Ông lão "gàn dở" và hơn 1.600 lá thư gửi thân nhân liệt sĩ

Loan Phạm |

(Soha.vn) - 20 năm, hơn 1600 lá thư gửi cho thân nhân liệt sĩ, chiếc mũ cối sờn bạc, chiếc xe đạp cà tàng và đùm cơm nắm muối vừng là ngần ấy hành trang giúp ông Lê Văn Cam thêm lần nữa “xẻ dọc Trường Sơn” thực hiện lời hứa năm xưa với đồng đội.

Lời hứa không quên

Già trẻ, trai gái xóm 10, thôn Đông Hạ, xã Vũ Phúc, TP Thái Bình đã quá quen với ông lão “gàn dở” chỉ biết “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” Lê Văn Cam. Vì thế thật dễ dàng cho chúng tôi tìm đến “dinh cơ” của chủ nhân của hơn 1.600 lá thư kết nối với thân nhân các liệt sĩ.

Nhìn gia cảnh chẳng mấy khấm khá, dư giả, người viết lấy làm ngạc nhiên, động lực gì đã khiến ông lão “bỏ bê” nhà cửa, lang thang suốt 20 năm qua đi tìm mộ đồng đội. “Công nghệ” mà ông sử dụng gần 20 năm để trả món nợ với đồng đội mới thật lạ lùng.

Ông Lê Văn Cam sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Thái Bình. Năm 1959, chàng trai trẻ ấy nhập ngũ, tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường máu lửa. Năm 1981, ông xuất ngũ về quê hương lập nghiệp.

Được sống hạnh phúc bên vợ và các con nhưng ông luôn “ám ảnh” bởi những trận đánh, những cuộc hành quân nơi rừng thiêng nước độc, những người đồng đội chưa kịp biết tên, quen mặt đã ngã xuống trước họng súng quân thù. Những lời hứa với đồng đội chưa kịp thực hiện.... cứ ám ảnh trong ông

“Đồng đội của chúng tôi hy sinh nhiều lắm, có người tôi còn chưa kịp hỏi xem quê quán ở đâu, đã có vợ con gì chưa? Tôi nhớ nhất là lần trông coi thi thể đồng chí Trinh Bá Trân, cả Tiểu đoàn thay nhau đứng gác và xót thương cho cậu ấy.

Lúc ấy chúng tôi nói với nhau rằng, sau này ai còn sống nhất định phải báo cho gia đình Trân biết nơi chôn cất để cậu ấy được về với nơi chôn rau cắt rốn, không phải bơ vơ lạnh lẽo nơi này”, đôi mắt ông Cam trầm ngâm suy tư hồi tưởng lại quá khứ.

Hành trình "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" của ông Lê Văn Cam luôn có sự đồng hành cùng người vợ tần tảo

Năm 1995, ông bắt đầu cuộc hành trình xẻ dọc Trường Sơn lần nữa để thực hiện lời hứa với đồng đội.

“Khi trên đài đưa tin đã quy tụ được liệt sĩ tại chiến trường Lào về nghĩa trang liệt sĩ huyện Anh Sơn (Nghệ An) ông ấy mất ăn mất ngủ. Ngày nào cũng kể về chuyện chiến tranh, kể các đồng đội sống và hành quân thế nào cho vợ con nghe. Đêm nào ông ấy cũng mơ về những đồng đội đã mất.

Tôi cũng khuyên và không đồng ý cho ông ấy đi đâu, vì mình tuổi cao sức yếu rồi. Nhưng ông nhà tôi nhất quyết đòi đi tìm bằng được”­, bà Nguyễn Thị Hoa chia sẻ lại những ngày tháng bắt đầu cuộc hành trình của chồng.

Cái ngày định mệnh vào nghĩa trang liệt sĩ Anh Sơn đã đưa cuộc đời người lính sang một hướng khác.

“Trước hàng trăm nấm mồ được quy tụ về đây, không có cái nào có tên bạn của tôi. Đứng giữa nghĩa trang thắp nén hương thơm với những người lính tôi vô cùng xúc động, nước mắt cứ thế tuôn ra khi nhìn những tấm mộ liệt sĩ vô danh.

Lúc ấy như có gì đó thúc giục, tôi nghĩ đó là mệnh lệnh từ trái tim người lính. Và tôi chép hết tên, quê quán, địa chỉ các ngôi mộ mà cũng chưa biết mình sẽ làm gì tiếp theo”, ông Cam dưng dưng nhớ lại .

Hành trình “xẻ dọc Trường Sơn” sau thời chiến

Sau chuyến đi đó, ông Cam bắt đầu cuộc hành trình sau thời chiến. Ông đến tất cả các nghĩa trang, chiến trường xưa để ghi chép các phần mộ liệt sĩ với hy vọng tương lai không xa các liệt sĩ được trở về quê nhà.

Dáng người hao hao gầy, đầu đội mũ cối, chân đi dép cao su ngồi trên chiếc xe đạp “cổ” với đùm cơm nắm muối vừng, chai nước và đôi ba bộ quần áo, ông đã đi khắp các nghĩa trang, chiến trường từ Bắc chí Nam.

Những chuyến đi biền biệt của ông luôn là chủ đề bàn tán của bà con láng giềng. Nhiều người không hiểu thực hư câu chuyện cho rằng ông thật vô công rồi nghề, gia cảnh có khấm khá gì đâu mà liều thế…

Ông Cam hồi tưởng lại những kỉ niệm trên hành trình tìm kiếm phần mộ của đồng đội

Mặc những lời đồn đại, can ngăn, như một mệnh lệnh từ trái tim, cứ thế gần 20 năm qua, với “tài sản” thu về là quyển sổ giày đặc, chi chít tên và thông tin liệt sĩ. Ông đã gửi hơn 1600 lá thư tới gia đình liệt sĩ có tên tại các nghĩa trang mà ông qua.

“ Nhiều lần đến nghĩa trang ghi chép tất cả các ngôi mộ, người trông coi còn tưởng tôi có ý đồ xấu nên họ tỏ thái độ và giám sát chặt, nhiều khi không cho ghi chép.

Sau đó tôi nảy sinh ý định lên chính quền xã, huyện xin giấy giới thiệu rồi lên cả sở Lao động, thương binh xã hội, nhưng người ta không cho vì nhà tôi không có ai là liệt sĩ cả. Mãi về sau đến nhiều lần quá, rồi tôi trình bày hoàn cảnh, ý nguyện thì họ mới xem xét rồi phê duyệt đấy”, ông tâm sự.

Gần 20 năm qua, ông đã đặt chân đến không biết bao nghĩa trang, chiến trường, chỉ biết đã đến cả nghĩa trang đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và Tông Khao (Điện Biên). Chúng tôi được ông cho xem hơn 80 cuốn sổ tay với trên 27.000 thông tin liệt sĩ.

Hỏi chuyện về những chuyến đi mới biết hành trình làm việc thiện không hề đơn giản chút nào. Đi đâu cũng mang theo chiếc xe cà tàng, chỉ có khi nào đi xa ông mới đi xe khách nhưng vẫn đem theo “con ngựa sắt” ấy để tiện cho “công nghệ” tìm kiếm không tốn kém, đơn giản và tiện lợi.

Phương tiện cho hành trình ngoài chiếc xe đạp, chiếc mũ cối sờn bạc là dăm ba bộ quần áo, cơm nắm muối vừng vài chai nước và không bao giờ quên chiếc màn để xin ngủ nhờ bà con dọc đường, khỏi phải mất tiền thuê phòng trọ. Nhưng không phải lúc nào xin ngủ cũng được, nhiều người đa nghi sợ ông là kẻ xấu còn xua đuổi. Có nhiều lần ông còn phải vào nghĩa trang ngủ.

Đi biệt biền như thế, nhưng về đến nhà là ông lại cặm cụi thức khuya dậy sớm trước 8h để kịp gửi thư đi. Có nhiều lần hết tiền mua tem thư, ông viết chữ thật to ngoài bì thư "Kính biếu thân nhân liệt sĩ.." là bưu điện vẫn nhận.

Thấy hoàn cảnh ông Cam khó khăn, một người hảo tâm đã mua tặng ông bộ máy vi tính, có cả máy in để nâng cấp “công nghệ” tìm mộ, thân  nhân liệt sĩ của ông. Ông Cam mạnh dạn đăng ký học thêm vi tính và giờ thì ngày nào cũng online đọc báo, nghe radio tìm hiểu thông tin về liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ....

Chiếc xe đạp cà tàng đã đồng hành cùng ông trong suốt 20 năm qua

Ông Đặng Văn Sáu, trưởng thôn Đông Hạ cho biết: “Ông Cam là một công dân tốt của địa phương chúng tôi. Suốt gần 20 năm qua ông làm công việc tìm lại thân nhân cho liệt sỹ. Mấy năm về trước kinh tế nhà vốn dĩ đã khó khăn lại còn bị người ta lừa vì vậy mà giờ đây thiếu thốn đủ bề.

Giờ con cái lớn khôn nên không còn khổ như trước nữa. Nhưng dù sướng khổ, dù phải vay mượn ông ấy vẫn làm theo mệnh lệnh từ trái tim ấy. Và giờ thì cả thôn Đông Hạ này chẳng ai còn nói là ông gàn ông dở nữa... Họ chỉ gọi để bày tỏ sự ngưỡng mộ thôi..”

Những cánh thư bay đi cũng có những cánh thư đáp trả tấm chân tình của ông. Trong đó, chúng tôi đọc được một bức thư gửi từ Cao Bằng với nội dung:

“7 năm trôi qua, kể từ ngày bác giúp gia đình cháu tìm được mộ bố. Biết được chính xác ngày giỗ của bố. Với chúng cháu công ơn của bác thật sâu nặng, không có gì sánh được.

Do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nên chúng cháu chưa sắp xếp xuống đó thăm bác được. Nhưng chắc chắn cháu sẽ xuống Thái Bình để gặp người lính đã giúp gia đình cháu tìm được mộ bố. Hoàn thành tâm nguyện của mẹ trước lúc đi xa.... ”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại