Những ngày qua, dư luận thực sự “nóng” với câu chuyện về việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp Sở 30 tuổi ở Quảng Nam.
Bên lề phiên họp báo chính phủ chiều 1/10, VOV.VN phỏng vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên về việc bổ nhiệm lãnh đạo trẻ tuổi hiện nay.
PV: Thưa Bộ trưởng, dư luận đang băn khoăn về việc nhiều người được bổ nhiệm là lãnh đạo khi còn rất trẻ, điều đáng nói họ đa phần là con của các vị lãnh đạo, phải chăng do khâu bổ nhiệm, chọn người cạnh tranh không lành mạnh?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Có phải dư luận nói rằng sân chơi đang không bình đẳng?
PV: Vâng, đúng thế, thưa Bộ trưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Thực ra, yêu cầu của Đảng, Nhà nước là muốn tìm người tài chứ không có vấn đề gì cả. Cho nên đưa ra qui trình, qui chế là để tuyển lựa cho được người tài để giúp đất nước.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện công việc đó xuất hiện việc tiến cử, xác nhận, phát hiện… không phải lúc nào người tài cũng được phát hiện một cách bình đẳng.
Không ai ra ứng thí như ngày xưa. Cho nên, có khi người phát hiện, người tham gia, thậm chí có những người không là công chức thì mình không thể lấy cái này nói cái khác được, và cũng không thể so sánh là anh này dở hơn anh kia.
Đảng, Nhà nước đưa ra qui trình để tuyển lựa người tài chứ không phải đưa ra để chọn lọc như thời gian qua.
PV: Như trường hợp bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ chức Giám đốc Sở KH-ĐT Quảng Nam, nếu vị này không phải con của một lãnh đạo tỉnh thì chắc dư luận sẽ không có ý kiến gì vì người dân không quan tâm đến tuổi tác mà quan tâm đến năng lực, trình độ.
Trong trường hợp này, ngoài một số yếu tố mà có thể địa phương “áp dụng sáng tạo” thì còn một yếu tố là “con quan” nữa, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Như tôi nói, sự phát hiện, tiến cử, đề cử là một quá trình dài. Tôi chưa có căn cứ thực tế, nhưng Bộ Nội vụ đã đi kiểm tra câu chuyện này xem có hoàn toàn khách quan, vô tư, minh bạch, đúng qui trình hay không.
Còn bây giờ, chúng ta mới chỉ tiếp nhận thông tin qua báo chí, phán đoán sẽ không chính xác.
PV: Trong trường hợp có một tiêu chí là chuyên viên chính nhưng khi bổ nhiệm là lãnh đạo cấp Sở mà không đáp ứng được thì sẽ xử lý như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Cấp ủy có quyền đưa ra những tiêu chí hoặc có thể lấy cái này bù cái khác do nơi đó sử dụng con người.
Ví dụ có nơi bắt ông tiến sĩ đi học cao cấp, nhưng có nơi thì nói “thôi ông đã là tiến sĩ thì chỉ bồi dưỡng vài tháng thôi chứ không cần học cao cấp”. Cấp ủy sử dụng cán bộ đó có quyền áp dụng như vậy.
Chúng ta có khung chung nhưng tùy theo cấp ủy có yêu cầu sử dụng riêng.
Ví dụ, vùng dân tộc có yêu cầu, tiêu chuẩn thấp hơn; ở vùng khó khăn thiếu nguồn, không thu hút được người về thì có tiêu chuẩn khác hơn, ở nơi nguồn dồi dào thì tiêu chuẩn sẽ khó hơn.
PV: Nhưng ở trường hợp này thì thời gian cán bộ cống hiến, công tác thực tế còn rất ít?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Tôi không có thông tin cụ thể trường hợp này, nếu chỉ dựa trên thông tin báo chí mà kết luận thì không khách quan.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: “Trẻ hóa cán bộ không có nghĩa đưa người trẻ lên làm lãnh đạo”
Làm lãnh đạo, ngoài chuyên môn giỏi còn là người dẫn dắt, kiểm soát, quản lý, điều hành một tổ chức, đòi hỏi phải có kinh nghiệm sống, am hiểu tâm lý con người, tiếp xúc với đám đông và có kỹ năng.
Thứ hai là phải có bề dày, kinh nghiệm cuộc sống. Tại sao trong tiêu chuẩn qui định là phải có bao nhiêu năm kinh nghiệm…
Còn tại sao làm cán bộ quản lý phải ở ngạch chuyên viên chính, học cao cấp, thì có nghĩa là trình độ chuyên môn phải cao.
Lãnh đạo một tổ chức thì phải nắm bắt được chuyên môn ở đó đúng hay sai.
Phát huy lớp trẻ không có nghĩa là đưa những người trẻ tuổi vào các vị trí lãnh đạo.
Phát huy sức mạnh của lớp trẻ có nghĩa là anh giỏi về cái gì thì cơ quan, tổ chức phải biết cách bố trí cán bộ vào vị trí đó để bồi dưỡng, chăm sóc để có thể đảm nhận được một cương vị lãnh đạo nào đấy.
Còn nếu không có tố chất làm lãnh đạo thì nhiều người muốn làm chuyên môn. Trẻ hóa phải hiểu ở nhiều khía cạnh, chứ không phải trẻ hóa là đưa những người ít tuổi vào làm lãnh đạo.
Chúng ta hay nhìn vào lý lịch gia đình của một người mới được bổ nhiệm lãnh đạo.
Hãy nhìn rộng hơn, người đó có đủ phẩm chất, trình độ năng lực không, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ không chứ không nên quan tâm nhiều vào xuất thân gia đình.
Bởi vì, cái chính mình chọn người là có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có đủ đức, tài, có tâm.
Nguyên tắc là các địa phương có qui định cụ thể hóa tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo quản lý có thể chỉ đưa thêm những điểm phù hợp địa phương nhưng không được trái với các qui định của pháp luật, của trung ương thì mới đảm bảo một nền hành chính thống nhất.
Điều này có nghĩa là cái gì đã qui định rồi thì phải thực hiện.