Quốc hội sẽ bầu Tổng thư ký trong kỳ họp thứ 10

Hoàng Đan |

Phó Chủ nhiệm QH Nguyễn Sỹ Dũng cho hay, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào sáng 20/10 với nhiều nội dung quan trọng của đất nước.

Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng

Phát biểu tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ nhiệm QH Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, kỳ họp sẽ chính thức khai mạc vào ngày 20/10 tại nhà Quốc hội.

Dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 1 tháng và bế mạc vào ngày 28/11.

Theo ông Dũng, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 19 ngày để thảo luận, xem xét, thông qua 18 luật, 14 Nghị quyết (trong đó, có 3 Nghị quyết chứa quy phạm pháp luật) và cho ý kiến về 8 dự luật.

Nhằm tiếp tục triển khai thi thành, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, tại kỳ họp này, Quốc hội tập trung xem xét, thông qua các dự án luật quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp như hoạt động điều tra, công tố, kiểm sát, xét xử...

Đồng thời, Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều đạo luật có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần Hiến pháp.

Quốc hội cũng sẽ dành 12 ngày để tiếp tục công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Đặc biệt, theo ông Dũng, kỳ họp này Quốc hội sẽ quyết định thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội, phê chuẩn Phó Chủ tịch và ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia.

Cùng với đó, quyết định ngày bầu cử toàn quốc với cuộc bầu cử đại biểu QH và Hội đồng nhân dân các cấp...

Quốc hội cũng sẽ dành 10 buổi phát thanh - truyền hình trực tiếp các phiên họp của Quốc hội. Trong đó, sẽ trực tiếp các phiên chất vấn, trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ...

Dự kiến sẽ có 21 thành viên Hội đồng bầu cử Quốc gia

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, đây là kỳ họp cuối năm và cũng là kỳ họp gần cuối của khóa XIII nên rất quan trọng, vì liên quan đến nhiều vấn đề lớn của đất nước.

Liên quan đến việc bầu Hội đồng bầu cử Quốc gia, theo ông Phúc, đây là lần đầu tiên tiến hành bầu cử theo quy định của Luật tổ chức QH, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Theo dự kiến sẽ có 21 thành viên của Hội đồng bầu cử Quốc gia được bầu và một số Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ được Quốc hội phê chuẩn.

Đối với việc bầu cử chức danh Tổng thư ký Quốc hội, ông Phúc cho hay, dù chưa bầu nhưng cho đến nay, ông vẫn đang đảm nhiệm các công việc của chức danh này.

"Hiện nay, trên thế giới chỉ còn Việt Nam và Lào là chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Việc bầu chức danh này, để đảm bảo cho công việc được thực hiện tốt hơn, phù hợp với hội nhập quốc tế", ông Phúc nói.

Về việc chất vấn, theo ông Phúc, dự kiến Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để thực hiện. Đồng thời, các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đều phải có mặt để có thể trả lời các ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội.

Trước câu hỏi, một số Đại biểu Quốc hội là cán bộ chủ chốt ở các tỉnh, sẽ phải tham gia Đại hội Đảng ở địa phương và có thể vắng mặt một số ngày ở kỳ họp này, ông Phúc cho rằng, việc đó là đúng.

Tuy nhiên, theo thể chế của chúng ta và Đại hội Đảng các cấp là đợt sinh hoạt chính trị rất quan trọng nên một số Đại biểu QH là lãnh đạo ở địa phương sẽ vắng mặt trong khoảng 3 ngày để tham dự Đại hội Đảng.

Đối với việc lấy ý kiến đại biểu QH về góp ý văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, theo ông Phúc, Quốc hội đã giao về cho các tổ đại biểu, với thời gian nửa ngày để các đại biểu nêu ý kiến, sau đó, sẽ tổng hợp lại để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.

Ông Phúc cũng khẳng đinh, sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước hoạt động, đưa tin về các kỳ họp của Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của PV về việc ngăn ngừa các bộ, ngành “nhờ” đại biểu đọc bài, “lobby” (vận động hành lang) trong các hoạt động tại kỳ họp để các quyết định của QH không bị ảnh hưởng của các nhóm lợi ích, ông Phúc cho rằng:

Việc phát biểu như thế nào trước hết là quyền của mỗi đại biểu Quốc hội.

Có thể có một vài đại biểu phát biểu ca ngợi ngành này hoặc nói có lợi cho ngành kia, nhưng qua hoạt động của bộ, ngành đó thì cử tri, nhân dân sẽ có đánh giá tổng thể và đánh giá trên từng công việc.

“Sự đánh giá của cử tri, đánh giá của Nhân dân đối với từng ngành, lĩnh vực, với từng tư lệnh ngành mới là thước đo chính xác nhất. Tôi nghĩ là một vài ý kiến của đại biểu không ảnh hưởng đến đánh giá của nhân dân” - ông Phúc nói.

Về việc một số ĐBQH đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu có thể dẫn đến thay đổi về thái độ hoặc quan điểm của ĐB đó, nhất là về chất vấn, có thể “gay gắt” hơn hoặc “dịu dàng” hơn, ông Phúc nói:

"ĐBQH phải làm tròn vai của mình, phát biểu phải cho đúng với vai trò một đại biểu".

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại