Ông lão 30 năm bảo vệ cột mốc biên giới

Theo VNE |

Người Thái ở bản Bôn (Quan Sơn, Thanh Hóa) và các chiến sĩ biên phòng thường gọi ông Cân bằng cái tên giản dị “bố Cân cột mốc”. 30 năm qua, cụ ông miệt mài băng rừng lội suối bảo vệ cột mốc ở biên giới Việt - Lào.

Tết cận kề, cái lạnh vùng biên se sắt, dân bản Bôn, xã Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa) đang hò nhau giết trâu, mổ lợn hay gói bánh chưng chuẩn bị ăn Tết cổ truyền. Riêng ông Vi Văn Cân vẫn một mình chuẩn bị hành trang cho chuyến băng rừng đã được định trước.

Quên đi sự mệt nhọc ở cái tuổi ngoài 80, cụ ông miệt mài vượt qua nhiều ngọn đồi cao, lội suối sâu và cả những hiểm nguy khi phải treo mình trên các vách đá cheo leo. Cụ bảo, đây là chuyến đi cuối cùng trong năm cũ, đánh dấu một năm “an toàn”.

Giọng trầm, cụ Cân kể, sau khi bộ đội biên phòng Việt Nam kết hợp với nước bạn Lào xây dựng cột mốc H5 (nay đổi thành cột mốc 342) trên xã Tam Thanh vào năm 1979, cột thường bị đám người xấu phá hại.

“Mỗi lần đi rừng ghé qua, tôi rất buồn vì cột mốc thi thoảng lại bị ai đó đập phá sứt sẹo. Có người thản nhiên dùng cột mốc làm cột néo, giữ gỗ khai thác trong rừng hoặc cột trâu bò. Họ chưa hiểu hết tầm quan trọng của cái cột mốc này”, cụ ông tâm sự.


Dù đã hơn 80 tuổi nhưng đều đặn mỗi tháng, cụ Vi Văn Cân vẫn đều đặn vượt 10 km để bảo vệ cột mốc. Ảnh: Lê Hoàng.
 

Kể từ đó, chẳng ai giao nhiệm vụ nhưng đều đặn mỗi tuần cụ lại lên thăm mốc. “Dù cột mốc hư hại không hẳn là ý đồ phá hoại chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới của người dân, nhưng do đây là vùng biên giới, giáp với nước bạn Lào, lại có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nên nếu không chú ý vấn đề này sẽ rất dễ gây hiểu nhầm cho lực lượng đảm bảo an ninh biên giới của cả hai nước.

Ở đây không gì quan trọng hơn sự đoàn kết và cũng không gì nguy hiểm bằng sự mất đoàn kết, bố nghĩ thế nên tự nhiên muốn đi bảo vệ cái cột mốc thôi”, cụ Cân lý giải thêm.

Công việc trong mỗi chuyến tuần tra cột mốc của cụ Cân là phát quang cỏ dại, sơn vẽ lại chính xác thông tin trên cây cột mốc quốc gia và ghi chép những điều bất thường về báo cáo cơ quan chức năng.

Không những thế, mỗi lần có cuộc họp dân bản, cụ Cân lại tuyên truyền để dân làng hiểu được tầm quan trọng rồi cùng nhau bảo vệ, chăm sóc cột mốc.

Ngày còn trẻ, cứ một tuần cụ Cân đến thăm cột mốc vài lần. Hành trang băng rừng của ông chỉ vẻn vẹn con dao nhỏ và cơm nắm muối vừng mang ăn trên đường. Cụ đến phát quang cỏ dại che khuất cột mốc, đắp đất những chỗ bị nước xói mòn ở chân cột rồi lại băng rừng về nhà.

“Dù công việc nói chỉ có vậy nhưng có đi trong rừng, leo núi, vượt đèo mới thấy để duy trì được công việc đó là cả một sự cố gắng lớn của ông Cân”, một người dân bản Bôn nhận định.

Ngồi nép ở góc căn nhà sàn, tay thoăn thoắt khâu chiếc áo cho chồng do gai rừng vướng rách trong chuyến đi thăm mốc vừa qua, bà Lương Thị Ặn chép miệng bảo: “Ông lão nhà tôi thật kỳ quặc, già rồi sức khỏe không được như trước nữa, thế mà cứ đến ngày là ông ấy lại vác rựa, đeo túi phăng phăng lên rừng.

Tôi cùng các con cháu đã góp ý nhiều lần rồi nhưng ông ấy bảo, còn sức thì còn đi. Mình làm nhiệm vụ thiêng liêng có gì mà phải hổ thẹn”, cụ bà kể.

Bà Ặn vẫn nhớ như in về cái lần ông chồng lẩm cẩm đi thăm mốc nhưng suýt nữa thì mất mạng.

Bà kể, hôm đó sau khi kiểm tra cột mốc, ông định quay về thì trời bỗng mưa như trút nước. Con suối lúc sáng ông đi qua nước mới chỉ xâm xấp mắt cá chân giờ bỗng chảy cuộn cuộn. Thấy lũ lớn, ông Cân dồn hết sức leo lên lưng chừng núi, chui vào hang đá và ở đó trong gần ba ngày đêm.

Cơm nắm mang theo đã hết, ông phải chống chọi với cái đói, cái lạnh, nằm trong hang chờ người bản Bôn tới cứu.

May mà người nhà biết ông vào rừng kiểm tra cột mốc nên lũ qua là cả bản túa đi tìm. Rồi người dân cũng tìm thấy, đưa ông Cân về nhà, mổ lợn, bày tiệc rượu ăn mừng ông thoát qua cơn lũ dữ nhất từ ngày có làng, có bản.


Sau mỗi lần lên thăm mốc, cụ Cân lại về trao đổi cặn kẽ thông tin với bộ đội biên phòng. Ảnh: Lê Hoàng.
 

Con đường từ trung tâm xã Tam Thanh cũng là từ nhà ông Cân đến vị trí cây cột mốc H5 dài khoảng 10 km do ông đi nhiều nên giờ đã trở thành con đường để người dân Việt Nam - Lào qua lại thông thương, giao lưu văn hóa.

Gần đây thấy sức khỏe có phần giảm sút nên mỗi khi vào rừng thăm cột mốc, ông Cân thường dẫn theo con trai út. Ông bảo đang tập huấn để chuẩn bị bàn giao công việc cho thế hệ thứ hai trong gia đình.

Nhận thấy hiệu quả lớn trong công việc của ông Cân nên từ năm 2009, Đồn biên phòng 501 hỗ trợ cho ông mỗi tháng 30.000 đồng công tác phí và mới đây nâng lên 50.000 đồng. Đây là khoản tiền mang tính chất động viên để ông Cân thêm phấn khởi với công việc kiểm tra cột mốc, cũng là hành động thắt chặt tình quân dân nơi biên ải.

Hiện tại các chiến sĩ ở đồn biên phòng 501 thường xuyên cùng ông Cân trong những chuyến hành trình trên vùng biên giới.

Cuốn sổ ghi chép hiện trạng cây cột mốc sau mỗi chuyến đi rừng của ông Cân luôn được Đồn biên phòng 501 cập nhật số liệu, là một kênh thông tin hữu ích cho đơn vị.

“Công việc của bố Cân đã góp phần mang lại sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, đảm bảo an ninh biên giới và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào. "

"Đứng ở cái nơi chỉ cần một bước chân người ta đã ở trên quốc gia khác mới cảm nhận hết sự thiêng liêng của hình ảnh lá cờ Tổ quốc, hai tiếng chủ quyền và chợt nhận ra việc làm thầm lặng của bố Cân thật đáng trân trọng”, anh Bùi Văn Tuấn, bộ đội biên phòng Đồn biên phòng 501, chia sẻ.

Còn trung tá Hà Văn Lượng, Đồn phó Đồn biên phòng 501 Tam Thanh, đánh giá: “Bố Cân dù đã cao tuổi nhưng rất nhiệt tình với công việc bảo vệ cột mốc H5. Việc làm tự nguyện của bố Cân đã giúp đồn rất nhiều trong việc đảm bảo an ninh biên giới, thắt chặt tình đoàn kết quân dân.

Nhờ có bố Cân tuyên truyền mà người dân đã nhận thức rõ được vai trò của cột mốc, góp phần đảm bảo cho sự toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại