PGS Văn Như Cương: Nói người Việt chuyên ăn của hôi là không đúng

Kim Ngân |

(Soha.vn) - “Tôi cảm thấy xấu hổ, đáng buồn, đáng trách vì không ngờ họ lại có hành động "hôi của", ăn cướp ngang nhiên, trắng trợn như thế”, PGS Văn Như Cương nói.

 Toàn cảnh vụ HÔI CỦA khiến người Việt xấu hổ

Đó là hành động ăn cướp trắng trợn!

Câu chuyện “hôi của” không còn là việc hiếm gặp ở Việt Nam và mới đây vụ hôi hơn 1000 thùng bia rơi xuống đường ở vòng xuyến Tam Điệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai đã khiến dư luận rất bất bình. “Thừa nước đục thả câu”, hàng trăm người dân sống ở đó hay đi ngang qua cũng đã dừng xe đổ xô đến vơ vét mặc cho tài xế khóc lóc, van xin.

Theo PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh thì hành động đó là ăn cướp trắng trợn.

PGS Văn Như Cương bàn về

PGS Văn Như Cương nói về việc "hôi của" xe chở bia ở Đồng Nai.

- Khi nhìn thấy những hình ảnh người dân hớn hở lấy bia, mang xe máy chở thùng bia về nhà trong sự việc “hôi của” xe chở bia ở TP Biên Hòa, ông cảm thấy sao?

PGS Văn Như Cương: Tôi cảm thấy rất xấu hổ, buồn vì không ngờ người ta lại có hành động ăn cướp ngang nhiên như thế. Không thể nói là “hôi của”, mà rõ ràng là hành vi cướp trắng trợn. Thật đáng buồn, đáng trách!

Nhiều trường hợp tương tự cũng đã xảy ra như “hôi của” người gặp tai nạn giao thông, cháy nhà…Tôi nhớ một vụ “hôi của” ở Sài Gòn cách đây không lâu, một người phụ nữ bị nhóm cướp giật ví tiền khi đang lưu thông trên đường, số tiền rơi vung vãi ra đường. Một nhóm dừng lại nhưng không hề giúp đỡ người phụ nữ kia mà lại tranh thủ nhặt tiền...cho mình. Tôi thấy những người đó cũng giống như bọn ăn cướp mà thôi!

- Người Việt mình thường có tâm lý “a dua”, trong trường hợp “hôi của” bia có thể chỉ là hành động bột phát. Bằng chứng là sau đó có người dân treo băng rôn nói cảm thấy xấu hổ vì mấy lon bia đó?

PGS Văn Như Cương: Ngoài vấn đề ý thức người dân, tâm lý đám đông, tôi cho rằng sự việc này xảy ra một phần lỗi trách nhiệm thuộc về lực lượng công an, an ninh trật tự có mặt ở đó. Tại sao họ đứng đó mà không ngăn cản được người dân, không giải tán đám đông khiến nó biến thành bãi chiến trường mạnh ai người lấy làm?

Trước đó, ở Đà Nẵng cũng xảy ra vụ đổ mấy trăm thùng bia trên đường nhưng người dân không đổ xô lấy mà còn giúp cho tài xế nhặt, vun vén lên xe. Rõ ràng đây là hai hiện tượng cùng một vấn đề, nhưng một cái đáng buồn, bị phê phán. Tôi cho rằng, điều căn bản là ở chỗ sự điều hành, quản lý của lực lượng chức năng nơi đó như thế nào.

Người dân treo tấm băng rôn đó có thể chỉ là người chứng kiến cảnh tượng ấy, ông ấy có lương tâm nên cảm thấy xấu hổ cho những người cướp những lon bia trong tình huống đó thôi.

- Sự việc đáng xấu hổ này còn bị “bêu xấu” ở báo chí nước ngoài. Ông nghĩ sao về việc họ nói mình “đánh rơi coi như mất”?

PGS Văn Như Cương: Sự việc xe bia đổ, người dân tranh nhau “hôi của”, báo chí Nga có đăng tin, tôi cảm thấy xấu hổ nhưng cũng khẳng định nếu quy kết “đánh rơi coi như mất”, đánh giá người Việt chuyên ăn của hôi là không đúng.

Rất nhiều trường hợp lái xe tắc-xi trả lại tiền, đồ vật cho khách, em bé nhặt được của rơi trả lại…Tôi thấy văn hóa này chỉ là bột phát, nhìn hiện tượng buồn nhưng tôi không quy kết toàn dân mình như thế.

Người dân thi nhau
Người dân thi nhau "hôi của" thùng bia trên đường TP Biên Hòa.

Phải truy tố người “hôi của”

Nếu là người dân chứng kiến sự việc hàng trăm người tranh nhau "hôi của" đó, ông sẽ cư xử như thế nào?

PGS Văn Như Cương: Giả sử tôi ở đó, tôi nghĩ mình sẽ can ngăn, kêu gọi giúp đỡ người lái xe chứ không nên “hôi của” như thế. Nhưng có lẽ thực tế, đứng trước tình huống hàng trăm người đổ xô, chen nhau, tôi lại không dám đứng lên nói vì nguy hiểm vô cùng. Tâm lý đám đông ngăn trở mình.

Tôi nghĩ cũng rất nhiều người cảm thấy vô lý, muốn xông vào nói nhưng ngại, họ cũng chỉ biết dừng xe đứng xem chán nản buồn bã. Vì có thể họ bị hành hung, đánh đập…đến tài xế lạy khóc lóc van xin mà chẳng được.

- Thời của ông có hiện tượng hôi của, ăn cắp như vậy không PGS ?

PGS Văn Như Cương: Tôi chưa từng thấy chuyện đó xảy ra. Những năm 1972, nhà tôi sơ tán từ cuối phố Yết Kiêu về khu vực Nhổn, lúc đó mọi nhà không ai khóa cửa, rất ít trộm cắp.

Rồi có lần, tôi đi xe đạp dựng ở cửa hàng Mậu Dịch để mua đồ, khi ra về tôi đi bộ mà quên chiếc xe. Đến lúc ăn cơm trưa xong, nghỉ ngơi tôi mới nhớ và khi chạy ra đến nơi chiếc xe vẫn ở nguyên chỗ cũ mặc dù không khóa.

- "Hôi của" là hành động đáng xấu hổ và cần phải lên án, theo ông làm thế nào chúng ta có thể xóa bỏ được hiện tượng này ?

PGS Văn Như Cương: Phải truy tố những người hôi của chứ không thể để ăn cướp ngang nhiên như thế. Pháp luật xử lý nghiêm thì lần sau không còn xảy ra sự việc đáng buồn như thế nữa.

Nhìn sâu xa, chúng ta phải giải quyết cách giáo dục con người hiện nay về mặt đạo đức. Giáo dục con trẻ biết thế nào là thiện, ác, sai, trái, cái gì không phải của mình thì không lấy để chúng tự biết ứng xử suốt cuộc đời.

Trân trọng cảm ơn PGS!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại