Pháo hoa và gạo cứu đói: "Đừng để nói nghèo còn chơi sang"

Hoàng Đan |

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, trong việc bắn pháo hoa và cứu đói, người lãnh đạo cần phải có sự hài hòa, rõ ràng, để tránh sự xung đột về nhận thức.

Vai trò người lãnh đạo

Là địa phương vừa được nhận hơn 3.600 tấn gạo cứu đói cho người dân, nhưng tỉnh Nghệ An lại có thông báo sẽ bắn pháo hoa mừng Xuân Bính Thân 2016.

Thông tin này đã khiến nhiều người tỏ thái độ không đồng tình, họ cho rằng số tiền bắn pháo hoa nên được mang chia cho những gia đình còn khó khăn trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, nếu bình thường thì bắn pháo hoa cũng mang lại lợi ích cho người dân.

"Người dân họ được hưởng và đương nhiên là việc bắn pháo hoa chỉ ở trong một khu vực nhỏ của tỉnh rộng lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như vậy thì việc bắn hay không bắn cần có sự cân nhắc của lãnh đạo địa phương.

Bởi nếu ở điều kiện bình thường, tốt thì việc bắn pháo hoa đó thể hiện sự phát triển địa phương và nhu cầu hưởng thụ của người dân, còn trong lúc phải nhận gạo cứu đói thì nên cân nhắc kỹ", ông Quốc nói.

Cũng theo ông Quốc, ở điều kiện khó khăn của địa phương như vậy, nếu lãnh đạo giải thích rõ cho người dân vì phải lo cho người nghèo nên không bắn pháo hoa thì có khi trong bụng người dân còn sung sướng hơn xem bắn pháo hoa.

"Thời điểm giao thừa mà được xem pháo hoa thì cũng là việc tốt nhưng trong lúc còn phải cứu trợ thì trách nhiệm cũng rất nặng nề, do đó, người lãnh đạo ở đây phải có ứng xử phù hợp.

Còn tôi nghĩ, người dân sẽ vẫn rất vui nếu được giải thích rõ không xem pháo hoa nhưng sẽ có thể được góp phần nho nhỏ bù đắp thêm cho những người nghèo.

Ở đây, tách hai việc ra thì đều là tốt nhưng người lãnh đạo cần phải có sự hài hòa, rõ ràng, để tránh sự xung đột về nhận thức và đừng để nói đã nghèo còn đòi chơi sang", ĐBQH này bày tỏ.

So sánh việc bắn pháo hoa ở Nghệ An với việc mới đây tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị dành tiền bắn pháo hoa cho người nghèo, ông Quốc cho hay, đó là thể hiện thử thách đối với người lãnh đạo địa phương.

Ở đây, chính người lãnh đạo địa phương cần phải chọn ra phương án phù hợp nhất để người dân có thể thỏa mãn, đôi khi, người ta hy sinh một cái gì đó cho cộng đồng cũng là sự thỏa mãn.

Cảnh phát gạo cứu đói ở Nghệ An. (Nguồn ảnh: Báo Nghệ An)
Cảnh phát gạo cứu đói ở Nghệ An. (Nguồn ảnh: Báo Nghệ An)

Nếu xã hội hóa thì có thể chấp nhận

Cùng trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, Tết cổ truyền của dân tộc luôn gồm 2 phần là về vật chất và tinh thần.

"Nếu về vật chất đảm bảo cho người dân tốt rồi mà lại đảm bảo thêm về tinh thần nữa thì rất tốt. Đó là khi cân đối được nguồn thu.

Còn nếu không cân đối được thì cần phải giải quyết việc cứu đói, bảo đảm gia đình nào cũng có Tết. Đấy là bước cần thiết hơn bắn pháo hoa nhiều", ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, hiện nay, ở một số địa phương, việc tổ chức bắn pháo hoa không phải lấy kinh phí từ Nhà nước mà huy động nguồn xã hội hóa.

Khi đó, các doanh nghiệp hỗ trợ, nâng cao phần vật chất và tinh thần của người dân thì càng tốt hơn. Còn nếu sử dụng kinh phí của Nhà nước thì không nên.

Về câu chuyện của hai tỉnh Nghệ An và Đắk Lắk, ông Vinh cho rằng, không nên đặt ra sự so sánh ở đây bởi, hai địa phương này là khác nhau.

"Phải tính thế nào để hài hòa, đảm bảo cho người dân no đủ để đón Tết còn mọi sự so sánh đều rất khó. Do vậy, theo tôi, ở đây, cần vai trò của người lãnh đạo đưa ra quyết định đúng đắn", ông Vinh nêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại