Phạt giao thông đến 1000%: Tôi thấy tăng tiền tôi sẽ kinh?

Hoàng Linh |

Tôi đang tưởng tượng ra cảnh tượng tôi phải đóng tiền phạt vi phạm giao thông lên đến 1000% như một dự thảo mới đây của Bộ GTVT trình Chính phủ…

Theo dự thảo đó, mức phạt sẽ tăng từ 50% đến 1.000% với nghĩa của nó: Sẽ làm cho người dân sợ.

Lại thêm một kiểu “gây sợ” mới. Chứ dân, nghe đến phạt thì đã sợ khiếp vía từ bảy đời tám kiếp rồi chứ!

Một vị phó giám đốc Sở GTVT nói rằng phạt nặng sẽ giảm sự vi phạm liền tay.

Rằng theo ông, người nghèo, người ít tiền thì cố chấp hành để đừng vi phạm, còn người giàu chơi ngông mà vi phạm thì phải nộp phạt để tăng Ngân sách nhà nước. Phạt nặng một thời gian là trật tự ngay.

Người nghèo thấp cổ bé họng mà sợ thì đương nhiên. Ông nói ngàn lần đúng. Nhưng tôi đang cố động não để hiểu chữ “chơi ngông” của ông khi dành cho người giàu, mà chưa biết phải nghĩ theo hướng nào.

Tức là, chấp hành pháp luật là một kiểu “chơi ngông”? Hay là đưa hối lộ nhiều để bỏ qua xử phạt?

Một kiểu định nghĩa mới của những người quản lý.

Phạt nặng các hành vi vi phạm giao thông để người dân sợ? Ảnh minh họa.
Phạt nặng các hành vi vi phạm giao thông để người dân sợ? Ảnh minh họa.

Có người nói vui là ngay cả xử phạt người ta cũng “bôi bác” dân nghèo, hay là người nghèo không biết “thương lượng”?

Liệu có thể hiểu: Nhiều người chọn cách “thương lượng” khi bị tuýt còi nhưng chắc là người nghèo thương lượng “không tới” hoặc “chưa đủ ngông” nên “cái chú giao thông vận tải” mới nói thế?!

Tại sao biện pháp ổn định tình hình giao thông, nhiều khi bị vô hiệu trước nạn người vi phạm sẵn sàng “chơi ngông” mà chú tuýt còi thường là “chấp nhận chơi ngông”, nhanh lắm.

Nghị định về lĩnh vực này trong 5 năm qua đã 5 lần sửa đổi với mức phạt ngày càng cao nhưng vi phạm giao thông vẫn tăng.

Và khi mức phạt tăng, kéo theo một vi phạm mới nguy hiểm hơn là chống người thi hành công vụ, có vụ gây thương vong cho CSGT.

Thêm phát sinh khác là lo sợ nếu chấp hành hiệu lệnh CSGT dừng lại thì sẽ bị phạt nặng về hành vi bị dừng thổi, nhiều người vi phạm  đã bỏ chạy với tốc độ nhanh gây nguy hiểm cho chính họ, lực lượng truy đuổi và người đi đường.

Nhưng nếu nhìn vào con số tiền xử phạt ứng với những hành vi vi phạm theo các quy định, thì dân (dù nghèo hay giàu) cũng đã hãi lắm rồi. Sao tình hình vi phạm vẫn không thuyên giảm.

 

Tác giả Hoàng Linh
Tác giả Hoàng Linh

Bộ Công an vừa có văn bản gửi đến Bộ GTVT góp ý dự thảo nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Theo Bộ Công an, dự thảo nghị định quy định mức phạt tiền tăng quá cao so với nghị định 171/2013 (về xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt).

Điều này không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, không phù hợp với mức sống trung bình của người dân.

Có nên “ăn thua đủ” với người dân bằng tiền phạt nặng!

Một điều ai cũng cảm nhận được là mỗi lần sửa đổi mức phạt là mỗi lần tiền “chơi ngông” lại tăng lên, dù muốn dù không người dân cũng cam chịu, đó là xe cá nhân.

Còn đối với xe kinh doanh, họ đem tiền “chơi ngông” này vào giá thành mà người gánh chịu là hành khách.

Mà muốn “phá án” “chơi ngông”, không hề dễ.

Như mới đây lãnh đạo Đà Nẵng đã nêu đích danh đơn vị CSGT, địa điểm vi phạm, để cho xe quá tải hoành hành làm nát các con đường nhưng khi trả lời truyền thông, đại diện CSGT Đà Nẵng nói:

“Đầu năm đến nay phòng chưa nhận được phản ánh về tiêu cực của lực lượng CSGT, nếu có chúng tôi xử lý nghiêm túc theo quy định của ngành”.

Có một sự “trớt quớt” nào đó ở đây? Lãnh đạo Đà Nẵng nhầm hay CSGT Đà Nẵng sai?

Dân cần ngành GTVT có sáng kiến gì hay hơn mới hơn, chứ mà cứ tăng tiền lên nữa thì có gì mới?

Đành mượn tên một bộ phim đang làm mưa làm gió, để đưa ra câu hỏi rất khó với ngành giao thông và với chính mình: Tôi thấy tăng tiền, tôi sẽ kinh?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại