PGS. TS Việt Nam lên tiếng về chuyện "bão mặt trời giết hàng triệu người"

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - PGS.TS Nguyễn Quang Báu – Phó Chủ nhiệm Khoa Vật lý trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội): “Bão từ không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ. Bão từ cũng tựa như chuyện ‘trái gió trở trời’ mà chúng ta vẫn hay nói với nhau thôi”.

- Thưa ông, trong vài ngày gần đây, một số cơ quan thông tấn thế giới có đưa tin rằng một tài liệu mật dự báo rằng sắp có một cơn bão Mặt trời có cường độ cực mạnh xuất hiện trong tháng 9/2013 và có thể giết chết hàng triệu người trên Trái đất, ông nhận xét thế nào về thông tin này?

PGS.TS Nguyễn Quang Báu: Tôi cũng có được biết thông tin trên qua báo chí. NASA là một cơ quan chuyên nghiên cứu về hàng không và vũ trụ của Mĩ rất có uy tín và thông tin mà họ đưa ra thường dựa trên các cơ sở khoa học đã thu thập được, đáng tin cậy.

Tuy nhiên, thông tin về bão từ đến từ Mạt trời và có thể ‘hủy diệt’ Trái đất vừa qua lại không phải là cảnh báo được trực tiếp đưa ra bởi NASA mà bởi một số phương tiện truyền thông quốc tế nên rõ ràng rất không đáng tin cậy, cần phải xem xét lại.

PGS.TS Nguyễn Quang Báu – Phó Chủ nhiệm Khoa Vật lý trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).
PGS.TS Nguyễn Quang Báu – Phó Chủ nhiệm Khoa Vật lý trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).

- Ông có thể nói rõ hơn một chút về bão từ Mặt trời tác động đến Trái đất như thế nào không?

PGS.TS Nguyễn Quang Báu: Trước hết, cần phải khẳng định rằng: Trái đất chúng ta nằm trong hệ Mặt trời, nhận ánh sáng và năng lượng từ Mặt trời nên bất kì một hoạt động nào của Mặt trời cũng đều ảnh hưởng đến Trái đất. Bão từ là một dạng hoạt động vật lý của Mặt trời, nó thể hiện các bức xạ khiến cường độ mạnh lên. Bức xạ tác động đến tất cả mọi vật chất trên Trái đất, từ cơ thể sống con người cho đến động vật, thực vật…

Thực tế thì sóng điện từ sinh ra thường cơ thể chúng ta có thể chịu đựng được và không gây ảnh hưởng gì lớn, nếu có cũng không đáng kể, nó chỉ tác động lên đồng hồ sinh học, dẫn đến một số phản ứng nhẹ về tâm-sinh lí mà thôi. Tuy nhiên, sau đó cơ thể chúng ta lại trở lại bình thường.

Sóng điện từ sinh ra bởi bão từ thường không kéo dài, nó chỉ tồn tại và tác động trong một thời gian nhất định, thường là rất ngắn. Để đo được bão từ cũng thường phải dùng đến các thiết bị chuyên ngành mới đo được, còn cơ thể con người chỉ có thể cảm nhận thoáng qua thông qua một số thay đổi hay phản ứng của cơ thể mà thôi.

Một vụ bùng nổ trên tầng thượng quyển của mặt trời. Ảnh: amateurastronomy.org.
Một vụ bùng nổ trên tầng thượng quyển của mặt trời. Ảnh: amateurastronomy.org.

- Nghĩa là bão từ không gây ảnh hưởng lớn đến con người?

PGS.TS Nguyễn Quang Báu: Đúng thế. Từ trước đến nay, các nhà khoa học trên thế giới cũng đã đo được cường độ của một số đợt bão từ được cho là lớn, song cũng chưa có trận bão từ nào gây ra thiệt hại cho chúng ta cả. Ngay cả ở Việt Nam, có những trận bão từ có cường độ cũng khá lớn, lên đến cấp mạnh nhất là G4, G5 tức là khoảng 400- 500 nT (ano Tesla - đơn vị đo cường độ bão từ), song đó cũng chỉ là những số liệu mà máy móc chuyên ngành đo lại được, còn con người ít bị tác động.

Bão từ không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ. Bão từ cũng tựa như chuyện ‘trái gió trở trời’ mà chúng ta vẫn hay nói với nhau thôi. Nó không gây tác động mạnh mẽ hay tàn phá như các thiên tai khác của thiên nhiên như: bão nhiệt đới, bão biển, động đất…

Nói một cách đơn giản nhất, bão từ được hiểu đơn thuần chỉ là chuyện thời tiết thay đổi, khí hậu thay đổi, là chuyện “trái gió trở trời” như dân gian vẫn thường nói. Bão từ không gây thiệt hại và chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về nó.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại