Những ngày qua, báo giới đưa tin rất nhiều xung quanh thông tin "bổ nhiệm cán bộ ồ ạt" của vị cựu Tổng Thanh tra Chính Phủ Trần Văn Truyền. Thậm chí, tờ Người Cao Tuổi đã dùng từ "cố đấm ăn xôi" để nói về việc ông Truyền ngay trước khi nghỉ hưu đã ký một loạt quyết định bổ nhiệm. Tuy nhiên, trước những cáo buộc trên, ông Trần Văn Truyền khẳng định: “Tôi làm đúng trách nhiệm và đúng pháp luật, đúng nguyên tắc". Vậy, khi còn đương chức Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Truyền có những quyền hạn và chức năng gì?
Được biết, Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ Việt Nam, có chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Cơ quan này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các chức năng nêu trên.
Theo Điều 14 của Luật Thanh tra năm 2010, Thanh tra Chính phủ gồm có Tổng Thanh tra Chính phủ, các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và Thanh tra viên.
Tổng Thanh tra Chính phủ là thành viên Chính phủ, là người đứng đầu ngành thanh tra.
Khi còn giữ chức này, ông Trần Văn Truyền phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ do Chính phủ quy định.
Theo đó, ông Trần Văn Truyền được bổ nhiệm làm Tổng Thanh tra Chính phủ từ ngày 27/6/2006. Ông chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 3/8/2011.
Điều 16 của Luật Thanh tra năm 2010 quy định, Tổng Thanh tra Chính phủ có các nhiệm vụ đó là: Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ; lãnh đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra và tổ chức triển khai Định hướng chương trình thanh tra; Chủ trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các Thanh tra bộ; giữa Thanh tra bộ với Thanh tra tỉnh; Xem xét xử lý vấn đề mà Chánh Thanh tra bộ không nhất trí với Bộ trưởng, Chánh Thanh tra tỉnh không nhất trí với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác thanh tra. Trường hợp Bộ trưởng không đồng ý với kết quả xử lý của Tổng Thanh tra Chính phủ thì Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tổng Thanh tra Chính phủ còn có quyền hạn sau đây:
a) Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định của mình.
b) Quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Bộ trưởng kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Thủ tướng Chính phủ giao; Quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
c) Đề nghị Bộ trưởng, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành thanh tra trong phạm vi quản lý của bộ, của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Trường hợp Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không đồng ý thì có quyền ra quyết định thanh tra, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định của mình.
d) Kiến nghị Bộ trưởng đình chỉ việc thi hành hoặc hủy bỏ quy định do bộ đó ban hành trái với quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên, của Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra; Trường hợp Bộ trưởng không đình chỉ hoặc không hủy bỏ văn bản đó thì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
đ) Đình chỉ việc thi hành và đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trái với quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên, của Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra.
e) Kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý. Kiến nghị đình chỉ hoặc hủy bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra.
g) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của Thủ tướng Chính phủ có hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra; Yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.