nấu, họ vừa nấu rượu vừa lấy cái cơm rượu sau khi chưng cất rượu để nuôi lợn. Họ thường nấu với quy mô hộ gia đình, đủ để phân phối mấy cửa hàng tạp hóa, chứ có phải sản xuất thành xưởng đâu mà phải đăng ký nhãn mác, rồi phải nộp thuế. Nếu cấm thì chắc họ không nấu nữa”, chị Hằng, chủ cửa hàng tạp hóa ở phố Khương Hạ - Thanh Xuân bày tỏ.

Anh Vũ Văn Thành, chủ một quán ốc đầu ngõ 28 – phố Trần Thái Tông lại băn khoăn: “Những hàng quán vỉa hè như của tụi mình đều lấy rượu gạo ở quê lên bán cho khách. Rượu có nhãn mác gì đâu vì là rượu do người dân ở quê nấu. Bây giờ bắt họ đăng kí giấy phép sản xuất, gắn nhãn mác lên sản phẩm thì khác nào làm khó họ. Và nếu họ phải gắn nhãn mác thì chắc chắn giá rượu sẽ phải đội lên. Điều này đồng nghĩa với việc tụi mình phải lấy rượu giá đắt hơn để bán thì lời lãi làm gì có…”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại