Loài thằn lằn ngón mới được đặt tên thằn lằn ngón thương Cyrtodactylus thuongae. Ba loài thằn lằn cùng sống chung một địa điểm là phát hiện hết sức thú vị về đa dạng sinh học ở Việt Nam nói chung và núi Bà Đen nói riêng.
Nhà nghiên cứu Phùng Mỹ Trung, quản trị trang web Sinh vật rừng Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đã mất hơn 3 năm, tốn rất nhiều công sức quần thảo các khu vực xung quanh dãy núi Bà Đen với một mẫu thằn lằn đã chết tình cờ thu được ở phía đông dãy núi nhưng kết quả hoàn toàn vô vọng”.
Thằn lằn mới chỉ xuất hiện nửa đêm về sáng
Loài thằn lằn ngón thương Cyrtodactylus thuongae có chiều dài đầu và thân đạt tới 78mm; trên lưng có các đốm màu nâu sẫm, vùng gáy có các vệt sẫm màu nhưng không nối liền với nhau.
Lưng có 16-18 hàng nốt sần; có 29-44 hàng vảy bụng; cá thể đực có 0-3 lỗ đùi mỗi bên, cách biệt với 0-1 lỗ trước hậu môn bởi các vảy không có lỗ; vùng trước hậu môn có các vảy lớn. Đây cũng là loài thằn lằn chân ngón thứ 32 được ghi nhận ở Việt Nam.
Không nản chí, các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm mở rộng khu vực núi Bà Đen.
Ông Trung kể: "Lúc đầu chúng tôi nghĩ có thể mẫu chết thu được là do một loài chim ăn thịt mang đến ở khu vực khác và đánh rơi. Nhưng một lần vào tháng 10-2012, vào khoảng 2g sáng trong một đợt đi điều tra thực địa ở núi Bà Đen, chúng tôi nghỉ chân tại hang Ông Hổ ở độ cao khoảng 600m thuộc phần phía nam của dãy núi để trú mưa.
Tại đây chúng tôi thu được một mẫu thằn lằn lạ ở khe nước chảy ngầm nằm rất sâu trong một hang đá hẹp. Loài này rất giống với mẫu thằn lằn mà chúng tôi đang bao phen tìm kiếm. Vài tuần sau đó, tôi đã liên tục tìm kiếm nhiều đêm ở khu vực này và chui sâu xuống nhiều hang đá nhưng kết quả chỉ là 2 mẫu con cái”.
Cứ đều đặn một cách bền bỉ, vào những cuối tuần ông Trung tổ chức cho các bạn trẻ yêu thích “phượt leo núi” để nhặt rác làm sạch môi trường sinh thái đồng thời kết hợp với việc tìm mẫu thằn lằn mới này. Ông Trung cho biết: “Tôi tin chắc chẳng sớm thì muộn chúng tôi sẽ thu được mẫu cá thể đực loài này để kiểm tra. Chúng tôi không nản chí vì hi vọng rằng đây sẽ là loài mới để phục vụ nghiên cứu khoa học”.
Cuối cùng, mãi đến tháng 6-2013, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi ở khu vực núi Bà Đen thì cũng là thời điểm nhóm nghiên cứu của ông Trung sung sướng tột cùng vì 2 cá thể đực đã bắt được vào khoảng 2g sáng.
“Vì những khác biệt quá lớn về hình thái, tập tính nên loài mới được chúng tôi mau chóng đo đếm, mô tả và công bố trong vòng chưa đến 1 năm. Đây là loài rất hiếm gặp và phân bố rất hẹp ở dãy núi này khiến cho việc thu mẫu và nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa loài này thường xuất hiện vào lúc nửa đêm về sáng nên phần thưởng chỉ dành cho những ai biết kiên nhẫn, đợi chờ” - ông Trung cười mãn nguyện nói.
Lo nạn săn bắt
Theo ông Trung, loài thằn lằn ngón thương được công bố là phát hiện cực kỳ thú vị vì có lẽ đây là nơi duy nhất ở Việt Nam và thế giới cho đến hiện nay có 3 loài thằn lằn ngón cùng giống, đặc hữu được phát hiện trong cùng một kiểu sinh cảnh, cùng sống, cùng cạnh tranh và ăn cùng một nhóm thức ăn giống nhau.
Xét về tiến hóa thì các loài cùng giống với nhau rất hiếm khi có đến 2 loài sống chung trong một sinh cảnh rất hẹp chứ chưa nói đến là 3 loài. Đây cũng là cơ hội rất tốt để các nhà khoa học nghiên cứu sâu về sự tiến hóa hay phát sinh chủng loài ở điều kiện khác biệt về dãy núi Bà Đen.
"Loài thằn lằn ngón mới được lấy tên là thằn lằn ngón thương nhằm vinh danh tiến sĩ trẻ Nguyễn Thị Liên Thương - giảng viên Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM và là thành viên nữ duy nhất của website Sinh vật rừng Việt Nam vì những đóng góp trong việc nghiên cứu và phát hiện mới các loài bò sát lưỡng cư ở Việt Nam”, ông Trung chia sẻ.
Về loài thằn lằn mới mang tên ngón thương, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Trường, thuộc Viện Sinh thái, tài nguyên sinh vật, cho biết: “Vào năm 2006, các nhà nghiên cứu của Nga và Việt Nam đã công bố 2 loài thằn lằn chân ngón mắt đen Cyrtodactylus badenii và thằn lằn chân ngón mắt đen Cyrtodactylus nigrocularis. Điểm chú ý là cả 3 loài thằn lằn chân ngón cùng được ghi nhận ở dạng sinh cảnh hang hoặc vách đá trong rừng xanh”.
Mặc dù vui mừng trước phát hiện của mình nhưng ông Trung chia sẻ nỗi lo lắng: "Hiện nay dù có nhiều loài mới đã và sẽ được công bố ở khu vực này nhưng dãy núi Bà Đen đang bị tàn phá hết sức nặng nề. Nơi sống của chúng bị đe dọa không chỉ vì nạn phá rừng làm rẫy mà còn việc xả rác thải bừa bãi của rất nhiều người đi lễ chùa, các bạn trẻ leo núi du lịch khám phá, đặc biệt là việc bắt loài thằn lằn núi Bà Đen để bán cho các nhà hàng đặc sản khiến cho nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Hi vọng các cấp các ngành cần có biện pháp mạnh tay để bảo tồn nguồn gen các loài mới phát hiện cũng như các loài sinh vật đã sống và tồn tại nơi đây”.