Ông Lê Như Tiến: "Tôi không thể ngờ có một cô giáo như cô Lê Na"

Hoàng Đan |

Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH, ông Lê Như Tiến cho rằng, hành vi ứng xử của cô giáo "cung bọ cạp" Lê Na là không thể chấp nhận được.

Hành xử thiếu văn hóa

Trao đổi với chúng tôi, Đại biểu QH Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH cho rằng, ông không thể ngờ được một cô giáo ở trung tâm Anh ngữ lại có thể hành xử với học sinh như cô giáo "cung bọ cạp" Lê Na.

Theo ông Tiến, hiện nay đang có sự thiếu hụt và lệch chuẩn về ứng xử có văn hóa. Đối với hành vi ứng xử của cô giáo Lê Na này thì rõ ràng đã thể hiện sự lệch chuẩn và thiếu văn hóa.

"Gia đình là thời gian ban đầu còn nhà trường là nơi đào tạo nhân cách các em và nếu ở môi trường đó không được đào tạo cẩn thận thì sẽ rất dễ bị lệch chuẩn cũng như phi văn hóa trong hành xử với nhau.

Chuyện của cô giáo Lê Na ở trung tâm đào tạo ngoại ngữ ở Q. Đống Đa (Hà Nội) mà báo chí phản ánh trong thời gian qua chính là cách hành xử sự lệch chuẩn và thiếu văn hóa", ông Tiến nói.

Đồng thời, theo ông Tiến, khi học sinh của mình đào tạo có những hành động lệch chuẩn, thiếu văn hóa thì người giáo viên cần phải có những hành xử đúng đắn.

"Ở đây, khi học sinh hành xử thiếu văn hóa thì mình cần giáo dục lại các em bằng sự gương mẫu, tình yêu thương, giải thích cho các em.

Nếu em học sinh có hành vi giật giấy, lời nói khiếm nhã thì mình cần giải thích, phân tích, hướng dẫn rõ là em không được làm như thế.

Còn việc cô Lê Na lại mắng, xưng "mày - tao" với học sinh thì lại là sự phản tác dụng vô cùng và thực sự, tôi cũng không thể ngờ được là lại có một cô giáo như thế", ông Tiến nhấn mạnh.

Ảnh cắt từ clip.
Ảnh cắt từ clip.

Ông Tiến cho hay, gần đây, một vấn đề xuất hiện ở một số cơ sở đào tạo, đó là mới chỉ chú trọng đào tạo về mặt kiến thức nhiều hơn mà ít có những hiểu biết về tâm lý học giáo dục, tâm lý học sinh.

"Ở các trường học, cơ sở đào tạo đều có câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", vậy mà lại có cách hành xử như vụ việc của cô Lê Na này thì rõ ràng là tiếng chuông rất báo động.

Đồng thời, qua việc này cũng quay lại việc, cần phải giáo dục chính cô giáo Lê Na này", ông Tiến bày tỏ.

Cô Lê Na nên học lại nghiệp vụ sư phạm

Còn trao đổi với chúng tôi, thạc sỹ Nguyễn Đình Hậu, Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội cho rằng, cách ứng xử của cô giáo "cung bọ cạp" Lê Na là không thể chấp nhận được và không thể có trong môi trường giáo dục.

"Cô cho dù có giỏi về chuyên môn đến đâu nhưng đã là người giáo viên, giảng dạy cho học sinh thì cần phải có đạo đức, có cách cư xử đúng mực.

Dù học trò có sai đến đâu thì cũng phải khuyên giải, phân tích để cho các em hiểu. Tôi tin rằng, em học sinh kia sẽ dễ dàng nhận ra lỗi của mình nếu cô nhẹ nhàng giải thích cho em rõ về việc mình đã làm.

Còn rõ ràng, khi các em sai mà cô ứng xử "mày - tao" rồi hành động như vậy thì còn sai hơn các em nhiều lần", thạc sỹ Hậu nói.

Cũng theo thạc sỹ Hậu, sau sự việc này, ngoài rút ra bài học thì cô Lê Na nên đi học lại nghiệp vụ sư phạm để có thái độ, cách hành xử phù hợp với học trò của mình.

Đồng quan điểm đó, cô giáo Lê Thị Hường, giáo viên một trường THPT dân lập ở Hà Nội cũng chia sẻ, cô cũng đã gặp phải một số trường hợp học sinh có thái độ khiếm nhã với mình nhưng cách giải quyết của cô hoàn toàn khác.

"Tôi cũng đã từng dạy một nam sinh cá biệt và có thái độ hỗn hào với cô giáo, thậm chí anh này còn dùng từ ngữ mạt sát tôi.

Nhưng tôi không hề mắng hay nói bất cứ điều gì mà tôi để cậu ta nói hết rồi bảo em đang nóng, em nói hết rồi về, hôm sau cô trò ta nói chuyện.

Đến hôm sau, khi gặp, tôi nhẹ nhàng phân tích những điểm mà cậu học trò này sai ra và lúc đó, cậu ấy đã nhận ra lỗi của mình rồi xin lỗi tôi, đồng thời, sau đó, không còn tái phạm nữa", cô Hường kể.

Cô Hường cũng bày tỏ, việc cô giáo Lê Na này nổi nóng, có thái độ như vậy là không thể chấp nhận trong ngành giáo dục và rõ ràng, cần phải có lời xin lỗi gửi đến chính học sinh đó.

"Ở đây, rõ ràng không một ai có thể đồng tình với thái độ, hành xử của cô Lê Na này, cho dù học sinh có sai trước. Lấy cái xấu đối lại với cái xấu thì hậu quả có thể sẽ rất khôn lường.

Tôi cho rằng, cô Lê Na cần có lời xin lỗi rõ ràng không chỉ đến dư luận mà đến chính học sinh đó. Khi cô làm gương xin lỗi trước thì tôi tin học sinh đó sẽ nhận ra lỗi và xin lỗi", cô Hường nói thê,

Trước đó, trong sáng 5/8, cô giáo "cung bọ cạp" Phạm Nguyễn Lê Na cũng đã có buổi trao đổi với báo chí xung quanh sự việc vừa xảy ra tại trung tâm của mình.

Cô Lê Na cho biết, người quản lý đã kiểm tra và phát hiện tên đăng ký và tên người học không trùng khớp, nhưng trung tâm vẫn tạo điều kiện cho học viên học tiếp.

Việc lần đầu tiên bị học sinh giật tờ giấy đã khiến cô mất bình tĩnh.

Cô giáo "cung bọ cạp" này cũng cho rằng, nếu học sinh nói chuyện lịch sự với giáo viên, câu chuyện đã khác và cô Lê Na cũng học được nhiều điều sau vụ việc.

“Qua câu chuyện này, tôi muốn nhắn nhủ đến học sinh trong clip: Tôi và em nên bình tĩnh lại và nếu em thực sự thương yêu gia đình và hiểu giá trị của lao động, hãy tiếp tục học tập”, cô giáo "cung bọ cạp" nói.

Liên quan đến thông tin học viên đe dọa bắt cóc con của giáo viên này, cô Lê Na khẳng định có việc trên, nhưng không xác nhận người đe dọa có phải nam sinh trong clip hay không?

“Sau khi clip lan tỏa trên mạng, tôi cũng nhận được những nội dung đe dọa khác”, cô giáo Lê Na nói.

Giải thích về câu nói “cung bọ cạp” trong clip, nữ giáo viên cho biết, chỉ nói theo cách vui vẻ như trong lớp học, với hàm ý: Cô cũng ghê đấy, đừng giật giấy với cô. Bọ Cạp thì ghê, cô Lê Na cũng rất ghê.

Tuy nhiên, cô giáo này khẳng định, mình không gọi điện đến Trung tâm CGV để đe dọa hai học viên trong đoạn clip như một số thông tin.

Liên quan giấy tờ hoạt động của trung tâm bị cho là hết hạn, cô giáo "cung bọ cạp" Lê Na từ chối trả lời và cho biết đã làm việc với Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại