Ông Trần Đăng Tuấn - Từ tâm thư chấn động đến ứng cử ĐBQH

Thành Công (TH) |

Những bức tâm thư chấn động ông từng ngỏ gửi đã khiến Chủ tịch Thảo "xem xét" lại việc chặt hạ cây xanh ở Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhìn sâu lại dự án Cơm có thịt.

Hôm qua (13/3/2016) là hạn cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14. Theo đó, thông tin Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam có tên trong danh sách ứng viên ĐBQH được dư luận khá quan tâm.

Ông Tuấn chia sẻ, lý do ông quyết định ứng cử ĐBQH là bởi nếu ở cương vị này, ông sẽ có nhiều điều kiện làm những điều đúng và hữu ích hơn nữa cho cộng đồng. Tuy nhiên, nguyên Phó TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam cũng nhận định, cơ hội trúng cử của ông không nhiều.

Ông Tuấn sinh năm 1957, quê tại tỉnh Nam Định, là tiến sĩ ngành Báo chí. Ông từng công tác tại Đại học Tuyên giáo, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sau đó công tác 20 năm ở Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhiều năm qua, trong một vài vấn đề gây bức xúc xã hội, ông đã có những bức tâm thư gây chấn động gửi các lãnh đạo, các tổ chức. Từ những bức tâm thư đó đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Dưới đây, chúng tôi điểm lại một số bức tâm thư của ông:

Thư ngỏ gửi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về vụ chặt hạ cây xanh

Dự án chặt hạ, thay thế 6700 cây xanh của Thủ đô từng khiến dư luận phản ứng dữ dội hồi tháng 3/2015.

Khi đó, ông Trần Đăng Tuấn đã viết một bức thư ngỏ khá dài gửi ông Nguyễn Thế Thảo (lúc đó đang là Chủ tịch UBND TP Hà Nội).

Ông Tuấn kiến nghị Chủ tịch Thảo cho tạm dừng việc chặt cây để người dân tự kiểm tra xem các cây đó có trong diện thay thế không.

Từ đó, thành phố có những thông báo cụ thể đến người dân để họ được đưa ra ý kiến.

Bức thư ngỏ có đoạn:

"Hãy lắng nghe các nhà khoa học và người dân đưa ra ý kiến của mình về việc:

- Nên giữ lại hay bỏ những cây gì. Cây gì giữ nhưng nên bớt.

- Việc thay thế (nếu thực sự cần) theo cách thức nào: Trồng mới xen thay dần cây cũ hay trồng mới một loạt, bỏ cây cũ một loạt.

- Chọn cây mới trên cơ sở gì, có thoả đáng không và khía cạnh kinh phí thì như thế nào. Đã là hợp lý, tiết kiệm hay không trong thời điểm này.

Bao nhiêu kinh phí từ ngân sách, bao nhiêu do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ. Việc sử dụng ngân sách mua cây, trồng cây, thay cây... theo phương thức nào. Đó cũng là thaể hiện trách nhiệm thông tin công khai, minh bạch.

Mong ông Chủ tịch quan tâm xem xét kiến nghị này".

> Mời xem nguyên văn bức thư ngỏ ông Tuấn gửi ông Nguyễn Thế Thảo TẠI ĐÂY

Ông Trần Đăng Tuấn (trái) và ông Nguyễn Thế Thảo

Ông Trần Đăng Tuấn (trái) và ông Nguyễn Thế Thảo

Thư ngỏ gửi Tổng Giám đốc Hãng tin Nga

Ngày 19/5/2014, trang điện tử RIA Novosti của Nga đăng tải bài viết "Những thỏa thuận giữa Moskva và Bắc Kinh tốt hơn mọi thông báo” của tác giả Dmitri Kosyrev, trong đó có những nội dung sai lệch, xuyên tạc lịch sử Việt Nam.

Tác giả Dmitri Kosyrev khẳng định một cách đầy võ đoán rằng, Việt Nam và Philippines đóng vai trò giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây tương tự như Ukraine đã làm đối với Nga.

Bài báo thể hiện sai lệch vị trí, khoảng cách giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép, đồng thời đưa ra những phân tích chủ quan, xuyên tạc lịch sử Việt Nam.

Ngay sau đó, ngày 23/5/2014, trên trang Facebook cá nhân, Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn đã đăng tải bức thư ngỏ gửi Tổng Giám đốc RIA để nói về bài báo sai sự thật này.

Trong bức thư, ông khẳng định: "Mỗi chữ liên quan đến Việt Nam có trong bài báo của Kosyrev đều khiến độc giả Việt Nam bị tổn thương sâu sắc - đặc biệt là với những ai gần gũi với gắn bó với nước Nga - trong đó có tôi".

(...) Sau khi nội dung bài báo được dịch ra tiếng Việt, tôi thấy khó khăn khi nhìn vào ánh mắt đồng bào tôi, bởi lẽ tôi đọc trong mắt họ câu hỏi lớn: Tại sao?

Vâng - Tại sao trên trang của cơ quan truyền thông lớn bậc nhất của nước Nga lại có những lời lẽ sai lệch , xúc phạm đến thế về lịch sử của Việt Nam.

Tại sao lại có sự so sánh khiên cưỡng, thiên kiến đến thế khi nhìn nhận sự việc diễn ra với Việt Nam trong tình hình hiện nay.

Tại sao vào lúc người Việt Nam chúng tôi cần những người hoà giải để tránh những tai hoạ có thể đo bằng xương máu, lại nghe thấy những lời lẽ thiếu thiện chí như thế, và xét về tác động chính trị (nếu có) là nguy hiểm".

Bài báo xuyên tạc lịch sử Việt Nam đăng trên RIA Novosti. Ảnh chụp màn hình
Bài báo xuyên tạc lịch sử Việt Nam đăng trên RIA Novosti. Ảnh chụp màn hình

Sau đó, bà Evghenhia Golovnya - nguyên giảng viên trường Đại học Điện ảnh quốc gia toàn Liên Xô, nguyên Giám đốc Trung tâm Điện ảnh và VTTH dành cho thanh thiếu niên đã viết thư xin lỗi người Việt vì bài báo trên của RIA Novosti. Bài báo này cũng đã bị gỡ bỏ.

Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ về Dự án Cơm có thịt

Năm 2012, nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng đã gửi một bức thư ngỏ đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc cấp phép cho quỹ Cơm có thịt.

Trong bức thư, ông cho hay khi chứng kiến bữa ăn chỉ có cơm trắng, canh loãng của các cháu học sinh trong khu nội trú dân nuôi tại 1 trường ở xã vùng cao Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái), ông và vài người bạn rủ nhau góp tiền gửi lên hằng tháng mua thêm thức ăn.

Việc làm đó để mong sao mỗi bữa ăn của các cháu có thêm một, hai miếng thịt.

Khi thông tin trên được đăng tải, rất nhiều người đã chung tay giúp đỡ và thúc giục lập ra một địa chỉ chính thức giúp "gắp thịt" cho học sinh vùng cao.

Ông Tuấn và bạn bè đã theo đuổi dự án Cơm có thịt cho trẻ em vùng cao và lập hồ sơ xin thành lập quỹ từ thiện “Cơm có thịt” gửi Bộ Nội vụ vào cuối tháng 5/2012.

Bữa cơm trưa ở tiểu học Lao Chải, Sa Pa, Lào Cai. Ảnh trên trang cá nhân của ông Tuấn
Bữa cơm trưa ở tiểu học Lao Chải, Sa Pa, Lào Cai. Ảnh trên trang cá nhân của ông Tuấn

Trong bức thư ngỏ này, ông viết:

"Trong những ngày đầu, người đại diện cho tôi và nhóm sáng lập viên được chuyên viên của bộ hướng dẫn bổ sung vào hồ sơ. Sau đó mỗi khi liên lạc hỏi kết quả, chuyên viên đó đều nói rằng sẽ trình khi lãnh đạo đi công tác về.

Cuối tháng 10/2012, tức là tròn năm tháng sau khi nộp hồ sơ, sốt ruột quá, qua điện thoại tôi đã đề nghị chuyên viên thụ lý hồ sơ giải thích tại sao hồ sơ chưa được xem xét và không có một thông báo văn bản nào về kết quả xem xét.

Theo chuyên viên này thì chẳng có vướng mắc gì, chẳng qua lãnh đạo đi công tác suốt nên chưa trình được. Cũng có một điều nữa là chuyên viên có vẻ không thích cái tên quỹ Cơm có thịt.

Có vậy thôi mà năm tháng trôi qua không có một hồi âm, dù chúng tôi hàng chục lần hỏi.

...... Tôi viết thư ngỏ này không nhằm mục đích đề nghị ông bộ trưởng đôn đốc việc cấp phép cho quỹ Cơm có thịt.

Bộ trưởng dẫu có đích thân làm thay nhân viên thì cũng chỉ được một vài lần. Chúng tôi sẽ có cách làm phù hợp luật pháp để tiếp tục giúp các em vùng cao mà không cần thành lập quỹ như nhiều, rất nhiều người Việt Nam đang làm". (...)

2 lần viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo

Những tháng đầu năm 2013, ông Tuấn đã có tâm thư gửi Bộ trưởng Luận, đề cập tới Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 60 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 – 2015 chậm được ban hành.

Trong đó, nói về bữa ăn của trẻ em vùng cao.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa sau đó đã có thư phúc đáp, nói về nguyên nhân mà Thông tư trên chậm được thực hiện, đồng thời thừa nhận đây là sự chậm trễ và thiếu sót của cơ quan quản lý.

Tiếp đó, tháng 3/2013, ông Tuấn có tâm thư lần thứ 2 gửi Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phạm Vũ Luận.

Bức thư giãi bày về những khó khăn trong thu nhập, chế độ lương của giáo viên mầm non.

"Bên cạnh một số địa phương hỗ trợ ngân sách, còn lại phần lớn GV mầm non ngoài biên chế chưa được hưởng lương theo ngạch bậc, không tăng lương theo định kỳ.

Thu nhập của GV cấp học này nhìn chung còn rất thấp, ở nhiều nơi thậm chí thấp hơn mức lương tối thiểu", ông Tuấn viết trong thư.

Tại Hà Nội: Tính đến chiều 13/3, số hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội là 87, trong đó 40 hồ sơ được các cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử và 47 người tự ứng cử.

Ngoài Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn thì một số người ứng cử ĐBQH cũng được công chúng biết đến như nghệ sĩ ưu tú Minh Ánh, Hiệu trưởng Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, nghệ sĩ ưu tú Kim Tiến, nguyên phát thanh viên, biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam…

TP.HCM: 90 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó có 50 hồ sơ tự ứng cử.

Đà Nẵng: 15 ứng viên đại biểu Quốc hội, trong đó có 3 người tự ứng cử.

Quảng Nam: 15 ứng viên đại biểu Quốc hội, trong đó có 3 người tự ứng cử.

Hà Tĩnh: 16 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó có một ngưaời tự ứng cử.

Nghệ An: 38 người ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó có 5 hồ sơ tự ứng cử

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại