Ngay sau khi đăng tải, sự việc Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Anh Tuấn chửi tục cảnh sát giao thông, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc về thái độ, ứng xử của một người lãnh đạo làm công tác văn hóa.
Một trong những ý kiến đó là của độc giả Lê Anh Tú (Hà Nội). Bạn Anh Tú cho rằng, đã làm công tác văn hóa mà lại có hành vi ứng xử thiếu văn hóa như vậy thì nên từ chức. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến này. Mời độc giả theo dõi:
Tôi đã đọc rất kỹ những thông tin xung quanh sự việc ông Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Anh Tuấn có hành vi thiếu văn hóa, chửi cảnh sát trong thời gian tổ chức Lễ bế mạc Festival Trà Thái Nguyên diễn ra vào ngày 11/11/2013. Thực sự, cá nhân tôi rất bức xúc về cách ứng xử, những lời nói thiếu văn hóa và buồn hơn thế, điều không hay đó lại xuất phát ra từ một lãnh đạo làm công tác quản lý trung tâm văn hóa ở cấp tỉnh.
Đọc diễn biến vụ việc, tôi thấy, có thể ông Tuấn phải gấp rút vào bên trong khu diễn ra Festival để hoàn thành nhiệm vụ của mình nhưng các lực lượng chức năng kia cũng đâu có phải đứng đó chơi, họ cũng đang căng sức để thực thi tốt nhất nhiệm vụ bảo vệ an toàn, an ninh trật tự cho sự kiện.
Tường trình của ông Nguyễn Anh Tuấn.
Khi ông Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa Thái Nguyên muốn vào mà không có phù hiệu hay thẻ của ban tổ chức cấp thì chắc chắn rằng, không riêng gì ở sự kiện này mà ở tất cả các sự kiện khác, dù ông có giới thiệu thế nào thì cũng không thể tùy tiện đi xe máy vào trong như vậy.
Người xưa vẫn nói, luật nghiêm ở chỗ không chừa ai, những người làm công tác bảo vệ rõ ràng, theo cá nhân tôi thấy, đã đúng khi không cho ông đi xe vào.
Trong trường hợp đó, lẽ ra, với tư cách, trọng trách của mình, bằng sự gương mẫu, ông nên gửi xe ở bên ngoài và nghiêm chỉnh chấp hành việc đi bộ vào bên trong. Hoặc không, ông cũng có thể gọi cán bộ ban tổ chức từ bên trong ra đón, đó là một điều hoàn toàn bình thường, dễ dàng.
Tuy nhiên, ông đã không làm như vậy mà cố tình vượt xe vào trong, khi bị tổ công tác chặn lại thì lại sẵn sàng có những lời nói hết sức thiếu văn hóa: “Mẹ kiếp! Chúng mày làm việc, tao cũng làm việc, chúng mày làm gì mà ghê thế, tao đi làm chứ có phải đi chơi đâu”. Thấy vậy, anh Hoàng Mạnh Thái, thành viên tổ công tác đang làm nhiệm vụ tại đó có hỏi ông Tuấn: “Anh chửi ai thế?”. Ông Tuấn đáp lại: “Tao chửi chúng mày đấy”.
Tôi cũng tự đặt câu hỏi, phải chăng ở đây, ông đang tự cho rằng, những gì mình đang đảm nhận cho phép được ở trên cao hơn so với quy định được đặt ra. Và cũng vì thế nên mình có quyền kênh kiệu, giương oai, những điều mình muốn, dù chưa đúng thì mọi người cũng phải nghe theo, thực hiện. Đó là điều chắc chắn không thể chấp nhận được.
Chúng ta vẫn thường xác định văn hóa là cái gốc và nó cũng thể hiện trình độ, sự hiểu biết của con người đó trước đồng loại, xã hội. Ở đây, với những chức vị mà ông đang đảm nhận, tôi dám chắc ông hiểu quá rõ điều đó và cũng có lẽ vì thế mà ông mới có những lời lẽ như vậy chăng (?).
Cách đây chưa lâu, cũng ở Thái Nguyên, chúng ta cũng được chứng kiến, văn hóa có một không hai của một ông Bí thư Đảng ủy xã khi đã không ngần ngại "chửi" người dân ngu.
“Dân ở đây kém hiểu biết lắm. Đấy, như lần họp dân hồi đầu tháng 3/2013 đấy, huyện với xã tổ chức họp dân, có cả nhà đầu tư đến nữa. Mới nói được vài câu là chúng nó (chỉ người dân – PV) đã hò reo nhau lên phá bĩnh, lạc hậu đến mức độ như thế thì bảo tôi phải làm thế nào được. Nhố nhăng, dở nọ dở kia, ngu và bố láo thế chứ...”, trích lời của ông Bí thư Đảng ủy xã.
Xem xét, so sánh hai trường hợp có phần hơi khập khiễng nhưng cả hai câu chuyện đều cho thấy sự xuống cấp về mặt đạo đức, văn hóa ứng xử của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Tuy vậy, khác với ông bí thư xã, ở đây ông lại là cán bộ làm công tác quản lý trung tâm văn hóa của một tỉnh, có trình độ, bằng cấp cao hơn.
Cũng có lẽ là ở trình độ cao hơn nên trong lời trần tình của mình, ông Phó Giám đốc Tuấn rất kiệm lời khi giải thích về những hành vi thiếu văn hóa của mình.
"Tôi không kiềm chế được cảm xúc và đã có một vài lời nói thiếu văn hóa với tổ công tác của Công an thành phố Thái Nguyên.
Ngay sau khi sự việc xảy ra bản thân tôi thấy mình đã sai cũng đã tự kiểm điểm bản thân rút kinh nghiệm sâu sắc và có bản tường trình gửi lên lãnh đạo cơ quan. Bản thân tôi cũng tự xin rút lui khỏi danh hiệu chiến sĩ thi đua năm 2013. Xin hứa không bao giờ vi phạm".
Tôi xin không bình luận thêm về những lời trần tình này. Chỉ xin nói rằng, Đảng, Nhà nước ta đã và đang phát động, tiến hành công cuộc chỉnh đốn, với trọng tâm là xây dựng đạo đức, tác phong, lối sống, đồng thời là phê và tự phê của mỗi người cán bộ, đảng viên
Tuy nhiên, với những gì mà ông Phó giám đốc Nguyễn Anh Tuấn đã hành xử thì tôi thấy thực sự đáng buồn.
Muốn xây dựng được uy tín của lãnh đạo thì người lãnh đạo phải gương mẫu, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Nhất là trong lời ăn, tiếng nói là phải thể hiện sự đại diện cho Đảng, chính quyền, nhân dân.
Còn như ở đây, những lời nói của ông Phó giám đốc như vậy có khác gì phường chợ búa chứ đâu phải đại diện cho Đảng, chính quyền, nhân dân...
Từ tất cả những điều trên, cá nhân tôi cho rằng, ngoài việc, các cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm, thì với vai trò là một người làm công tác quản lý Trung tâm văn hóa Thái Nguyên mà lại có cách ứng xử thiếu văn hóa như vậy, ông nên từ chức chứ không nên ngồi ở vị trí đó nữa...
*/ Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.