Quan chức ở nơi từng là “điểm nóng” đa cấp chỉ rõ 3 kẽ hở luật

Gia Bảo |

Cán bộ Sở công thương tỉnh Thái Bình và Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An “ngao ngán” nói về đa cấp biến tướng, những kẽ hở trong luật về kinh doanh đa cấp.

Nhiều năm gần đây, dư luận, báo chí đề cập nhiều đến những biến tướng trong các hoạt động kinh doanh đa cấp.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng phòng Quản lý thương mại của Sở Công thương tỉnh Thái Bình – nơi từng được xem là điểm nóng về bán hàng đa cấp cho hay, sở dĩ đa cấp biến tướng một phần là do… kẽ hở trong luật.

“Hoạt động bán hàng đa cấp thực hiện theo Luật cạnh tranh, Nghị định 42 của Chính phủ và Thông tư 24 của Bộ Công thương”, ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, việc quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp là do Bộ Công thương quản lý. Sở Công thương các tỉnh chỉ quản lý các doanh nghiệp bán hàng đa cấp thông qua thông báo Bộ gửi về.

Từ khi Nghị định 42 của Chính phủ ra đời từ 15/4/2014 đến nay, các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp làm thủ tục cấp giấy đăng ký chứng nhận qua Bộ và chỉ thông báo tới Sở Công thương các tỉnh.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, nếu doanh nghiệp đủ hồ sơ, thủ tục, các Sở sẽ xác nhận cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

“Thông thường chúng tôi nhận được thông báo gồm các thông tin: Tên đơn vị, tên người đại diện pháp luật…của doanh nghiệp tổ chức bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh, cùng với đó là giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp do Bộ cấp”, ông Hoàng nói thêm.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu…

Nói về các kẽ hở trong luật quản lý kinh doanh đa cấp, ông Hoàng cho rằng, thông tư 24 của Bộ Công thương quy định việc xác nhận địa điểm kinh doanh đa cấp “rất thoáng”. Nếu có thì doanh nghiệp ghi vào còn nếu không thì cũng không cần giới thiệu địa điểm.

Ông Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng phòng Quản lý thương mại của Sở Công thương tỉnh Thái Bình – nơi từng được xem là điểm nóng về bán hàng đa cấp.
Ông Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng phòng Quản lý thương mại của Sở Công thương tỉnh Thái Bình – nơi từng được xem là "điểm nóng" về bán hàng đa cấp.

“Để việc quản lý được sâu sát, trước khi xác nhận, chúng tôi đề nghị doanh nghiệp cho biết địa điểm họ hoạt động ở đâu. Không thể nói chung chung là trên địa bàn tỉnh Thái Bình vì khi có vấn đề gì xảy ra chúng tôi biết hỏi ai, tìm ai?

Chúng tôi lại phải đi thuyết phục để doanh nghiệp hiểu rằng không phải chúng tôi đặt ra quy định gì trái luật mà làm thế để tạo thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn. Luật nói “nếu có” thì chúng tôi nói “nên có”, ông Hoàng nêu quan điểm.

Cũng theo ông Hoàng, ban đầu họ phản ứng ghê lắm vì bản chất của bán hàng đa cấp là hình thức bán lẻ trực tiếp, từ nhà sản xuất tới tay người mua nên việc có địa điểm, văn phòng hay không không bắt buộc.

Kẽ hở luật thứ hai ông Hoàng chỉ ra là trong Nghị định 42 có quy định: Người bán hàng đa cấp tổ chức, dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia là bất chính, là vi phạm.

“Thế nhưng như thế nào là dụ dỗ? Chuẩn mực như thế nào thì luật chưa cụ thể hóa, lượng hóa. Ví dụ như, công ty đa cấp mời người khác đi uống nước để nói chuyện thì có phải là dụ dỗ không?”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Cuối cùng, vị cán bộ này cho rằng việc tổ chức hội nghị, hội thảo, luật không quy định cụ thể về thời gian.

“Thời gian bắt đầu thì có, nhưng không có thời gian kết thúc. Nếu họ cứ kéo dài từ ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác thì công tác kiểm tra, kiểm soát, đánh giá theo từng kỳ của công tác này như thế nào?

Có thời gian cụ thể mới quản lý được chứ nếu chỉ xác nhận cho họ 1 lần, họ hoạt động từ ngày này sang tháng khác thì công tác quản lý rất khó”, ông Hoàng khẳng định.

"Phải tìm cho ra cách triệt hạ biến tướng đa cấp"

Khi được hỏi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm: “Biến tướng đa cấp xảy ra nhiều rồi tại sao các cơ quan chức năng không có cách nào chấm dứt nó?!

Đó là vấn đề ai cũng biết. Ngày xưa họ chỉ bán một vài loại thực phẩm chức năng, còn giờ bán cả thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…

Nói nhiều nó cũng nhạt, giờ phải tìm cho ra cách triệt hạ biến tướng đa cấp”.

Lao vào các công ty kinh doanh đa cấp bất chính, nhiều người bị thiệt hại nặng nề. (Ảnh: Long Nguyễn)
Lao vào các công ty kinh doanh đa cấp bất chính, nhiều người bị thiệt hại nặng nề. (Ảnh: Long Nguyễn)

Trên thực tế, ông Hoàng cho hay việc quản lý đa cấp ở các địa phương không hề đơn giản. Vướng mắc lại chính ở các kẽ hở luật.

“Luật cần quy định rõ, nếu doanh nghiệp về tổ chức bán hàng đa cấp ở địa phương thì phải có địa điểm liên hệ giao dịch, chứ giờ chỉ có mỗi người liên hệ, gọi điện họ nói em đang ở nước ngoài, thế là chịu luôn.

Cơ quan chức năng muốn đến làm việc thì trụ sở chính lại ở TP. HCM, Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cấp giấy chứng nhận, chẳng hạn có những việc đơn thuần chúng tôi lại phải cất công vào TP. HCM ư?

Đầu mối hỗ trợ các Sở Công thương trong việc này là Cục quản lý cạnh tranh, nhưng nếu chờ họ phúc đáp công văn, giải quyết vấn đề thì mất thời gian lắm.

Không gì bằng có địa chỉ ở đây để chúng tôi làm việc luôn. Nhiều khi gọi điện hai người ngồi cách nhau bức tường, nhưng họ nói em đang ở Sài Gòn.

Muốn quản lý đa cấp tốt hơn phải lượng hóa nó đi, không trừu tượng, không chung chung kiểu khái niệm “dụ dỗ” nữa”, ông Hoàng phân tích.

Khẳng định trong tương lai, hoạt động bán hàng đa cấp vẫn phát triển, dù không rầm rộ, nhưng có lộ trình, ông Hoàng cho rằng muốn quản lý cần sự chặt chẽ trong các quy định của pháp luật, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các hàng rào kỹ thuật…

“Trước đây, khi Nghị định 110 của Chính phủ còn hiệu lực, mức ký quỹ cho các hoạt động kinh doanh đa cấp chỉ có giá trị 1 tỷ đồng.

Nhưng giờ đây ký quỹ đã nâng lên 5 tỷ đồng để tránh các hiện tượng kinh doanh đa cấp bất chính, bồi thường cho những người bị hại khi tham gia mạng lưới. Tôi nghĩ 5 tỷ đồng đảm bảo là đủ để giải quyết sự cố”, ông Hoàng nhấn mạnh.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại