Mũ bảo hiểm rởm tràn lan thị trường
Có một thực tế là hiện nay, thị trường mũ bảo hiểm nội địa gần như bị “bỏ ngỏ” trong khâu quản lý. Trong khi chủ các đại lý được ủy quyền hay các cửa hàng bày bán mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng có số lượng còn khá hạn chế thì các cửa hàng (cả vỉa hè) bày bán các loại mũ bảo hiểm rởm, “mũ thời trang” nhái theo dạng mũ bảo hiểm lại "mọc" lên như nấm sau mưa.
Và cũng chỉ khi nào có quy định hay có đợt “ra quân” nào đó thì công tác quản lý mới được cơ quan chức năng chú ý đến, nhưng cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, sau đó tất cả lại vẫn trở về như cũ. Bởi vậy nhiều người nói vui rằng: quản lý thị trường mũ bảo hiểm có khi còn khó hơn quản lý… gái mại dâm.
Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, dạo qua một số tuyến đường như Lê Duẩn - Giải Phóng, Yên Phụ, đường Láng, Nguyễn Khánh Toàn… không khó để nhận ra chỉ vài trăm mét đã có hàng chục điểm bày bán mũ bảo hiểm ngay trên vỉa hè với mức giá bán dao động từ 20 - 50.000 đồng/chiếc, (trong khi mũ chính hãng của Honda, Yamaha có giá bán từ 150.000 - 300.000đồng/chiếc). Mẫu mã, màu sắc của những loại “mũ bảo hiểm vỉa hè” khá bắt mắt với nhiều chủng loại phong phú.
Hầu hết loại mũ bảo hiểm này chỉ có lớp nhựa và lớp vải lót mỏng bên trong, không hề có bất kỳ một nhãn tem đăng kiểm hay chỉ số sản xuất nào. Bên ngoài mũ được sơn nhiều loại màu và dán nhiều nhãn mác, biểu tượng khác nhau.
Chị Nguyễn Thị Hà, chủ cửa hàng bán mũ bảo hiểm ở số 30 Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Mỗi ngày cửa hàng của tôi bán được 30 - 50 chiếc với giá từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc. Khách mua chủ yếu là thanh niên bởi họ thích mẫu mã đẹp, rất hợp thời trang mà giá bán cũng phải chăng”.
Ngoài ra, chủ cửa hàng cho biết thêm: “Lúc mới nhập về mũ bảo hiểm còn ở dạng thô, chỉ có sơn màu. Nhãn mác, biểu tượng thì sau đó mới dán vào. Nhãn hiệu dán vào mũ bảo hiểm thường là tên các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới hoặc biểu tượng của các đội bóng như MU, Arsenal, Chelsea,… Ngoài ra có thể dán các hoa văn khác cho đẹp thì mới thu hút được người mua”.
Khó kiểm soát và xử lý
Một chủ cửa hàng bán mũ bảo hiểm rởm ở đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) tiết lộ: Mũ bảo hiểm bày bán ở Hà Nội hiện nay chủ yếu được nhập từ hai nơi về: một số được vận chuyển từ trong TP. HCM ra, còn lại chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Giá sau khi đã vận chuyển qua biên giới để vào Việt Nam dao động từ 4.000 - 7.000 đồng/chiếc. Nếu mua với số lượng nhiều thì giá còn rẻ hơn. Mũ bảo hiểm rởm được nhập về theo đường tiểu ngạch, tập kết tại một số điểm ở Lạng Sơn, rồi sau đó được các tiểu thương “xé lẻ” để phân phối đi các tỉnh.
Khi về các tỉnh thành, qua nhiều khâu trung gian khác nữa, giá mũ bảo hiểm rởm khi đến tay người mua sẽ tăng lên thành 20.000 - 60.000 đồng/chiếc, thậm chí còn cao hơn.
Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, ông Nguyễn Thắng Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn lại cho rằng: “Không có chuyện mũ bảo hiểm rởm được buôn lậu qua biên giới. Có thì chúng tôi phải biết chứ. Trong số các vụ buôn hàng lậu bị bắt từ trước đến nay, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào buôn lậu mũ bảo hiểm rởm qua biên giới cả”.
Trong khi đó, ông Tô Sơn Hồng - Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 12 (Thanh Xuân, Hà Nội) thì thừa nhận: “Vấn đề mũ bảo hiểm giả, mũ kém chất lượng bày bán trên thị trường đã có từ lâu rồi thành ra giờ rất khó kiểm tra, kiểm soát và xử lý”.
“Cơ quan quản lý thị trường cũng có nhiều lần tiến hành kiểm tra, xử lý nhưng không thể hết vì số lượng các cơ sở bày bán mũ bảo hiểm không có nhãn mác quá nhiều. Mặt khác, đa phần những điểm bày bán MBH loại này thường ở các nơi như vỉa hè, trên cầu,… nên khá cơ động, hôm nay bị xử lý nơi này thì hôm sau họ lại chuyển đến địa điểm khác để bày bán”, ông Hồng cho biết thêm.
Cần phạt cả người sử dụng lẫn người sản xuất, kinh doanh
Ông Vương Ngọc Tuấn – Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas): Nếu chỉ xử phạt nặng những người sử dụng mũ bảo hiểm rởm, mũ kém chất lượng mà không xử phạt những cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm rởm thì đó là một sự thiếu công bằng và không triệt để.
Để cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm rởm tràn lan, không kiểm soát được chất lượng thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về các cơ quan chức năng đã làm không tốt vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình. Chỉ lo phạt người dân đội mũ bảo hiểm rởm thì chẳng khác gì cơ quan chức năng đã “đá quả bóng trách nhiệm” sang người tiêu dùng.
Theo tôi, để kiểm soát và thắt chặt quản lý thị trường mũ bảo hiểm hiện nay, các cơ quan chức năng cần tiến hành xử phạt cả người sử dụng lẫn người sản xuất, kinh doanh mũ rởm. Có như vậy mới đảm bảo được tính triệt để và công bằng trong cơ chế xử phạt.