“Ép” dân đóng tiền để trùng tu di tích
Thời gian gần đây, người dân làng Thọ Sơn, xã Thiệu Châu (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) rất bức xúc khi bị bắt ép phải đóng tiền để tu bổ, sửa chữa di tích tại địa phương. Bởi theo họ, đây là quyết định “vô lý” và “sai với quy định của Nhà nước”.
Theo phản ánh của người dân, đình làng Thọ Sơn được xây dựng vào năm 1869 thời vua Tự Đức, từ đó đến nay đã được sửa chữa nhiều lần do bị xuống cấp. Đình được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp bằng xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 2010. Đây là di tích cấp tỉnh và do tỉnh quản lý. Tuy nhiên, hiện nay di tích này đã bị xuống cấp.
Đình làng Thọ Sơn được xây dựng vào năm 1869 (dưới thời vua Tự Đức), đã được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Ông Lê Duy Đới (68 tuổi), người trực tiếp trông coi di tích đình làng Thọ Sơn cho biết: “Đình làng Thọ Sơn đã được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2010. Tuy nhiên, hiện nay di tích này đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay một số hạng mục trong đình như cột, mái, các phù điêu kiến trúc bằng gỗ đã bị mọt, nhiều cái đã bị mục ruỗng. Đặc biệt là vào những ngày mưa, do nền di tích thấp và phần mái che bị dột nên nước mưa chảy vào khiến bên trong di tích luôn luôn bị ẩm ướt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hạng mục”.
Cũng theo ông Đới, các hạng mục trong di tích đình Thọ Sơn hiện nay đã không còn được như trước kia, bị thiếu đi nhiều. “Trước kia đình làng còn có cửa hậu, có kiệu ông, kiệu bà, có các phù điêu đầu rồng làm bằng gỗ nhưng đến nay đã không còn nữa”, lời ông Đới.
Tuy nhiên, trước tình trạng xuống cấp của di tích, thay vì báo cáo cho các cơ quan chức năng để có biện pháp can thiệp thì ông Lê Đăng Minh – trưởng thôn Thọ Sơn – lại tự ý gọi thợ đến và quyết định… lập phương án và thu tiền để sửa chữa.
“Ông Minh tự ý gọi một ông “thợ vườn” ở nơi khác đến và đưa thợ đi xem qua tình trạng xuống cấp di tích. Sau khi đến đình xem xong, ông thợ đó bảo tổng chi phí trùng tu lại di tích hết khoảng 1 tỷ đồng. Sau đó, ông Minh họp làng và thông báo tổng chi phí trùng tu lại đình hết 1 tỷ dồng và yêu cầu người dân đóng tiền”, ông T (xin giấu tên), một người dân làng Thọ Sơn (xã Thiệu Châu) nói.
Theo ông T, việc thu tiền để trùng tu di tích sẽ diễn ra trong 2 năm (từ 2013 đến 2014), thời điểm thu là sau vụ thu hoạch lúa (2 năm là 4 vụ), với mức thu mỗi người dân trong làng phải đóng là 400.000 đồng/người. Cũng theo ông T, điều khiến người dân khó hiểu và bức xúc là tại sao một di tích cấp tỉnh do tỉnh quản lý mà trưởng thôn lại đứng ra thu tiền dân để sửa chữa.
“Không những thế, việc thu tiền người dân có nhiều dấu hiệu sai phạm: ép tất cả mọi người dân trong làng phải đóng góp, kể cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và các cụ già đã bảy, tám mươi tuổi, trong khi theo quy định của pháp luật thì những trường hợp trên không có nghĩa vụ phải đóng góp”, ông T bức xúc nói.
Qua tìm hiểu được biết, khi biết việc thu tiền với danh nghĩa là “trùng tu, sửa chữa di tích” đình Thọ Sơn nói có nhiều dấu hiệu “mập mờ” và trái với quy định của nhà nước, nhiều người dân làng Thọ Sơn (xã Thiệu Châu, Thiệu Hóa) đã không đóng tiền. Tuy nhiên, đối với những trường hợp các hộ dân không đóng tiền, đều bị “ghi nợ” vào sổ nộp sản (các chi phí đóng góp của thôn) và bị dọa “cắt” chứng nhận “gia đình văn hóa”.
Thu tiền sai quy định, xã vẫn “bao che”?
Trao đổi với chung tôi về vấn đề tự ý thu tiền người dân trái nguyên tắc để trùng tu di tích đình làng Thọ Sơn khiến người dân bức xúc, ông Lê Đức Thước – Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Châu thừa nhận có vụ việc trên.
Tuy nhiên, về việc thu tiền sai quy định và việc tự ý “lập dự án” để tu bổ, sửa chữa di tích trái với quy trình và thẩm quyền của trưởng thôn Thọ Sơn, ông Thước lại một mực khẳng định “trưởng thôn đã làm đúng” và khẳng định “việc thu tiền người dân nói trên đã được xã thông qua và cho phép” (!)
Ông Lê Đức Thước - Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Châu: "Nói chung vấn đề này nói ổn là ổn mà nói không ổn là không ổn" (!)
“Theo quy trình, xã sẽ báo cáo xin huyện, khi huyện cho phép thì sẽ làm. Đó là quy trình của nhà nước, còn đối với địa phương thì chúng tôi chủ động triển khai giữ gìn di tích đó. Ở đây, chúng tôi vừa báo cáo, vừa triển khai, để khi người ta (cơ quan chức năng - PV) thống nhất quan điểm và cho phép thì ở đây đã làm rồi. Trước nay chúng tôi vẫn làm như thế”, ông Thước nói.
Ông Thước khẳng định: “Nói chung vấn đề này nói ổn là ổn mà nói không ổn là không ổn. Vì nói không ổn là về khía cạnh một số người chưa thống nhất, còn nói ổn rồi là vì hầu hết đa số phục tùng, thiểu số phải phục tùng đa số, khi đã được nhân dân đồng thuận rồi thì đó mới là chủ trương”.
“Đình làng Đắc Châu trước kia đấy, nhân dân người ta cũng tự xây, xã hội hóa, đến nay đã làm xong rồi, trị giá trên 3 tỷ đồng. Cho đến giờ phút này công trình đó đã được đưa vào quyết toán rồi. Còn công trình thứ hai cũng được cấp tỉnh công nhận là di tích kiến trúc văn hóa đó là đình làng Thọ Sơn. Cái đình này Đảng bộ cũng đã thống nhất đưa vào cái nghị quyết là trùng tu phục sửa lại, cụ thể là bằng giá nào cũng phải phục sửa, vì nó thuộc vào di tích rồi.
Cho nên cái này đã có chủ trương và thường vụ đã xuống làm, dự họp, trước hết là với ban quản lý, ban xây dựng đình đền trên đó, thứ hai họp đến liên chi bộ, thứ ba là họp toàn bộ nhân dân, các việc đã làm trên tinh thần đúng theo quy trình như thế”, ông Thước cho biết.
Về việc thu tiền người dân được cho là “trai với quy định” của Nhà nước, cụ thể là thu tiền từ trẻ em 6 tháng tuổi đến các cụ già đã 70, 80 tuổi (không thuộc đối tượng có nghĩa vụ phải đóng góp) thì ông Thước lại giải thích rằng: “Thu 400.000 đồng/người, thu trong 4 vụ để người ta đóng góp theo từng vụ (100.000 đồng/người/vụ), theo từng nhân khẩu. Cái này thu hết, bởi đây là… tâm linh. Đối tượng thu tiền kể các trường hợp chính sách xã hội, tàn tật linh tinh…”.
“Sai nghiêm trọng”
Luật sư Giáp Văn Điệp – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Fanci (Bắc Giang): “Việc thôn và xã thu tiền của người dân để trùng tu, sửa chữa di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, mà không thông qua và không được Sở VH-TT&DL phê duyệt như trên là sai. Việc chính quyền địa phương “tận thu” cả trẻ em 6 tháng tuổi, người già yếu đã mất sức lao động, người tàn tật,… cũng là sai nghiêm trọng. Bởi những đối tượng trên theo quy định của Nhà nước không thuộc đối tượng phải có nghĩa vụ đóng góp vì chưa đến tuổi hoặc đã quá tuổi lao động, trẻ em 6 tháng tuổi thì chưa có quyền công dân, hay như người tàn tật thì không có khả năng lao động, thậm chí còn được miễn giảm đóng góp”.
PV tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc trên…