Trẻ hóa lãnh đạo là dấu hiệu đáng mừng

V.V.THÀNH |

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trả lời những câu hỏi báo chí quan tâm liên quan đến việc bổ nhiệm, bầu cử những cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo bên lề cuộc họp báo của Bộ Nội vụ ngày 18-10.

Trả lời câu hỏi về tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo làm giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Quảng Nam có đạt theo quy định hay không trong cuộc gặp báo chí thường kỳ thông báo kết quả triển khai công tác thời gian qua và dự kiến một số nhiệm vụ trọng tâm công tác thời gian tới của bộ, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết:

“Ông Bảo đủ tiêu chuẩn và điều kiện để xem xét bổ nhiệm vào chức danh giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư. Hiện nay Bộ Kế hoạch - đầu tư chưa ban hành tiêu chuẩn cụ thể đối với giám đốc sở kế hoạch - đầu tư, nhưng khi bổ nhiệm ông Bảo thì tỉnh Quảng Nam đã căn cứ vào tiêu chuẩn giám đốc sở do Bộ Nội vụ ban hành để triển khai thực hiện.

Khi vào kiểm tra, chúng tôi đã rà soát lại quá trình công tác, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm giám đốc sở cũng như trình tự, qua đó thấy rằng Quảng Nam triển khai đúng quy định hiện hành”.

“Khi đã đi kiểm tra thì không phải xem con ai, mà xem có làm đúng quy định pháp luật về công tác bổ nhiệm cán bộ không.

Nghĩa là xem công tác bổ nhiệm, lựa chọn cán bộ đó có đúng quy trình, đúng quy định, đúng tiêu chuẩn, điều kiện và lựa chọn được đúng người có phẩm chất, trình độ, năng lực hay không, chứ không phải xem đó là con ai

Thứ trưởng 
Trần Anh Tuấn

Sửa đổi tiêu chuẩn 
giám đốc sở

* Theo quy định thì người được bổ nhiệm giám đốc sở phải đạt tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên chính, làm sao có thể khẳng định ông Bảo đạt tiêu chuẩn chuyên viên chính, vì thông thường phải có sát hạch mới biết một người đạt tiêu chuẩn 
hay không?

- Để được bổ nhiệm chuyên viên chính thì phải qua kỳ thi.

Còn những người đạt được tiêu chuẩn của chuyên viên chính bao gồm đã học qua các lớp về lý luận chính trị, về quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính, có đủ thời gian công tác (quy định hiện nay là 5 năm, ông Bảo đã công tác hơn 8 năm).

Ông Bảo cũng đạt đủ khả năng, năng lực về sử dụng máy tính, sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp.

Như vậy ông Bảo đã đủ quy định tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên chính rồi, nhưng để được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính thì ông ấy phải qua kỳ thi cạnh tranh theo quy định pháp luật.

Ở đây, đủ tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên chính khác với đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính.

Về tiêu chuẩn của chức danh giám đốc sở, quy định hiện hành yêu cầu đạt tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên chính chứ không phải đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính.


Ông Lê Phước Hoài Bảo - giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Quảng Nam (đứng giữa) - Ảnh: TL

Ông Lê Phước Hoài Bảo - giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Quảng Nam (đứng giữa) - Ảnh: TL

* Như ông vừa nói, theo quy định hiện nay để được bổ nhiệm làm giám đốc sở, không nhất thiết đã được bổ nhiệm vào chuyên viên chính mà chỉ cần đạt tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên chính. Bộ Nội vụ có tính sửa quy định này không?

- Trong dự thảo nghị định về tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý chúng tôi trình Chính phủ xem xét để ban hành, có ghi rõ đối với giám đốc sở thì tối thiểu phải được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính.

Dự thảo quy định như thế để nói rằng trước khi xem xét bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bản thân công chức đó phải là người rất giỏi, rất vững về chuyên môn nghiệp vụ.

Khi anh đứng lên làm lãnh đạo, quản lý mới có thể hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát được các nhiệm vụ mà anh phân công cho cấp dưới.

* Cơ sở nào để Bộ Nội vụ nâng tiêu chuẩn giám đốc sở (từ đạt tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính lên đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính), phải chăng vì vừa qua có nhiều trường hợp cán bộ được bổ nhiệm trẻ tuổi quá, không đủ tầm?

- Bộ Nội vụ đưa vào dự thảo quy định như vậy là căn cứ vào mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Đồng thời, xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và hiệu quả.

Muốn chuyên nghiệp và hiệu quả, trước khi anh trở thành lãnh đạo quản lý một cơ quan tổ chức trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, ít nhất anh phải vững vàng về mặt chuyên môn nghiệp vụ ở một mức độ nhất định.

Đây là căn cứ rất quan trọng để chúng ta quy định, không phải chỉ là đạt tiêu chuẩn của ngạch nào đó mà phải được bổ nhiệm vào ngạch nhất định.

Trẻ không chỉ căn cứ 
vào tuổi

* Ông có bình luận gì khi đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vừa qua đã xuất hiện nhiều cán bộ trẻ được bầu vào vị trí lãnh đạo chủ chốt?

- Việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là một dấu hiệu đáng mừng.

Chứng tỏ Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương đúng đắn để thu hút những người được đào tạo cơ bản, những người có kiến thức, có năng lực tham gia trong bộ máy các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

* Theo ông, bí thư các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương dưới 40 tuổi có thể xem là cán bộ trẻ?

- Tôi nghĩ rằng trẻ thì không chỉ căn cứ vào tuổi. Sự trẻ của cán bộ, công chức lãnh đạo thì phải trẻ cả về tư duy, trẻ về tác phong, lề lối làm việc, chứ không phải chỉ trẻ về độ tuổi.

Bởi vì có nhiều người rất trẻ nhưng mà tư duy rất già cỗi, có những người có tuổi nhưng tư duy vẫn luôn đổi mới, vẫn có sức sống và phù hợp với thực tiễn. Đó chính là tư duy trẻ, chúng ta cần trẻ hóa phải hiểu như vậy, chứ không phải trẻ hóa chỉ ở độ tuổi.

Không phải cứ tuổi trẻ là đưa vào lãnh đạo mà phải trải qua thực tiễn, có kinh nghiệm, ít nhất phải làm việc một thời gian, chứ vừa học xong ra trường thì biết như thế nào để đưa vào lãnh đạo.

Chúng ta phải nhìn công bằng, khách quan đối với các trường hợp được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo quản lý đang ở độ tuổi trẻ, chứ không nên cứ thấy được bổ nhiệm thì nghi ngờ. Chúng ta sống phải có niềm tin và đó là cơ sở, động lực để chúng ta làm việc.

* Thưa ông, dư luận nghi ngờ vì cho rằng có chuyện ưu ái cho trường hợp này, trường hợp kia?

- Ví dụ ở tỉnh Quảng Nam thì trong số 176 người được bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo ở cấp huyện và cấp sở, có 51 người từ độ tuổi 30 đến dưới 40.

Trong đó con của các đồng chí lãnh đạo cũng có, mà con của những người lao động ở các thành phần khác nhau cũng có, chứ đâu phải chỉ tập trung vào một chỗ.

Chúng ta cần nhìn toàn diện, khách quan.

Kết thúc nhiệm vụ, 600 trí thức trẻ sẽ làm gì?

Đề án tăng cường gần 600 phó chủ tịch xã về 64 huyện nghèo trong cả nước, do Bộ Nội vụ chủ trì, chuẩn bị kết thúc sau năm năm. Dư luận quan tâm khi kết thúc nhiệm vụ 600 trí thức trẻ này sẽ đi đâu, làm gì?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết tất cả các trường hợp đó, theo báo cáo của Vụ Công tác thanh niên Bộ Nội vụ thì đều được đưa vào quy hoạch, có vị trí công tác, được địa phương ghi nhận và đánh giá cao.

Họ đã và đang được sử dụng, khi đề án kết thúc thì căn cứ vào năng lực, sở trường và đóng góp, cống hiến cũng như quá trình rèn luyện của họ để xem xét đưa về làm việc ở các cơ quan từ cấp huyện trở lên nếu đủ tiêu chuẩn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại