PGĐ Sở GTVT Hà Nội: “Có người mắng tôi té tát chỉ vì dải phân làn cứng”

Nguyễn Dũng |

“Chỉ vì dải phân làn cứng đó mà có người mắng tôi té tát qua điện thoại. Tôi giải thích với họ rằng, không phải ai tham gia giao thông cũng biết luật, cũng có ý thức tốt…”.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã có buổi thông tin báo chí vào chiều 29/1 khi dư luận và báo chí lên tiếng về việc lãng phí, không hiệu quả trong thực hiện phân làn bằng giải phân cách cứng.

Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Tân cho biết, từ năm 2010 Sở GTVT Hà Nội bắt đầu lắp hàng loạt dải phân cách cứng trên các tuyến phố Huế, Bà Triệu, Hàng Bài, Xã Đàn, Giải Phóng… để phân làn phương tiện.

Tuy nhiên vào thời điểm đó, không phải ai cũng đồng tình vì cho rằng việc này làm mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông.

“Chỉ vì phương án đó mà có người mắng tôi té tát qua điện thoại. Tôi giải thích với họ rằng, không phải ai tham gia giao thông cũng biết luật, cũng có ý thức tốt.

Chính việc phân làn tách dòng phương tiện như vậy góp phần tạo ý thức bắt buộc cho người tham gia giao thông” – ông Tân lý giải.

Sau một thời gian thực hiện phân làn, theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Tân thì ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông đã tốt hơn rất nhiều.

Người tham gia giao thông không đi lẫn vào làn của nhau, va chạm giữa các phương tiện giao thông ngày càng ít hơn.

Đặc biệt, tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến chết người ở các tuyến phố phân làn không còn xảy ra như những năm trước.

Trong suốt 5 năm phân làn, trên các tuyến phố Huế, Bà Triệu không có vụ tai nạn giao thông chết người nào.

Lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, thành công lớn nhất từ việc phân làn là người dân đã đi đúng phần đường quy định và đã có nhường nhịn nhau.

Dù bị chê không hiệu quả nhưng Sở GTVT cho biết vẫn tiếp tục phân làn cứng tại các tuyến đường trong thời gian tới (Ảnh ND)

Với những kết quả đó, Sở GTVT Hà Nội quyết định thu hồi dải phân cách cứng trên các tuyến phố Huế, Hàng Bài, Xã Đàn, Bà Triệu và một phần trên đường Giải Phóng.

Tuy nhiên, lực lượng thanh tra, cảnh sát vẫn thường trực trên các tuyến phố này để hướng dẫn người tham gia giao thông và xử lý người vi phạm quy định.

Trao đổi với phóng viên về việc phân làn bằng dải phân cách cứng dẫn đến lãng phí hàng chục tỷ đồng tiền của nhà nước, ông Tân khẳng định:

“Không có gì là lãng phí cả! Khi thực hiện việc này chỉ có chi phí nhân công, còn vỉa ba toa và biển báo mũi tên phản quang vẫn có thể sử dụng lại”.

“Phân luồng phương tiện là chủ trương đúng.

Sở GTVT vẫn kiên trì làm theo chủ trương này cho đến khi nào ý thức của người tham gia giao thông tốt lên mới thôi” - ông Tân nói.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương này, ông Tân cũng cho biết, Sở GTVT đã giao cho Ban quản lý dự án duy tu đi rà soát những tuyến đường hướng tâm có mật độ giao thông lớn, điều kiện mặt đường cho phép, người điều kiển phương tiện còn lộn xộn để tiếp tục phân làn.

Trước đó trao đổi với phóng viên, chuyên gia giao thông – TS. Nguyễn Xuân Thủy cũng khẳng định, việc phân làn là chủ trương đúng đắn, được nhiều nước áp dụng.

Song ở các nước có khác là họ phân làn ở những tuyến đường rộng, còn chúng ta lại phân làn ở những tuyến chật hẹp, dẫn đến không hiệu quả.

Ngoài ra TS. Thủy cũng cho rằng: “Đồng tiền của người dân đóng góp đã bị lãng phí một cách vô ích.

Mấy chục tỷ đồng thực hiện phân làn trong thời gian qua đã vứt qua cửa sổ.

Việc này cũng lãng phí như dỡ bỏ cầu vượt đường bộ. Lý do làm dải phân cách cứng góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông cũng chỉ là ngụy biện.

Bởi tại những đoạn đường trước và sau khi bỏ phân làn, các phương tiện vẫn đi vào phần đường của nhau”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại