Thời gian gần đây, người dân làng Thọ Sơn, xã Thiệu Châu (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) rất bức xúc khi bị bắt ép phải đóng tiền để tu bổ, sửa chữa di tích tại địa phương. Bởi theo họ, đây là quyết định “vô lý” và “sai với quy định của Nhà nước”.
Theo phản ánh của người dân, đình làng Thọ Sơn được xây dựng vào năm 1869 thời vua Tự Đức, từ đó đến nay đã được sửa chữa nhiều lần do bị xuống cấp. Đình được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp bằng xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 2010. Đây là di tích cấp tỉnh và do tỉnh quản lý và hiện nay di tích này đã bị xuống cấp.
Tuy nhiên, trước tình trạng xuống cấp của di tích, thay vì báo cáo cho các cơ quan chức năng để có biện pháp can thiệp thì ông Lê Đăng Minh – trưởng thôn Thọ Sơn – lại tự ý gọi thợ đến và quyết định… lập phương án và thu tiền để sửa chữa.
Điều đáng nói là, việc thu tiền người dân có nhiều dấu hiệu sai phạm: ép tất cả mọi người dân trong làng phải đóng góp, kể cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và các cụ già đã bảy, tám mươi tuổi, trong khi theo quy định của pháp luật thì những trường hợp trên không có nghĩa vụ phải đóng góp.
Khi đến trụ sở UBND xã Thiệu Châu để liên hệ làm việc về vấn đề này, nhiều phóng viên đã rất ngạc nhiên bởi nhìn đồng hồ mới 10h12 nhưng trụ sở UBND xã đã vắng hoe, một số phòng làm việc đã khóa cửa.
Trụ sở ủy ban xã Thiệu Châu.
Theo quan sát của chúng tôi, dù chưa hết giờ hành chính nhưng cửa phòng của nhiều bộ phận chuyên môn phụ trách ở xã Thiệu Châu đã khóa cửa. Khi được hỏi, một cán bộ xã cho biết các đồng chí ấy bận chút việc riêng nên… về sớm.
Hỏi thăm một số người dân địa phương có mặt ở trụ sở ủy ban xã lúc đó, họ giảng giải: Trước kia, thông thường xã chỉ làm việc vào buổi chiều, nhiều khi buổi sáng, Chủ tịch xã có khi còn không đến trụ sở. Người dân có việc cần xin dấu đều phải đợi đến chiều, nhiều khi lỡ việc và cảm thấy rất phiền phức nhưng... đã quen.
Trong khi làm việc với chúng tôi tại trụ sở UBND xã, ông Lê Đức Thước - Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Châu không hề đeo thẻ công chức nhà nước theo như quy định. Khi được hỏi thì ông Thước thản nhiên trả lời: "Quê tôi như thế!".
Ngoài ra, theo quy định của nhà nước thì cán bộ, công chức, viên chức đều phải đeo thẻ bởi đây là công cụ để nhận biết và xác định vị trí, chức danh của từng cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, các cán bộ công chức của xã Thiệu Châu khi làm việc đều không hề đeo thẻ như quy định.
Khi làm việc với phóng viên, cả ông Chủ tịch UBND xã và Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Châu đều không hề đeo thẻ công chức. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Lê Đức Thước – Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Châu thản nhiên trả lời: “Quy định thì có, nhưng quê tôi như thế!”.
Trả lời PV về vấn đề huyện có yêu cầu cán bộ công chức xã đeo thẻ công chức khi làm việc hay không, ông Lê Xuân Đào – Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: “Đúng ra theo quy định của nhà nước là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải đeo thẻ khi làm việc. Nhưng hiện nay nhiều đơn vị (tức các xã trên địa bàn huyện Thiệu Hóa – PV) không đeo”.
Đặc biệt là ngay khi trả lời với chúng tôi tại trụ sở UBND huyện về vấn đề quy định đeo thẻ công chức, dù đang trong giờ hành chính, nhưng chính ông Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cũng… “quên” luôn việc mình phải đeo thẻ theo như quy định của nhà nước.
Cán bộ, công chức, viên chức phải đeo thẻ khi làm việc
Trong Điều 3 “Quy định chung về thẻ cán bộ, công chức, viên chức” của Quyết định số 06/2008/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ có hiệu lực từ ngày 22/12/2008 có quy định rất rõ ràng về việc cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải đeo thẻ khi làm việc:
1. Thẻ cán bộ, công chức, viên chức là công cụ để nhận biết và xác định vị trí, chức danh của từng cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Thẻ cán bộ, công chức, viên chức phải có tên cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; ảnh, họ và tên, chức vụ hoặc chức danh công việc của cán bộ, công chức, viên chức; mã số thẻ.
3. Thẻ cán bộ, công chức, viên chức được làm bằng chất liệu giấy hoặc plastic. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng thẻ từ hoặc thẻ có gắn chíp điện tử để tăng thêm hiệu quả sử dụng.
Ngoài ra, trong Khoản 1, Điều 6 của Quyết định này cũng quy định rất rõ: Cán bộ, công chức, viên chức phải đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.