Quảng Nam: Cuộc sống chông chênh theo những nhịp cầu phao

Hà Kiều |

(Soha.vn) - Ngày qua ngày, những người dân xóm Gò vẫn phải đánh cược mạng sống của mình trên cây cầu phao đã mục nát.

Nằm lơ lửng giữa bốn bề bao vây bởi sông nước , hơn mấy trăm năm nay, những người dân xóm Gò (thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên và thôn Trà Đình 2, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) chưa được hưởng cuộc sống trọn vẹn lấy một ngày.

Họ chỉ có thể mơ chứ không dám nghĩ đến ngày “ốc đảo” sẽ có cầu. Chiếc cầu phao chông chênh, xập xệ, cũ nát với bao hiểm nguy rình rập là con đường duy nhất dẫn chúng tôi đến xóm nghèo hàng chục năm nay.

Dắt xe, đi bộ qua sông cũng không hết thấp thỏm lo sợ.

Để đến được “ốc đảo” xóm Gò (ở thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên và thôn Trà Đình 2, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) chúng tôi phải qua chiếc cầu phao cũ nát.

Đây được xem là cây cầu phao “chiến lược” trên tuyến đường liên huyện Quế Sơn – Duy Xuyên và giao thương với Phố cổ Hội An và TP.Đà Nẵng, nằm chông chênh giữa miền sông nước Bà Rén.

Trước đây, người dân ở xóm Gò muốn đi ra bên ngoài thì phải đi đò. Năm 1989, người dân trong ốc đảo mới góp tiền lại đẻ xây cây cầu tre một nhịp. Rồi đến năm 2000, người dân lại tích góp và vận động được 170 triệu xây cây cầu phao tạm gọi là “kiên cố” như ngày hôm nay cho gần 1.000 người dân trên đảo đi lại.

Những lỗ hổng khiến người dân rất dễ rớt xuống sông khi đi qua cầu phao.

Cầu phao thì nhỏ nhưng lưu lượng người qua lại quá đông nên cầu phao thường xuyên bị hư hỏng, xuống cấp, xuất hiện nhiều chỗ thủng rất nguy hiểm. Cây cầu dài hơn 70 mét nhưng chỉ rộng có hơn 1 mét. Thành cầu thì lại không có lan can nên đi lại rất dễ rơi xuống sông. Những thanh đà dưới và trên làm bằng gỗ đã bị mục, gãy gục chúi đầu xuống mặt sông. Ván lót mặt cầu hầu hết đã bị bong ra. ½ trong số 180 cái thùng phi lót dưới mặt nước đều bị thủng.

Do đó, ngày nào cũng có người bị sụt ván cầu, hay rớt xuống nước. Việc đi học, đi viện, đi làm luôn bị chậm trễ, đe dọa đến tính mệnh. Thậm chí, khiêng đám ma qua cầu phao thì cả xóm phải tổ chức đóng cọc dọc bên thành cầu để cầu không bị chao đảo. Việc chở hàng hóa qua cây cầu này là điều vô cùng khó khăn.

Đi lại vốn đã thấp thỏm lo âu, việc phục vụ đời sống dân sinh cũng không kém phần khó nhọc và nguy hiểm.

Còn vào mùa lũ, xóm Gò hầu như bị cô lập. Cây cầu phao “đi ngủ đông” để nhường cho chiếc thuyền cũ nát đưa hàng ngàn lượt người qua sông với biết bao nguy hiểm đe dọa. Riêng các em học sinh phải thức dậy từ 4 giờ sáng để ra bến sông chờ đợi đến lượt mình được qua sông đi học.

Người dân cũng đã nhiều lần đóng góp kinh phí sửa chữa cây cầu. Chỉ tính riêng trong năm 2011, người dân đóng góp tiền tu sửa 3 lần gần 50 triệu.

Cầu vốn đã bị hổng nhiều chỗ nhưng lại quá hẹp nên khi 2 xe máy cùng qua cầu thì rất khó tránh né.

Ông Trần Thanh Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành, cho hay: “Xã cũng rất lo lắng về tình trạng hư hỏng của cầu phao nhưng vì điều kiện của xã không thể làm gì hơn.

Xã đã kiến nghị lên cấp trên và cấp trên đã phê duyệt hỗ trợ xây dựng đường cứu hộ đi qua xóm Gò cũng như xây 2 cầu bê tông kiên cố thay thế những cầu phao ở xóm. Nhưng không hiểu vì sao đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai”.

Với người dân xóm Gò do nằm lơ lửng giữa bốn bề sông nước nên họ chỉ có thể mơ chứ không dám nghĩ đến ngày “ốc đảo” sẽ có cầu để thay thế chiếc cầu phao chông chênh, xập xệ, cũ nát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại