Hoàn cảnh ‘bi đát’ đang từng ngày diễn ra với ông Hồ Văn Nguyên (SN 1930) và bà Dương Hạnh (SN 1942) tại khu thuê nhà trọ ở Khu dân cư 586, (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ), khiến con cháu ông bà khi biết chuyện “vừa giận mà thương”.
Dự trữ vàng
Dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyên vẫn còn rất minh mẫn, nói chuyện đâu vào đó và nhớ rất rõ từng chi tiết người mượn tài sản (vàng 9999 - PV) từng thời điểm.
Người được vợ chồng ông Nguyên cho mượn trên 100 lượng vàng là bà Triều Thị Phương Thùy (SN 1966) và ông Trần Thái Thẩm (SN 1962, địa chỉ 79/7, Điện Biên Phủ, P.An Lạc, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) chỉ trong vòng mấy tháng của năm 2006.
-
Trong căn nhà thuê, ông Nguyên ngán ngẩm nhớ lại ngày tháng manh nha cho vợ chồng Thùy và Thẩm vay vàng, cho đến những ngày cơ cực kéo nhau ra tòa và chờ thi hành án.
Ông kể, 2 vợ chồng lấy nhau có 2 con trai, mẹ vợ viết di chúc cho một căn nhà bán với giá 2,2 tỷ đồng.
Khoản tiền này ông mua hơn 100 lượng vàng, mua đất, làm nhà ở đường Phan Đình Phùng (Q.Ninh Kiều).
“Vàng hồi đó giá còn rẻ. Tôi mua nhiều lần, nhưng lần mua nhiều nhất là 52 lượng. Mua vàng cất trong nhà chỉ có tôi và vợ biết, 2 đứa con không hề biết bố mẹ có vàng” – ông Nguyên tâm sự
Vợ chồng bà Thùy và ông Thẩm biết gia đình ông Nguyên có tài sản lớn nhàn rỗi. Trong lúc 2 vợ chồng này đang cần tiền để mua các thiết bị phụ tùng ô tô, buôn đi bán lại.
Cho vay lấy lãi ngày
Đầu năm 2006, những lượng vàng đầu tiên ông Nguyên cho bà Thùy vay từ con số ít nhất là 3 lượng, đến 10 và 20 lượng.
Cộng dồn tất cả các lần cho vay là hơn 100 cây vàng (chi tiết bản án sẽ đề cập ở bài sau).
“Có vàng để trong nhà không buôn bán gì, lại chỗ quen biết nên gia đình rất tin tưởng bà Thùy và ông Thẩm. 2 vợ chồng buôn phụ kiện ô tô ở cửa khẩu An Giang, khi cần vốn là sang năn nỉ tôi vay để lấy hàng. Nể tình tôi viết giấy cho vay vàng miếng, nhẫn tròn đều vàng 9999 cả” – ông nhớ lại.
-
Hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên người vay vàng phải trả cho ông Nguyên hơn 100 lượng vàng.
-
Tuy nhiên, việc ông Thẩm, bà Thùy vay vàng của ông Nguyên cũng phải đóng tiền lãi suất hàng ngày. Bình quân mỗi ngày 500 ngàn đồng, đóng tiền lãi khoảng hơn 1 tháng thì ngưng trả tiền.
Ông Nguyên kể tiếp, lúc đầu cho vay vàng 2 vợ chồng này hứa 10 đến 15 ngày sẽ trả nợ gốc và lãi. Tất cả các lần vay vàng đều ghi vào mảnh giấy và ký thỏa thuận giữa 2 bên.
“Cho vay thì rất nhiều lần không nhớ hết, nhưng gom lại 3 giấy nợ thành 102 lượng vàng. Không chỉ tiền, vàng có sẵn trong gia đình mà còn tiền từ anh em ở nước ngoài gửi về tôi vay mua vàng. Đến giờ vẫn còn nợ trên 30 ngàn USD” – ông Nguyên chia sẻ.
Với số lượng vàng cho người khác vay lớn như vậy, nhưng vợ chồng ông Nguyên giấu biệt các con và cháu. Nhiều lần ông đi đòi nợ người vay vàng nhưng họ nhất quyết không trả.
“Nó (ông Thẩm và bà Thùy - PV) bảo làm ăn thua lỗ, giờ không có trả nữa. Do đó tôi kiện ra TAND Q.Ninh Kiều nhưng giờ không trả tài sản cho tôi. Toàn bộ tài sản ông Thẩm bà Thùy tẩu tán cho em gái đứng tên” - ông Nguyên chua xót.
‘Trắng tay’
Lúc bị người khác đòi nợ ráo riết, năm 2012, vợ chồng ông Nguyên quyết định bán căn nhà ở đường Phan Đình Phùng lấy 440 triệu đồng lấy tiền trả nợ. Tuy nhiên, khoản tiền này cũng không thấm vào đâu trước khoản nợ của gia đình.
Từ khi không còn nhà, 2 vợ chồng thuê nhà ở hẻm 50, đường Quang Trung và bây giờ là thuê nhà ở Khu dân cư 586.
Ông nhiều lần tìm đến Chi cục thi hành án Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) làm việc, tuy nhiên, cơ quan này một mực bảo: “Tự tìm tài sản của bà Thùy và ông Thẩm ở đâu có thì sẽ làm việc”.
“Vì tin người quá nên giờ vợ chồng phải ở nhà thuê. Vợ tôi bị tai biến suốt mấy năm qua, đi chữa suốt ở bệnh viện Cần Thơ và TP.HCM. Đến bây giờ 2 người con trai tôi vẫn chưa biết chuyện này, tôi mới kể cho mấy người cháu nghe” – ông nghẹn ngào.
Biết chuyện, mấy người cháu ông Nguyên đang tìm cách đòi lại khối tài sản mà tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên cách đây 7 năm chưa thi hành án.