Sáng nay (27/2), tại Hội trường UBND tỉnh Đồng Tháp, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị bàn về sản xuất tiêu thụ lúa, thủy sản vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên hơn 2/3 thời gian Hội nghị tập trung tìm hướng phát tiển bền vững cho hạt gạo Việt Nam cũng như những vấn đề còn vướng trong cánh đồng mẫu đang xây dựng tại các tỉnh ĐBSCL.
Trong vụ đông xuân 2012 – 2013, các tỉnh ĐBSCL gieo sạ khoảng 1,53 triệu ha, giảm 46.000 ha. Tính đến ngày 22/02, các tình ĐBSCL thu hoạch khoảng 400.000 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 66,5 tạ/ha. Và nếu tính đến ngày 28/02 diện tích thu hoạch sẽ đạt 700.000ha, sản lượng sẽ đạt khoảng 4,7 triệu tấn.
Điều đáng mừng, sau 5 ngày triển khai thu mua lúa tạm trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giá lúa thường (IR50404) tăng lên từ 4.350 – 4.400 đồng/kg; lúa chất lượng cao ở khoảng 4.600 – 4.900 đồng/kg; lúa thơm từ 5.200 – 5.300 đồng/kg.
Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương cần chủ động, tìm mọi cách để giúp dân thu hoạch lúa, tránh để tình trạng khan hiếm máy gặt lúa chín rục sẽ gây thất thoát cho bà con nông dân.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết tính đến ngày 26/2, Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo đạt 2,3 triệu tấn. Nếu cộng thêm số lượng 700.000 tấn tồn kho của năm 2012 chuyển sang, đến giờ này Việt Nam đã ký được hợp đồng XK đạt 3 triệu tấn, trong đó, số lượng hợp đồng sẽ giao trong 6 tháng đầu năm nay dự kiến đạt 3,5 triệu tấn. Như vậy tình hình xuất khẩu gạo tạm ổn trong 2 quý đầu. Còn sang quý III, IV sẽ có những khó khăn đang trực chờ khi Thái Lan vẫn còn khoảng 16 triệu tấn gạo trong kho.
Ngoài ra, trả lời câu hỏi bào chí vì sao giá thu mua lúa của nông dân tại đồng vẫn còn thấp, ông Phong cũng cho biết, với giá mua lúa như hiện nay là phù hợp với giá quốc tế, nếu tăng giá thêm các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp khó về đâu ra khi các đối thủ như: Ấn Độ, Pakistan và Myanmar đang cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam từng giờ.
Sau 5 ngày VFA triển khai thu mua lúa gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, giá thu mua lúa có phẩm cấp thấp như IR50404 tăng lên từ 100 – 200 đồng/kg, các giống lúa thơm tăng lên từ 200 – 300 đồng/kg.
Tuy nhiên theo tính toán của bà con nông dân trồng lúa ở ĐBSCL, với năng suất khoảng 7,5 tấn/ha cộng với giá bán 4.200 – 4.300 đồng/kg (lúa IR 50404 tươi), thì lợi nông dân khổn thể đạt lợi nhuận 30% như chỉ đạo của Chính phủ.
Ngoài bất cập về giá cả mỗi khi đến vụ thu hoạch, đại diện lãnh đạo các tỉnh như Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang đều thừa nhận chủ trương xuống giống đồng loạt, tập trung hiện nay là một nổi khổ của bà con nông dân khi khi lúa chín đầy đồng mà thiếu máy gặt trầm trọng, dẫn đến tình trạng lúa chín rục, đến khi thu hoạch được hoặc phải thuê nhân công thu hoạch, tỷ lệ thất thoát, chi phí tăng lên đáng kể nhưng phần chênh lệch này lại không được tính vào giá thành thành sản xuất.
Để hạt gạo Việt Nam tiếp tục vươn xa, tìm chỗ đứng trên thị trường, theo ông Huỳnh Văn Thoàng – Tổng giám đốc công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang: “Mô hình cánh đồng mẫu lớn là mô hình đúng đắn, kịp thời, chúng ta không cần bàn luận.
Tuy nhiên trong chuỗi làm tăng giá trị hạt gạo của Việt Nam, giúp bà con đạt lợi nhuận trên 30% sau thu hoạch thì có một khâu cần Chính phủ quan tâm là khâu sấy lúa.
Khâu này vừa giúp nông dân trữ được lúa dài hạn (bà con chờ giá lên thì bán) bán được giá cao, vừa giúp các doanh nghiệp mua được lúa khô đạt độ ẩm xuất khẩu, nâng chất lượng hạt gạo, tăng sức cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường lúa gạo hiện nay”.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tổng kết hội nghị: Sau 5 ngày triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã có tác động tích cực, giá lúa tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, việc triển khai thu mua lúa cho nông dân còn chậm dẫn đến tình trạng các thương lái không đến thu mua lúa gây khó khăn cho nông dân. Trong lúc thời tiết đang thuận lợi, các địa phương cần chủ động, giúp bà con thu hoạch lúa kịp thời nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch…
Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ngoài việc duy trì và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu gạo thì cần nắm bắt thị hiếu của khách hàng để cập nhật giống lúa gieo sạ cho phù hợp, góp phần tăng chuỗi giá trị cho hạt gạo Việt Nam, tiếp tục vươn xa trên thị trường thới giới.
Riêng lĩnh vực thuỷ sản, đặc biệt là con cá tra và con tôm, Phó Thủ tướng lưu ý đến các địa phương cần tổ chức quy hoạch lại vùng nuôi, con giống và thuốc thủy sản… tuân thủ các quy định về chất lượng cũng như các qui định trong thương mại của quốc tế để tránh những vụ kiện đáng tiếc như con cá tra, con tôm thời gian qua.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: Thuỷ sản Việt Nam thời gian qua gặp khó là có 3 nguyên nhân cơ bản, đó là rào cản kỹ thuật Ethoxyquin từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, kiện chống trợ cấp đối ở thị trường Mỹ; dịch bệnh trên tôm và thiếu vốn sản xuất dẫn đến hệ luỵ là hiện nay bắt đầu khan hiếm nguyên liệu, một số doanh nghiệp đã phải nhập khẩu tôm nguyên liệu để chế biến.
Riêng với con cá tra, việc cung, cầu nguyên liệu trong quí I sẽ không thiếu, tuy nhiên, sang quý II sẽ xuất hiện tình trạng khan hiếm nguyên liệu.
Chính những khó khăn nêu trên, Vasep chỉ hy vọng xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 nếu đạt 6 - 6,5 tỉ đô la Mỹ là đã thành công.