Phó Chủ tịch UBATGT QG: "Tôi đã nhờ vợ đến đón khi uống rượu bia"

Hoàng Đan |

Ông Khuất Việt Hùng khẳng định, khi đã uống rượu bia xong thì ông sẽ không lái xe mà sử dụng các phương tiện khác như taxi hay gọi người nhà đến đón.

"Tài xế say rượu giống người mất kiểm soát cầm dao chém lung tung"

Trao đổi tại Hội thảo "Tịch thu phương tiện: pháp lý và thực tiễn", Phó CT chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGT QG) Khuất Việt Hùng nói, việc tịch thu xe của người vi phạm là đề xuất xử lý mạnh chưa từng có ở VN với vấn đề rượu bia.

"Chúng ta vẫn hay lấy ví dụ, người say rượu lái xe giống như một người mất kiểm soát cầm dao vào trong chợ chém lung tung.

Thực tế, không có xe điên mà chỉ có người lái xe mất kiểm soát điều khiển phương tiện. Rõ ràng, trong trường hợp này, việc uống rượu bia sẽ gây mất an toàn đến chính người điều khiển phương tiện.

Nhưng hơn thế, nó uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn xã hội", ông Hùng nói.

Để thuyết phục cho đề xuất của UB ATGT QG, ông Hùng cho biết, trong 5 năm trở lại đây, Bộ Giao thông vận tải có những kết nối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều tổ chức khác để khảo sát về vấn đề uống rượu bia và tai nạn giao thông.

Ảnh minh họa.

CSGT tiến hành đo nồng độ cồn của lái xe. Ảnh minh họa.

“Kết quả khảo sát của WHO cho thấy, 67% lái xe ô tô gây tai nạn giao thông (TNGT) có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép; 36% tai nạn xe máy cũng do nồng độ cồn quá mức cho phép”, ông Hùng nói thêm.

Đưa ra dẫn chứng ông Hùng cho biết, trong 2 vụ TNGT nghiêm trọng nhất gần đây xảy ra ở Hưng Yên làm 5 người chết; vụ TNGT ở Cao Bằng làm 3 người chết, đều có vi phạm về nồng độ cồn.

Hay 317 người chết vì TNGT trong 9 ngày Tết, tăng hơn năm trước 35 người, mức độ nghiêm trọng cao hơn, có nguyên nhân chủ yếu do sử dụng rượu, bia…

Cũng theo ông Hùng, trong tháng 2 vừa qua, cả nước xử lý 17.500 trường hợp lái xe có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, là mức xử lý cao nhất từ trước đến nay.

"Hành vi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi say xỉn là hành vi đặc biệt nguy hiểm, uy hiếp an toàn của chính người vi phạm và đặc biệt là uy hiếp an toàn xã hội, những người xung quanh.

Chúng tôi đề xuất hình thức xử phạt là tịch thu phương tiện vi phạm ở một số hành vi nguy hiểm để ngăn ngừa những hành vi này xảy ra.

Mục đích của hình thức xử phạt nặng là để giáo dục, răn đe người dân, tạo cho người dân ý thức không vi phạm giao thông, ngăn ngừa những hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm", ông Hùng cho hay.

 

pct chuyên trách ubatgtqg
khuất việt hùng
Tôi đã uống rượu bia thì tôi không lái xe mà có thể đi bằng các phương tiện khác. Tôi nhớ rằng, lần gần nhất tôi uống rượu và có nguy cơ phải lái xe thì tôi đã không lái mà gọi điện cho vợ tôi đến đón.

Ông Hùng cũng bày tỏ, việc tịch thu xe cũng có thể giảm ngay vấn nạn lái xe say xỉn gây tai nạn giao thông

"Chúng tôi khẳng định trong quá trình xây dựng đề xuất, chúng tôi đã nghiên cứu cơ sở pháp lý. Hiện nay quy định về quyền sở hữu tài sản Hiến pháp đã quy định rất rõ.

Nhưng điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định về việc tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm, những hành vi vi phạm hành chính uy hiếp gây nguy hiểm cho xã hội cao. 

Cho nên lần này với nồng độ cồn trong máu chúng tôi kiến nghị nặng như vậy", ông Hùng nói thêm.

Đồng thời, ông Hùng cũng cho biết thêm, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp nhận ý kiến đề xuất tịch thu phương tiện trên để sửa đổi, bổ sung trình Thủ tướng xem xét.

Chỉ nên là hình phạt bổ sung? 

Đề cập đến vấn đề pháp lý có cho phép tịch thu phương tiện, ông Nguyễn Sỹ Cương (Đại biểu Quốc hội) khẳng định cá nhân ông ủng hộ đề xuất chế tài mạnh, trong đó có giải pháp tịch thu xe.

Tuy nhiên, ông Cương cũng cho rằng, để giải pháp tịch thu xe trở nên khả thi, đề xuất nêu trên cần phải tiếp tục nghiên cứu, bàn luận.

 
Đại biểu nguyễn sỹ cương
Còn nếu cho rằng, đề xuất này được thực hiện thì cũng chỉ làm lực lượng cảnh sát giao thông tiêu cực thì không phải, chống tiêu cực thì bằng giải pháp khác, nếu không, chúng ta sẽ không thực hiện được giải pháp nào cả.

"Ví dụ luật xử lý vi phạm hành chính cho phép tịch thu phương tiện đối hành vi nghiêm trọng với lỗi cố ý. Nếu trong luật quy định chưa rõ thế nào là nghiêm trọng thì trong nghị định phải xác định, quy định rõ.

Có thể nói uống rượu bia mà điều khiển giao thông thì đó là hành vi nghiêm trọng, vì mất kiểm soát mà lái xe ra đường có thể “giết” một người hay nhiều người thì sao không thể coi đó là nghiêm trọng”, ông Cương nói.

Ông Cương cũng cho hay, với những băn khoăn về đề xuất này còn chưa khả thi, liên quan đến vấn đề sở hữu, liên quan đến người thứ 3, liên quan đến Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, đây là những vấn đề cần tiếp tục phải bàn.

Còn Tiến sĩ Trần Hữu Minh, chuyên gia với 10 năm kinh nghiệm về quy hoạch giao thông tại Anh nêu ý kiến, chỉ nên tịch thu xe nếu lái xe tái phạm vi phạm nồng độ cồn

Theo ông Minh, có thể áp dụng chế tài tịch thu xe đối với lái xe tái phạm vi phạm nồng độ cồn khi lái xe; lái xe vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, như nồng độ cồn cho phép là 80mg/100ml máu mà nồng độ cồn của lái xe gấp 3-4 lần nồng độ cho phép.

"Tức là lúc đó anh đã hoàn toàn mất kiểm soát, có thể gây tai nạn “giết” bất cứ ai trên đường thì phải tịch thu xe ngay; lái xe chống người thi hành công vụ, không dừng xe để đo nồng độ cồn, tức là coi thường kỷ cương”, ông Minh đề xuất.

Đồng quan điểm về việc tịch thu xe chỉ nên áp dụng với lái xe tái phạm vi phạm nồng độ cồn, ông Ngô Dương (Viện Nhà nước pháp luật) khẳng định, vấn đề gây tranh cãi liên quan đến đề xuất tịch thu xe chính là chuyện tịch thu tài sản của cá nhân.

“Tịch thu tài sản xung công có từ lâu rồi. Tuy nhiên, tôi cho rằng giải pháp đầu tiên nên theo hướng tăng nặng hình phạt tiền, còn tịch thu phương tiện chỉ nên xem là hình phạt bổ sung.

Nếu lái xe vi phạm về nồng độ từ lần thứ hai trở đi thì cần tịch thu xe”, ông Dương bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại