Số cá thể voọc xám Đông Dương nêu trên có tên khoa học là Trachypithecus crepusculus, được các nhà khoa học phát hiện tại rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên thuộc địa bàn huyện miền núi Thường Xuân trong thời gian gần đây.
Thời gian qua, cán bộ của ban quản lý khu BTTN Xuân Liên tiếp tục thực hiện công tác điều tra, nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và đã ghi nhận được bảy đàn voọc xám Đông Dương nêu trên phân bố, sinh sống tại bốn dạng sinh cảnh là: rừng thường xanh trên núi đá vôi, rừng thường xanh á nhiệt đới, rừng thường xanh nhiệt đới ít bị tác động, rừng hỗn giao giữa gỗ và cây giang, nứa, thuộc tám tiểu khu gồm tiểu khu 485, 489, 495, 497, 498, 499, 505, 500 của Khu BTTN Xuân Liên.
Việc điều tra, phát hiện và xác định quần thể voọc xám Đông Dương ở Khu BTTN Xuân Liên lần này có số lượng cá thể lớn nhất từ trước đến nay.
Để bảo tồn loài voọc này, Ban quản lý khu BTTN Xuân Liên đã đẩy mạnh việc ngăn chặn, kiểm soát săn bắt, buôn bán động vật hoang dã; thực hiện các hoạt động bảo vệ, phục hồi các sinh cảnh rừng có loài linh trưởng sinh sống…
Theo cán bộ Khu BTTN Xuân Liên cho biết, hiện nay ở nước ta, loài voọc xám Đông Dương chỉ còn ghi nhận ở một số khu vực thuộc các tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, với kích thước quần thể nhỏ và rất nhỏ.